ClockChủ Nhật, 27/11/2016 13:26

“Lời thì thầm” của Phan Lê Chung

TTH - “Lời thì thầm” có thể hiểu nhiều nghĩa, truyền tải những thông điệp cuộc sống về hư và thực, về giới hạn và vô hạn trong tâm thức con người. Và ở đó, có thể là lời thì thầm tốt đẹp trong tương lai đời sống nghệ thuật Huế.

Gắn kết quá khứ và hiện tại

Triển lãm được lấy ý tưởng từ câu chuyện về dòng tranh tín ngưỡng dân gian làng Sình, loại tranh được sử dụng trong các nghi thức thờ cúng lâu đời của người dân xứ Huế. Đây cũng được xem là con đường sáng tạo nghệ thuật riêng của Phan Lê Chung khi lấy “chất liệu” truyền thống để truyền tải những thông điệp nghệ thuật của mình. “Lời thì thầm” có thể hiểu nhiều nghĩa, truyền tải những thông điệp của cuộc sống, cái hư và thực, giới hạn và vô hạn trong tâm thức con người, sự đối thoại giữa cõi âm và cõi dương. Ở đó có cả sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

“Sự đối thoại”

“Tùy vào cách nhìn nhận của từng người, trong đó, thông điệp lớn nhất tôi muốn gửi gắm là trong xã hội phức tạp như hiện nay, “Lời thì thầm” mong muốn mọi người “tìm nhau”, tìm kiếm một đời sống tốt đẹp hơn thông qua nghệ thuật”, nghệ sĩ Phan Lê Chung tâm sự.

Triển lãm có 3 tác phẩm chính: “Sự đối thoại”, “Vòng quay cuộc sống” và “Khoảnh khắc”. “Sự đối thoại” giữa quá khứ và thực tại, sử dụng ngôn ngữ và màu sắc của loại hình dân gian truyền thống, nhưng được chuyển thể thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại sắp đặt tương tác; trưng bày “Vòng quay cuộc sống” là sự kết nối hiệu quả giữa nghệ thuật đương đại và thủ công truyền thống. Giữa thị giác của nghệ sĩ Phan Lê Chung và các nghệ nhân trong việc tạo ra các sản phẩm tranh dân gian làng Sình có giá trị nghệ thuật, “khoảnh khắc” là những video art tái hiện cấu trúc cuộc sống thực tại, người xem tìm thấy sự hiện hữu của giới hạn cuộc sống, thực tại cũng như sự hư ảo của không gian siêu thực đan xen và hòa lẫn.

Nghệ sĩ Phan Lê Chung chuẩn bị các tác phẩm trước ngày diễn ra triển lãm “Lời thì thầm”

Nghệ sĩ Lê Đức Hải, Giám đốc Trung tâm N.S.A.F nhận định, các tác phẩm của Phan Lê Chung không muốn áp đặt người xem, mà thông qua đó để có những cảm nhận, tạo ra một hướng mở, cách suy nghĩ riêng. Sự độc đáo của triển lãm là sự giao hòa, cầu nối văn hóa giữa truyền thống và hiện đại. Nét văn hóa truyền thống của tranh làng Sình vẫn không thể tách rời với đời sống của người dân hiện tại. Những tác phẩm của Phan Lê Chung đều hướng đến một nhân sinh quan, đánh thức cái vô hạn trong tâm thức của con người.

Triển lãm và thưởng thức nghệ thuật mở

Triển lãm “Lời thì thầm” là một hoạt động nằm trong dự án “Trao đổi không gian sáng tạo” giữa ba địa phương Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh do UNESCO tài trợ. Thông qua buổi triển lãm, những đại biểu tham dự nếu thấy hiệu quả sẽ nhân rộng thêm những không gian triển lãm và thưởng thức nghệ thuật theo hướng “open” (mở) như ở N.S.A.F. Triển lãm cũng được xem là một trong những diễn đàn để các không gian sáng tạo tại Việt Nam có dịp được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong khâu tổ chức, quản lý và điều hành công việc. Sau cùng, tìm ra một mô hình hoạt động hiệu quả của không gian sáng tạo mở cho tương lai.

