ClockChủ Nhật, 14/08/2016 11:45

“Phú nông” đất lúa Vân Trình

TTH - Hiếm có một nơi nào có nhiều “phú nông” như đất lúa Vân Trình (xã Phong Bình, huyện Phong Điền). Họ là những nông dân thực thụ, “vỡ” đất canh tác không chỉ từ bờ xôi ruộng mật quê nhà mà còn vươn ra ngoại tỉnh.

Thuê đất tỉnh bạn

Sông Ô Lâu chia tách đất lúa Vân Trình với vùng đất Hải Lăng (Quảng Trị). Trong suốt chiều dài của dòng sông bắt nguồn từ đỉnh núi Truồi hùng vĩ, cứ miên man suy nghĩ mãi  tôi không làm sao cắt nghĩa được những hạt phù sa chắt chiu từ núi đá triệu năm trên đồng rừng Trường Sơn, đã bồi đắp bao năm cho biền bãi làng Vân Trình để có được vùng “đất lúa” năng suất cao nhất, nhì tỉnh.

Những xứ đồng “bờ xôi ruộng mật” ở Phong Chương được dân Vân Trình thuê làm lúa

Mang câu chuyện hỏi anh Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, anh lý giải: “Đây là cảm quan của mình nhé. Có lẽ dòng sông đã “ưu đãi” cho những thôn dân Đông Phú, Tây Phú (làng Vân Trình) những hạt phù sa mà nơi bên kia dòng sông chưa chắc có được. Nói dân Vân Trình chịu thương chịu khó cũng đúng, bởi họ không chỉ trồng lúa trên quê hương mình mà còn “nhìn qua sông Ô Lâu” để qua vùng Hải Dương (Hải Lăng) đấu, thuê đất ruộng trồng thêm loại cây này”.

Anh Huy nói thêm “Ở làng này người dân đi các địa phương khác thuê đất ruộng canh tác, chẳng mấy khi họ tính bằng sào. Bởi đã ra ngoài thuê đất thì phải thuê vài mẫu đến cả chục ha trồng mới có lãi”.

Câu chuyện “thuê đất” dẫn chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Khánh (41 tuổi, thôn Tây Phú). Với 5 ha ruộng trong làng Vân Trình và bên xứ Hải Dương, hàng năm bước vào mùa vụ, anh Khánh phải huy động cả “đội quân” gia đình cho việc đồng áng. Là con nhà nông, không phải bây giờ anh Khánh mới nghĩ đến những vùng đất bên kia sông Ô Lâu - vốn bị dân bản địa bỏ hoang, “chê’ không cày cấy, mà gần 20 năm trước, khi những xứ đồng bờ xôi ruộng mật quê nhà có chủ, anh đã nghĩ đến chuyện thuê đất làm lúa. Nhưng như lời anh nói, hồi đó canh tác khó khăn, máy móc cơ giới là chuyện xa vời, ruộng giao khoán mình làm không xuể, lấy đâu “dòm” sang nơi khác. Tích lũy theo từng năm, anh Khánh cũng có trong tay 3 ha ruộng lúa ở làng Vân Trình, với năng suất lúa đạt từ 3,2-3,5 tạ/sào. Tùy theo năng suất của từng loại giống, mỗi năm cộng với các dịch vụ anh cung ứng từ khâu làm đất, thu hoạch, tưới nước đến vật tư nông nghiệp, 1 ha anh lãi chừng 30 triệu đồng.

Năm 2011, sau chuyến “khảo sát” bên đất xã Hải Dương, anh Khánh quyết định mang máy móc, nông cụ “vượt sông” qua thuê đất trồng lúa. Hai ha đất ruộng mà dân làng bên đó “chê” không sản xuất, anh hợp đồng trả 1 sào 15kg cho các chủ ruộng trong thời hạn 5 năm. Anh nhớ lại: “Đầu tiên mình qua, “quan sát địa hình” rồi mới chốt giá. Kinh nghiệm của mình không chỉ nhìn xứ đồng có thể cải tạo đất được mà quan trọng, trồng lúa là nguồn nước. Muốn có nguồn nước phải có thủy lợi mà trữ”. Nhưng khai hoang trồng lúa không phải dễ. Các xứ đồng bỏ hoang ở Hải Dương vốn ngập nước, anh Khánh cùng gia đình đắp đập be bờ, cải tạo hệ thống thủy lợi trong mấy tháng trời, đưa các giống Khang Dân, HN6, vào gieo cấy. Vụ đầu tiên anh “hòa vốn”. Kể lại cái “nguyên cớ” hòa vốn, anh Khánh cho rằng đó là bài học nhớ đời của mình trong nghiệp nông gia: “Do thủy lợi còn thô sơ, khi lúa làm đòng thì chân ruộng quá ướt, gây ngập úng. Mình cứ lo thiếu nước ai dè nước cũng “giết” cây. Rứa là cuối vụ gặp mưa lớn, không khác nào gặt lúa chạy lũ. Sau khi trừ chi phí 15kg/sào cho chủ đất, mình mang máy móc về tính toán thì vừa hòa vốn”.

Vụ sản xuất thứ hai, anh chú trọng khâu làm đất, dẫn mương thủy lợi tiêu nước, xuống HTX “xin” giống TH5 - giống lúa chất lượng cao vào gieo trồng. Đất ruộng hoang hóa lâu ngày, dưới bàn tay canh tác của người đàn ông “hay lam hay làm”, đã cho năng suất đạt trên 3 tạ/sào. “Đất khai hoang rất tốt, nếu điều tiết thủy lợi nữa thì năng suất có thể cao hơn. Chỉ tính riêng 2 ha ở Quảng Trị, trồng giống TH5, với giá bán 6.500đ/kg lúa, mỗi năm mình cũng lãi vài chục triệu đồng”, anh Khánh nhẩm tính.

