ClockThứ Sáu, 30/09/2016 13:48
TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ:

“Công trình” trách nhiệm - kỳ II: Cùng chung tay

TTH - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, khơi thông ý thức, kiến thức và để đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện chấp hành tốt pháp luật là cả một “công trình” của nhiều cơ quan, tổ chức...

“Công trình” trách nhiệm - Kỳ I: Gian nan những bước chân

Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn tại chỗ cho đồng bào huyện A Lưới

Hệ lụy của “đói” hiểu biết pháp luật

Trong “kho” ký ức của ông Trương Văn Vĩnh, Chánh án TAND huyện A Lưới có những vụ án hình sự “đáng tiếc”, khó có thể quên. Đó là những vụ án nguyên nhân bắt nguồn từ sự mù mờ về kiến thức pháp luật. Cách đây ba năm, một ông lão 67 tuổi quan hệ “yêu đương” với cô bé 16 tuổi. Khi gia đình phát hiện thì cái bào thai cô bé đang mang trong bụng đã 5 tháng tuổi. Cũng mù mờ về pháp luật, không hề biết hành vi của ông lão kia là phải “đi tù”, mẹ nạn nhân không tố cáo với cơ quan công an. Bà ngậm đắng nuốt cay đợi ngày con sinh nở. Cô bé sinh con, ông lão phủi trách nhiệm, mẹ nạn nhân mới “kiện cáo” đòi cha của đứa trẻ đóng góp tiền nuôi con. Lúc đó mọi việc mới vở lỡ, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của ông lão mới bị phát hiện. Mặc dù được “người yêu” tự nguyện, nhưng “yêu đương” với người chưa đủ tuổi nên ông lão bị truy tố về tội “giao cấu với trẻ em”, bị phạt 36 tháng tù. Tại phiên tòa sơ thẩm (do TAND huyện A Lưới xét xử) và phúc thẩm (do TAND tỉnh xét xử), ông lão ngậm ngùi trình bày không hề biết việc mình làm là vi phạm pháp luật, phải ở tù. Nếu biết thì ông đã không dám làm.

Hoặc trong một vụ án hình sự khác, hung thủ là chồng dùng dao chém vợ, bị xét xử về tội “cố ý gây thương tích”, bị phạt 12 năm tù. Cha mẹ vợ yêu cầu tòa buộc con rể bồi thường khoản tiền mà họ đã mua heo, dê để cúng theo phong tục (vì nhà bị dây máu). Trường hợp khác, một người vợ (là bị đơn trong vụ án hôn nhân & gia đình), chẳng cần biết luật quy định như thế nào cứ nằng nặc đòi chồng phải “bồi thường” tuổi thanh xuân cho mình mới chịu ly hôn. Hay mới vào dịp này năm ngoái, chúng tôi đã từng tiếp cận nhiều cặp vợ chồng tảo hôn, hôn nhận cận huyết trên địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng tâm tư của tất cả họ đều ngậm ngùi giống nhau: Không hiểu biết. Thấy “thích”, lỡ có bầu thì cưới. Những cặp cận huyết giãi bày thêm, tục lệ trước đây anh em họ hàng gần lấy nhau để giữ gìn tài sản, nên làm theo. Không ngờ hậu quả là đói nghèo, con cái đau ốm, èo uột...

Nhiều cơ quan dốc lòng

Không chỉ ông Trương Văn Vĩnh mà bất cứ thẩm phán, thư ký tòa án, người làm công tác xét xử nào trên địa bàn huyện miền cao A Lưới đều cho biết, thông qua xét xử nói chung, hòa giải trong các vụ án dân sự, hôn nhân & gia đình... nói riêng, họ cặn kẽ giải thích, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con. Tại các phiên tòa xét xử bị cáo 67 tuổi, người chồng chém vợ và phiên tòa người vợ đòi bồi thường tuổi thanh xuân nói trên, sau khi  nghe thẩm phán, hội thẩm nhân dân, những thành viên của hội đồng xét xử kiên nhẫn giải thích pháp luật, không chỉ bị cáo, “phía” bị hại và đương sự mà nhiều người dân dự khán mỗi phiên tòa mới vỡ lẽ ra “yêu” người chưa đủ tuổi là việc làm pháp luật cấm. Hoặc pháp luật không công nhận những yêu cầu bồi thường khoản tiền phía bị hại bỏ ra cúng bái trừ tà (theo phong tục)...

Mới đây nhất, trong chuyến TGPL lưu động tại huyện A Lưới tháng 9/2016, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã giải đáp các tình huống, các câu hỏi do người dân yêu cầu, thu hút 337 người tham dự; hướng dẫn 57 vụ việc trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai nhà ở, chế độ chính sách.

Theo bà Hồ Thị Ly, Phó Trưởng phòng Phòng pháp luật Dân sự Đất đai Lao động, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (TGPL) tỉnh, hàng năm trung tâm tổ chức nhiều chuyến đi đến các xã vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh (nói chung), đặc biệt đến các xã thuộc hai huyện Nam Đông, A Lưới để tuyên truyền, giải thích, tư vấn pháp luật cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương bố trí địa điểm TGPL tại những nơi người dân có nhiều nhu cầu nhất. Thời gian gần đây, các tình huống bà con đưa ra nhiều nhất thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, nhà ở, chế độ chính sách, các vấn đề về khai sinh, hộ tịch... Bất kể vấn đề gì bà con hỏi (trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại) đều được tư vấn, hướng dẫn tại chỗ. Vụ việc nào liên quan đến khởi kiện, cán bộ tư vấn đưa về trung tâm thụ lý, soạn thảo đơn cho bà con.

Nhiều năm qua, đã từng tư vấn cho hàng trăm trường hợp, người nữ phó trưởng phòng có rất nhiều “kỷ niệm”. Nhưng khó quên nhất là trường hợp một phụ nữ 44 tuổi, giấy khai sinh (và trên tất cả giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ) đề ngày sinh là 30/2, trong lúc lịch tháng 2 chỉ có ngày 28 hoặc 29. Chị muốn cải chính ngày sinh trên mọi loại giấy tờ. Chị phụ nữ đó đã ra về với nụ cười thoải mái sau khi được giải thích cặn kẽ các căn cứ quy định tại Luật Hộ tịch và tư vấn nên làm như thế nào. Bà Ly cho hay, trước khi thực hiện tư vấn, cán bộ trung tâm cấp phát miễn phí các loại tờ gấp pháp luật cho người dân và chuẩn bị “đi đến cùng” những khúc mắc. Bởi một người không chỉ hỏi vấn đề của mình mà còn hỏi cho người thân, hàng xóm (không đến dự được). Hoặc trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, già làng, trưởng bản hỏi nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực cho người dân bản, làng mình. Vậy nên, mỗi chuyến đi tư vấn lưu động cho bà con dân tộc thiểu số, chúng tôi luôn giải đáp, tư vấn đến tình huống cuối cùng, dù lúc đó đã qua giờ cơm trưa hay trời đã tối mịt. Nếu không kịp về, chúng tôi sẵn sàng ở lại, miễn là tư vấn đến lúc bà con “thông” mới thôi.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp: Đa dạng, linh hoạt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Với chức năng là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) hai cấp của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; qua đó, góp phần giúp người dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.

Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp Đa dạng, linh hoạt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Phổ biến Luật Đấu thầu và Luật Hợp tác xã

Ngày 20/3, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ 1/1/2024) và Luật Hợp tác xã (có hiệu lực từ 1/7/2024).

Phổ biến Luật Đấu thầu và Luật Hợp tác xã

TIN MỚI

Return to top