“Vòng quay cuộc sống”

Nghệ sĩ Phan Lê Chung chia sẻ, những mô hình hoạt động nghệ thuật như mục đích đề ra của dự án “Trao đổi không gian sáng tạo” ở Huế còn ít. Đó là nguyên nhân mà các nghệ sĩ trẻ ở Huế thiếu không gian để đưa các tác phẩm nghệ thuật của mình đến công chúng. Dù quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nhưng ít ra các nghệ sĩ cũng có thêm cơ hội. Đây là tín hiệu vui cho giới nghệ sĩ của Huế, nhất đặc biệt là nghệ sĩ trẻ.

Trong không gian sáng tạo, quan trọng hàng đầu là sự vận động của mỗi một nghệ sĩ, đòi hỏi người nghệ sĩ phải đa dạng hơn trong cách thể hiện nghệ thuật; đòi hỏi người nghệ sĩ phải đi nhiều, học hỏi nhiều hơn. “Như lúc trước, triển lãm tranh được tổ chức trong phòng kín, không gian đơn giản, chỉ cần đủ ánh sáng, ngắm chuẩn khung hình. Còn khi thể hiện, lúc đưa tác phẩm ra ngoài trời sẽ bị nhiều yếu tố chi phối. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ biết nhiều hơn, hướng đến sự toàn diện”, nghệ sĩ Phan Lê Chung cho biết.

Ở khía cạnh khác, việc tạo ra được những mô hình không gian triển lãm và thưởng thức nghệ thuật mở, với các hoạt động nghệ thuật được diễn ra thường xuyên hơn hứa hẹn tạo ra một sản phẩm hấp dẫn cho du lịch Huế. Du khách có thể thưởng thức nghệ thuật, hiểu hơn văn hóa nghệ thuật của Huế. Qua đó, đời sống của các nghệ sĩ Huế có thể được cải thiện khi bán tranh cho du khách. Du khách yên tâm hơn khi mua tranh uy tín, chất lượng.

Bà Trần Thị Thu Thủy, Văn phòng UNESCO cho hay, nền tảng hình thành được những không gian nghệ thuật sẽ tác động đến những cơ quan liên quan, có trách nhiệm hơn trong việc đưa nghệ thuật gần hơn với đời sống. Đặc biệt là sự kết hợp giữa di sản và nghệ thuật đương đại mà ở Huế có thế mạnh.

Vấn đề đặt ra là sau tài trợ của Văn phòng UNESCO cho dự án này, liệu Huế có thể mở thêm những không gian mở để giới nghệ sĩ và công chúng “tìm thấy nhau” trong nghệ thuật?.

Nghệ sĩ Phan Lê Chung đang là giảng viên Khoa Hội họa - Trường đại học Nghệ thuật Huế; quản lý và điều hành dự án cho Trung tâm New Space Art Foundation (N.S.A.F). Qua nhiều năm hoạt động nghệ thuật, triển lãm đầu tay với chủ đề “Lời thì thầm” của Phan Lê Chung được tổ chức, giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật vào chiều 24/11, tại Trung tâm N.S.A.F (thôn Lại Thế, Phú Thượng, Phú Vang).

Bài: ĐỨC QUANG - Ảnh: PLC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giới thiệu văn hóa Huế trên đất Pháp

Tại triển lãm nghệ thuật “Chaos” diễn ra tại thành phố Cergy, Pháp từ ngày 13/5 đến 5/6, nghệ sĩ Phan Lê Chung, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế giới thiệu nghệ thuật tranh dân gian làng Sình đến các nghệ sĩ và học sinh của thành phố Cergy.

Giới thiệu văn hóa Huế trên đất Pháp

TIN MỚI

Return to top