Ba anh em “vua lúa”

Ở đất lúa Vân Trình, không ai không biết tiếng ba anh em “vua” lúa Lê Phước Phú, Lê Phước Quý, Lê Phước Dương (thôn Tây Phú). Về thôn Tây Phú, đợi anh Phú đi thăm ruộng về trời cũng đã nhá nhem. Ngồi kể lại hành trình đi qua vùng đất Phong Chương làm lúa, anh bảo: “Mỗi vụ vùng Phong Chương trồng lúa lên đến 6-7 trăm ha. Thời đó, tuy nhiều bà con làm nông nhưng đất vẫn còn nhiều vô kể, một số hộ không canh tác cho mình thuê đất lại, chỉ tính 1 sào lấy 0,5-1 tạ, hợp đồng 5 năm tính một lần. Tiền thuê không lớn nhưng mình phải tính toán sao cho trừ chi phí cải tạo đất, làm thủy lợi, năng suất 1 sào phải đạt trên 3,5 tạ mới có lãi”.

Anh Khánh đầu tư máy móc, cơ giới hóa để làm ruộng

Năm 2010, anh Phú thuê đất hơn 9 ha ruộng ở vùng Phong Chương để trồng lúa. Diện tích thuê nhiều, anh giao khoán lại cho hai người em của mình cùng làm. Anh bảo: “Chọn một vùng đất mới không phải dễ canh tác, bởi dễ thì họ đã làm, có đâu chờ tới mình. Bởi thế, có người bảo tui “ham ruộng”, mà cũng phải thôi, mình làm đổ mồ hôi mới được. Có đất thì mình phải “nếm mật nằm gai” với nó, nghiên cứu địa hình mà có cách “trị thủy” mới mong thành công”.

Cứ mỗi bận bắt đầu vụ đông xuân, trên đồng, trong “trụ sở” HTX ở Phong Chương, người dân đi đấu ruộng xôn xao cả xóm làng. Anh Phú kể: “Đấu ruộng thuê 5 năm cũng như đấu đất hạ tầng, từng hộ dân tham gia đấu cũng từ mức giá khởi điểm. Mấy anh em cùng bàn tính kỹ rồi. Nếu 1 sào mình trả 1 tạ, tức còn 2,5 tạ lúa. Với 9 ha ruộng mình đạt gần 50 tấn lúa cộng với dịch vụ cày lật đất, gặt, xay xát mình đều chủ động và làm dịch vụ với các xứ đồng bên cạnh, mình còn lãi gần 30 triệu đồng”.

Trải qua nhiều mùa vụ, anh Phú nhận khoán ruộng rồi giao lại cho anh em mình làm, đầu tư các loại máy móc để chủ động trong mùa vụ và tiết kiệm chi phí sản xuất. 1 sào lúa nếu gặt tay 300 ngàn đồng, chưa tính công thổi; gặt máy giá 110 nghìn đồng, anh Phú cung cấp máy gặt chỉ giá 100 ngàn đồng, nên được bà con trồng lúa rất phấn khởi khi lựa chọn dịch vụ sản xuất tại hộ gia đình anh.

Với 9 ha lúa, mỗi lần đến vụ thu hoạch, đại gia đình anh Phú phải “căng mình” làm việc hết công suất mới kịp mùa màng. Do đất thuê ở xã Phong Chương nằm gần địa phương Phong Bình nên mỗi lần đến mùa thu hoạch, anh Phú không tốn kém nhiều chi phí vận chuyển. Nhờ biết tích lũy, qua mỗi mùa vụ, anh Phú cùng anh em trong gia đình sắm thêm được nhiều máy móc cơ giới mới. “Máy gặt Kubota giá trên 500 triệu đồng là dự tính sắp tới của mấy anh em. Mình có máy rồi thì chủ động tất cả các khâu sản xuất. Ai bảo làm lúa không giàu được?”, anh Phú trải lòng cùng chút tự hào.

"Xã Phong Bình hàng năm đưa vào sản xuất khoảng 700 ha lúa. Ngoài ra, các hộ dân còn thuê thêm đất ở tỉnh Quảng Trị cùng các xứ đồng khác thêm 200 ha để canh tác. Những hộ trồng nhiều lúa ở địa phương ngoài anh Khánh, anh Phú, có thể kể đến như Trần Minh (3ha), Nguyễn Văn Ngọc (2,5 ha), Lê Phước Thạnh (3,5ha)"

Ông Trần Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng sen trên đất lúa

Nằm ở vùng trũng, với nhiều sông, hồ và chân ruộng sâu, anh Phan Văn Cường ở thôn Khuông Phò, xã Quảng Phước (Quảng Điền) đã khai thác diện tích mặt nước ao hồ, ruộng lúa vùng trũng trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng sen trên đất lúa
Giữ nghề đan lưới Vân Trình

Ngày 31/7/2016, làng nghề đan lưới Vân Trình (xã Phong Bình, Phong Điền), vinh dự đón nhận bằng công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống do UBND tỉnh trao tặng. Đây là cơ hội để làng nghề đan lưới Vân Trình quảng bá thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ.

Giữ nghề đan lưới Vân Trình
Giống mới cho “đất lúa” Phú Lương

Việc đưa giống lúa VT-NA2 liên kết cùng doanh nghiệp vào sản xuất trên cánh đồng ở xã Phú Lương (huyện Phú Vang) mở ra triển vọng sản xuất lúa mang tính hàng hóa, giúp người nông dân sản xuất bền vững.

Giống mới cho “đất lúa” Phú Lương
Return to top