ClockThứ Tư, 30/11/2016 13:41

“Bức tử” sông ngòi, kênh rạch

TTH - Sau thời gian dài buông lỏng quản lý, tình trạng xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang sông ngòi, kênh rạch theo kiểu “gặm nhấm” trên địa bàn TP. Huế đặt ra nhiều hệ lụy về môi sinh, môi trường, cảnh quan.

Sau nhiều tháng hoạt động, quán nhậu xâm lấn mương nước ở phường Thủy Xuân mới bị cưỡng chế một phần

“Cha chung không ai khóc” 

Mạng lưới sông, hồ, mương, … có vai trò quan trọng trong điều tiết nước, điều hoà môi trường sinh thái và góp phần định hình đô thị Huế. Tuy nhiên, dọc theo các con sông lớn, việc xây dựng, lấn chiếm đang diễn ra công khai. Đơn cử, ở bờ sông đường Nguyễn Sinh Cung (phường Vỹ Dạ), nhiều hộ kinh doanh quán nhậu, hàng ăn, khách sạn... đã “liều” đổ đất đá để cơi nới từ 2 – 5 mét. Theo cách nghĩ “họ làm được, mình cũng làm được” nên kéo theo việc sông ngòi bị lấn chiếm. Vấn đề này cũng phổ biến tại khá nhiều đoạn ở sông Như Ý (phường Xuân Phú), sông Ngự Hà (phường Thuận Lộc)…  Các hồ Võ Sanh, Tân Miếu, Tịnh Tâm… ở 4 phường nội thành đều được khoanh vùng bảo vệ nhưng các hộ dân sống xung quanh đều “đua” nhau lấn chiếm.

Nhiều kênh rạch, mương thủy lợi cũng bị xâm lấn để phục vụ  nhu cầu sinh hoạt, buôn bán... của một bộ phận người dân. Mới đây, đoạn nối của mương thủy lợi Nam Sông Hương, dài hơn 200 mét từ cầu Lim 2 đến đường Võ Văn Kiệt (tổ 3 - phường Thuỷ Xuân) đã bị 1 hộ dân đổ vật liệu trái phép, lấp đất, chiếm dụng hàng trăm mét đất để xây quán nhậu. Nhánh mương bị chặn, gây ngập úng mỗi lần mưa xuống. Người dân xung quanh phản ứng mạnh mẽ nên chủ quán đã “xây thêm” 1 cống thoát nước để tình hình dịu đi (!). Khi quán kinh doanh được khoảng 4 tháng, khách vào ra tấp nập tới tận khuya gây mất an ninh trật tự ở địa phương thì mới bị chính quyền phường thi hành cưỡng chế.

Cũng ở đoạn mương này, gần 20 hộ dân tự tiện lấn ra ngoài bờ mương từ 2 - 4 mét để xây phòng ở, nuôi heo, trồng rau, làm đường dân sinh... Tình trạng trên làm con mương bị “chết”, nước bị tù đọng làm ô nhiễm môi trường, cảnh quan, ảnh hưởng đến hoà khí xóm giềng.  “Từ khi đoạn mương bị lấp, rác đọng lại bốc mùi rất khó chịu. Có lần mưa lớn, nước ngập làm cả gia đình tôi phải đem heo đi nơi khác ngay trong đêm cho an toàn. Người dân nơi đây mệt mỏi lắm” – một người dân bức xúc.

Quản lý chưa sâu

Nguyên nhân khiến sông ngòi, kênh rạch bị “bức tử” là do sự quản lý không sâu sát, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Đơn cử, việc xây lấp, dựng quán nhậu 79 ở P. Thủy Xuân diễn ra “rầm rộ” trong thời gian dài. UBND phường nhiều lần yêu cầu tháo dỡ, tổ chức họp bàn với đương sự thì công trình trái phép mới bị cưỡng chế một phần.

Các kênh rạch, mương nước ngày càng “teo tóp” vì bị lấn chiếm. Để “che mắt” cơ quan chức năng, mỗi ngày họ lấn ra từng chút rồi tiến tới xây nhà, công trình dân sinh. Dù việc quản lý sông, hồ, kênh mương được gắn trách nhiệm cho UBND các phường nhưng qua tiếp xúc với chính quyền các địa phương, Sở Xây dựng, Đội quản lý đô thị TP,…  câu trả lời chung chúng tôi nhận được là do lực lượng “mỏng”, các cấp ngành chưa quan tâm đúng mức nên không thể giải quyết dứt điểm.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, TP. Huế sẽ có các dịch vụ hấp dẫn ở các sông… nên việc tập trung cho công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ hành lang sông ngòi… Với các hộ dân gần sông hồ trong diện giải tỏa, việc bố trí kinh phí triển khai là khó khăn trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng cần phải đưa ra các chế tài xử phạt quyết liệt để tránh tái lấn chiếm.

“Thời gian tới, UBND TP. Huế sẽ tiếp tục chỉ đạo các phường, đơn vị nắm bắt chặt chẽ tình hình, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tránh xây, lấn xong mới phát hiện và không để phát sinh thêm. Tạo thuận lợi cho các dự án quy hoạch, quản lý hệ thống sông ngòi, kênh mương cũng như đảm bảo quản lý xây dựng - cảnh quan đô thị về sau”, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành khẳng định.

Theo Nghị định 43/2015: Sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước thì phạm vi hành lang bảo vệ từ 5 – 10m. Đối với sông ngòi có chức năng phòng, chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước thì hành lang bảo vệ từ 15 – 20m. Sông ngòi có chức năng phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước thì phạm vi bảo vệ là 30m.

Bài, ảnh: Thái Hùng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp. Công tác giám sát vấn đề này đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri
Return to top