ClockThứ Năm, 10/05/2012 05:14

“Dáng phượng hồng Đồng Khánh của tui ơi”

TTH - Ngôi trường mang tên Đồng Khánh đã làm cho bao thế hệ trăn trở. Ngày xưa, thế hệ trẻ trăn trở vì vẻ đẹp “siêu thực”của thế giới nữ sinh Đồng Khánh (có lẽ tại sông Hương nhiều khói sóng và Huế nhiều sương khói quá?) Ngày nay, lớp trẻ ngày đó đang thành thế hệ già, vẫn còn tiếp tục trăn trở vì Đồng Khánh đã xa mù. Người Đồng Khánh một thời sợ trường mất tên sẽ không còn chốn cũ. Một liên tưởng bâng khuâng như sẽ không còn một Lầu Hoàng Hạc, một Chùa Hàn Sơn, một Tử Cấm Thành, một Mái Trường Đồng Khánh đầy ắp kỷ niệm hiện thực và lắm huyền thoại viễn mơ. Học trò cũ xa trường cũng mang tâm trạng người viễn xứ nhớ cội nguồn. Đó là nỗi ước mơ sau nửa đời luân lạc, còn có chốn cũ mà quay về.

Dẫu cái tên chỉ là giả danh hay giả tướng như Lão và Phật thường chẳng quan tâm chi, thế nhưng khi nó mất đi thì lại quay ra tiếc nuối. Người đời ưa hái phù dung chăng?

Mấy ai còn nhớ đấy là tên của một ông vua hiền lành gần như vô danh trong số 13 ông Vua triều Nguyễn. Nhưng từ khi tên vua được đem đặt tên trường thì danh xưng Đồng Khánh đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp trinh tuyền và nhân dáng nên thơ rất Huế với áo trắng, nón bài thơ, tóc thề, và “tình em mây trắng giăng... Thừa Phủ”; bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên kỳ tú với núi non, biển trời sông nước hữu tình của Huế.
 
Cái đẹp của Huế là một thực tế ảo xuất phát từ nét buồn “tự tại” rất thơ. Rất thơ vì bản chất của thơ là buồn. Vị buồn của thơ là hướng siêu thoát của một dòng đời đầy khổ lụy như khái niệm truyền thống của thơ là lời kinh khuya từ trong ngôi chùa cổ. Ba thi sĩ tài danh có ba bài thơ vừa được bình chọn trong số 100 bài thơ Việt Nam hay nhất của thế kỷ 20 lại là ba bài thơ về Huế: Hàn Mạc Tử với Đây thôn Vỹ Dạ, Thanh Tịnh với Nhớ Huế quê tôi và Thu Bồn với Tạm biệt Huế. Hàn Mạc Tử cảm nhận được sự rỗng lặng, hư ảo và tự tại từ trong tâm Huế, nhưng lại chưa mở được cánh cửa tình của Huế. Yêu Huế mới chỉ là vế đầu “ắt có”. Chinh phục Huế mới là vế kết của “điều kiện đủ”. Bởi vậy mà chàng thi sĩ tài hoa kia vẫn mãi mãi đứng ngoài Huế mà lưỡng lự, mà băn khoăn:
 
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay.
 
Đã đậu “Bến sông trăng” rồi mà vẫn bâng khuâng sợ lỡ bến đò trăng là chưa thấy trăng. Trăng đầy thuyền mà vẫn lo chở trăng về không kịp tối. Hàn Mạc Tử canh cánh lo. Nỗi lo không chở kịp trăng vàng từ trong sâu thẳm của tâm thức nên làm sao tìm ra được chiếc chìa khóa tự tại để mở được cánh cửa khép hờ của nàng Đồng Khánh Hoàng Thị Kim Cúc?! Tài hoa đến thế, nhưng thấy Huế bằng mắt rồi mà không chịu ngắm Huế bằng tâm nên vẫn nhìn không ra Huế vì “áo em trắng quá” hay bởi “lá trúc che ngang mặt chữ điền”?
 
Cái “thiên thu tình lụy” (chữ... bán dùi của Bùi Giáng) của nòi nghệ sĩ bỗng rùng mình sởn gáy “Tạm biệt Huế” ra đi khi khám phá ra chiều sâu hun hút của sông chảy vào lòng nên sông tuy có chảy mà không tới được nơi mô. Thu Bồn ra đi khi ngỡ như được Huế mà sao vẫn còn xa Huế đến nghìn trùng:
 
Chiếc cầu cong và con đường thẳng/ Một đời anh đi mãi chẳng về đâu/ Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu/ Huế làm đày! Huế là rứa đó! Có phải vì Huế là vùng trăng nước chứa điệu ca Hời của những nàng Chiêm Nữ váy tím, tóc cài hoa lau lách, hát mãi những điệu buồn từ thời Huế còn là Ô Châu Lạc Địa? Hay vì Huế là mảnh giang sơn duy nhất mang nặng nghiệp tình: Trái tim Chế Mân, khối tình Khắc Chung, nỗi lòng Huyền Trân vẫn còn rướm máu? Huế buồn!
 
Huế muốn tồn tại, đứng vững như cả nghìn năm nay và nghìn nghìn năm sau nữa thì Huế cần phải biết sống với triết lý “sầu thoát”. Nghĩa là biết buồn và biết giải thoát nỗi buồn. Sẵn sàng đón nhận nỗi buồn nhưng cũng sẽ giải thoát ra khỏi cơn buồn chứ không để nỗi buồn gặm nhấm lòng mình. “Sầu thoát” là một hình thái triết lý mâu thuẫn mới nhất trong khuynh hướng tâm trị liệu của phương Tây vào những năm đầu thế kỷ 21. Nội dung của khái niệm nầy là “Biết cầm nắm nỗi buồn phiền bất hạnh khi nó đến nhưng không bị dính mắc với nó”. Người Huế đã áp dụng “triết lý mâu thuẫn” nầy từ ngày có Huế. Cặp mâu thuẫn Huế có tụ điểm cao nhất từ ngày có trường Đồng Khánh ra đời. Đó là “...nghèo mà sang, đoan trang mà lãng mạn, cay đắng trong nụ cười, xa xôi mà gần gũi,” như ý thơ của Túy Hạnh, một nàng thơ xứ Huế bên tê bờ châu Mỹ. Và Túy Hạnh còn... “tàn nhẫn” hơn khi giải thích:
 
Guốc mộc, em gầy, nón lá vành tre/ Tóc cứ xõa mạ nghèo không uốn nổi/ Áo đơn chiếc trắng ngập đường Lê Lợi/ Dáng phượng hồng Đồng Khánh của tui ơi!
 
Trần Kiêm Đoàn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top