ClockChủ Nhật, 07/02/2016 03:10

“Di truyền” tình yêu Huế

TTH - Tuổi đời còn khá trẻ và có công việc ổn định ở Nhật Bản, nhưng vì tình yêu với Việt Nam, với Huế mà Araishi Shoji đến Việt Nam rồi đến Huế để tiếp nối công việc và những dự định đang còn dang dở của bố- ông Araishi Masahiro, người hai lần được vinh danh là công dân danh dự của TP Hồ Chí Minh và Huế.

Mỗi lần đến Huế, Araishi Shoji đều thuê thuyền ra sông Hương 
để thả hoa tưởng nhớ người cha đã mất. Ảnh: L.Đan

Đến nơi bố đã từng sống

Sau khi bố anh, ông Araishi Masahiro người sáng lập Tổ chức Cầu châu Á (BAJ) qua đời năm 2009, Araishi Shoji bắt đầu học tập và tiếp cận công việc mới tại Tổ chức NGO, nơi bố anh từng công tác. Công việc hiện nay của Araishi Shoji là hỗ trợ, giúp việc cho Tổng thư ký của Tổ chức NGO. Dù khá bận rộn, nhưng đều đặn hàng năm, Araishi Shoji luôn dành thời gian đến Việt Nam để tìm hiểu những việc bố đã làm, những nơi mà bố anh đã từng đến và sống. Một trong những địa điểm được lưu lại nhiều nhất trong những bức ảnh vẫn là Huế.

Shoji cho hay, công việc của anh hiện nay có nhiều thuận lợi là Tổ chức NGO đang triển khai các chương trình dự án, hỗ trợ cho Myanmar và Việt Nam nên cơ hội đến Việt Nam của anh nhiều hơn trước. Ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam từ lần đầu, lúc cậu bé Shoji mới 8 tuổi theo bố sang Việt Nam sâu đậm đến mức, trong tâm trí, suy nghĩ của mình, Shoji luôn muốn trở lại Việt Nam ít nhất một năm một lần, để cùng với bố hành động vì sự tiến bộ của đất nước, con người Việt Nam.

Ước mơ, trăn trở và ấp ủ đó, giờ đây, Shoji đang cùng với những thành viên tích cực của BAJ tiếp tục triển khai, sau những chuỗi sự kiện được ông Araishi Masahiro đặt nền móng thực hiện khá hiệu quả. Đó là giúp những trẻ vạn đò phường Phú Bình lần đầu tiên được tiếp xúc con chữ, là ý thức gom vật liệu, rác thải phân loại để tăng thêm thu nhập và tái sản xuất. Còn bây giờ là dạy nông dân biết cách trồng rau, nuôi lợn gà.

Araishi Shoji (thứ 4, hàng thứ 2, trái sang) chụp ảnh lưu niệm tại vườn nho cùng đoàn cán bộ, nông dân của TP Huế sang Nhật hỏi học kinh nghiệm. Ảnh: L.Đan

Nghe qua có vẻ buồn cười, khi mà mỗi nông dân từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc chập chững biết đi đã tiếp xúc và được truyền dạy những kinh nghiệm trong trồng trọt chăn nuôi. Shoji cho rằng, đó là điều kiện cần và vẫn còn thiếu điều kiện đủ, là quy trình nuôi, trồng khép kín, an toàn và phương thức đưa sản phẩm ra thị trường vẫn còn phó mặc cho thương lái. “Sứ mệnh của BAJ hiện nay là giúp nông dân Thừa Thiên Huế giải quyết tất cả những vấn đề đó”, Shoji nói.

Vì thế, ngoài hỗ trợ vật chất, những thành viên của BAJ tại Việt Nam cùng các tình nguyện viên luôn có những hỗ trợ thiết thực bằng kinh nghiệm, kiến thức để người dân chủ động triển khai mô hình, chứ không chỉ là cầm tay chỉ việc, hỗ trợ, tiền, phương tiện và phó mặc cho người dân quản lý sử dụng.

Thích thú với ẩm thực Huế

Từ những hỗ trợ thiết thực đó mà nông dân các phường Thủy Biều, Thủy Xuân và Hương Long đã cùng chung sức xây dựng cửa hàng nông sản ở đường Hai Bà Trưng để đưa rau, thịt lợn, gà, đậu, mè, trứng, cá… do mình nuôi trồng, đến tay người tiêu dùng. “Quan điểm của BAJ là cho cần câu chứ không cho cá. Tôi đang đi trên con đường của bố là trao cho nông dân cơ hội để tồn tại và phát triển”, Shoji chia sẻ.

Mỗi lần đến Việt Nam, đến Huế và những nơi mà BAJ có những hoạt động hỗ trợ người dân, Shoji đều đến tận nơi để sống, nghe và tận mắt chứng kiến những thành quả mà người dân đạt được. Điều làm Shoji ấn tượng chính là tính cần cù chịu khó của người dân Việt Nam. Shoji nghĩ rằng, chỉ cần học được cách làm, chắc chắn người dân sẽ triển khai hiệu quả. Thế nên, BAJ đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho người dân, nhất là những nông dân Huế có trong tay kiến thức, kỹ thuật để sản xuất theo hướng mới, vừa an toàn, vừa hiệu quả.

Gặp Shoji trong lần anh đến Huế mới đây, hỏi điều gì làm anh ấn tượng, thích thú và thôi thúc đến lần sau? Shoji không chần chừ mà trả lời ngay đó là con người và ẩm thực Việt Nam, trong đó có ẩm thực Huế. Người Nhật thích ăn các món cay vì thế bún bò, cơm hến… có cay đến đâu Shoji cũng ăn được. Dù đi nhiều nơi, ăn nhiều món ngon nhưng Shoji vẫn thích lưu lại dài ngày ở Huế để thưởng thức tất cả các món đặc sản trước khi trở về nước, để mang những câu chuyện thú vị từ đất nước xinh đẹp này làm quà cho mẹ và em gái cùng những người bạn, người thân của Shoji ở xứ sở hoa anh đào. “Bao giờ cũng thế, những câu chuyện về ẩm thực, tính cách con người Việt Nam, người Huế luôn làm mẹ tôi và em gái thích thú”, Shoji kết thúc câu chuyện.

Vì tình yêu với Việt Nam, với Huế, bố Shoji - ông Araishi Masahiro khi mất tại Nhật Bản nhưng có nguyện vọng đưa tro cốt của mình đến rải ở một số con sông ở Việt Nam, trong đó có sông Hương. Vì thế mỗi lần đến Huế, Shoji thường thuê thuyền rồng ra giữa lòng sông để thả hoa cúc tưởng nhớ người cha quá cố của mình. Tình yêu Việt Nam, yêu Huế trong Shoji có lẽ cũng được “di truyền” từ bố.

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top