Thể thao trong nước

“Nghệ sĩ” hàng phòng ngự

ClockChủ Nhật, 20/11/2016 06:37
TTH - Trong thế hệ cầu thủ thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Huế, trung vệ Nguyễn Đình Tuấn là người treo giày muộn nhất. Anh cống hiến gần 20 năm cho bóng đá Huế từ năm 1986 đến tận mùa giải 2004, khi đã 34 tuổi.

Trung vệ nhưng… không phá bóng

Nguyễn Đình Tuấn xỏ giày đá bóng cho đội tuyển Huế khi còn là học sinh của trường Hai Bà Trưng. Những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, khi bóng đá Huế còn chơi ở giải hạng A2, Đình Tuấn - Công Quốc - Công Thịnh là bộ ba tiền vệ trẻ rất triển vọng. Đến năm 1990, khi trung vệ Ngọc Châu chuyển ra quê Quảng Bình sinh sống, Nguyễn Đình Tuấn mới được HLV Lê Đình Chính chuyển xuống chơi ở vị trí trung vệ. Ở vị trí này, cầu thủ trưởng thành từ đội bóng TN Trường An mới phát huy hết khả năng của mình để sau đó trở thành một tên tuổi của bóng đá Huế được nhiều người hâm mộ yêu mến.

Cựu trung vệ Nguyễn Đình Tuấn (ngoài cùng, bên trái) cùng các cựu cầu thủ Huế và Thể Công trước một trận đấu giao hữu

Nguyễn Đình Tuấn nhớ lại: “Tôi có một nốt ruồi trên mặt, vì vậy anh em trong đội hay gọi tôi là Tuấn “ruồi” để phân biệt với danh thủ Lê Đức Anh Tuấn là “Tuấn đầu bò”. Tuy nhiên, khán giả Huế gọi tôi là Tuấn “ruồi” theo một nghĩa khác, đó là từ lối chơi tỉnh táo nhưng có khi hơi tưng tửng của tôi…”.

Có xem Nguyễn Đình Tuấn chơi bóng những năm vàng son của bóng đá Huế mới biết cái biệt danh gán cùng tên của anh không sai chút nào. Tuy có thể hình thấp bé, nhưng Nguyễn Đình Tuấn luôn biết chọn điểm rơi thuận lợi để đánh đầu cắt đường chuyền bổng của đối phương. Nhưng nét độc đáo nhất của Đình Tuấn chính là những pha cướp bóng kỹ thuật từ chân các cầu thủ tấn công và cả những pha lừa bóng qua tiền đạo đối phương ngay trước vòng cấm địa khiến khán giả nhà phải nhiều phen thót tim.

“Đó là phong cách chơi bóng của tôi. Là trung vệ, chốt chặn cuối cùng trước thủ môn nhưng tôi chưa bao giờ phá bóng. Tôi luôn tự tin về kỹ thuật của mình nên thỉnh thoảng lừa qua cả các tiền đạo đối phương và sau đó đẩy bóng tham gia tấn công. Có lúc tôi cũng thất bại trong những pha tranh chấp nhưng ngay lập tức tôi chuộc lỗi bằng cách quay người lấy lại bóng. Chưa bao giờ đối phương ghi bàn được từ những tình huống như thế”, Đình Tuấn cười nói.

Phong cách chơi bóng nghệ sĩ ở vị trí vốn phải “chém đinh chặt sắt” của Nguyễn Đình Tuấn hình thành khi anh đọc báo và xem đi, xem lại băng hình thi đấu của huyền thoại người Đức những năm 1970 là Beckenbauer. Những người yêu bóng đá Huế vẫn còn nhớ những lần trung vệ Nguyễn Đình Tuấn dâng cao cầm bóng phát động tấn công với những đường chuyền dài chính xác cho đồng đội tuyến trên. Nhớ về những pha bóng đó, anh kể: “Hồi đó anh em chơi bóng hiểu nhau lắm. Tôi mà dâng cao thì Sỹ Hùng - Đình Nghĩa ngay lập tức án ngữ ở dưới. Đội Huế đã vào đến trận chung kết mùa giải 1995 bằng lối chơi 5-3-2 chuyển hóa sang 3-5-2 gây bất ngờ cho đối phương…”.

Buồn, vui đời cầu thủ

Ở cái tuổi 46, trung vệ hào hoa một thời của bóng đá Huế vẫn nhớ từng chi tiết của những năm tháng tung hoành trên sân cỏ. Với anh, cuộc đời cầu thủ mang lại hạnh phúc đó là được theo đuổi đam mê, được đến mọi miền đất nước, một cuộc sống ổn định cho gia đình cùng sự cổ vũ tận tình và chân thành của người hâm mộ bóng đá Huế khắp nơi.

“Giải vô địch quốc gia năm 1995 vẫn lưu mãi trong trí nhớ của thế hệ chúng tôi. Đặc biệt là khi thi đấu vòng chung kết tại sân Thống Nhất - TP Hồ Chí Minh. Mỗi trận đấu, khán giả Huế đang làm ăn sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đổ về sân đông nghịt, chiếm đến 3/4 trên khán đài. Mà tôi nhớ không nhầm, không ai khác chính những khán giả Huế xa quê là những cổ động viên đầu tiên của bóng đá Việt Nam mang cờ trống, băng rôn… vào sân để cổ vũ. Thành công của chúng tôi năm đó có một phần đóng góp lớn của những người Huế xa quê”.

Hạnh phúc là vậy nhưng cũng có những giây phút người “cận vệ già” Nguyễn Đình Tuấn ứa nước mắt. Đó là trận thua Hà Nội ACB mùa giải 2002. “Sau trận đấu đó, một số cầu thủ trẻ trong đội có hơi men chỉ vào tôi và nói tôi bán độ. Tôi uất quá đã phản ứng dữ dội may mà không có chuyện gì xảy ra. Chuyện đã qua lâu rồi nhưng mỗi lần nhắc lại vẫn thấy đau lòng…”, anh Tuấn tâm sự.

Vĩ thanh

“Thế hệ vàng” của bóng đá Huế sau khi chia tay sân cỏ, phần lớn đều tiếp tục gắn bó với bóng đá quê nhà trong vai trò huấn luyện viên. Nguyễn Đình Tuấn đã huấn luyện hai lứa cầu thủ và các em đã và đang trưởng thành như Phi Pha, Văn Nghĩa hay tuyển thủ U19 quốc gia Trần Thành.

Nhìn lại mấy chục năm gắn bó với sân cỏ cả trên cương vị cầu thủ và HLV, trung vệ tài hoa một thời của bóng đá Huế ngẫm rằng: “Thế hệ chúng tôi tuy không có thu nhập cao từ nghề cầu thủ nhưng bù lại, chúng tôi vừa được học văn hóa vừa được theo đuổi đam mê chơi bóng. Điều này giúp anh em nhận thức được vị trí của mình, nghề của mình để có điểm dừng trong cuộc sống. Chúng tôi tự hào vì thế hệ chúng tôi đa số đều có công ăn việc làm ổn định, ngoài những anh em theo nghề HLV thì có những người đang là công chức hoặc làm cho dự án nước ngoài. Đây cũng là những tấm gương cụ thể để các cầu thủ trẻ yên tâm theo nghề”.

Bài, ảnh: Thanh Phi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top