ClockThứ Sáu, 01/07/2016 13:06

“Săn” mực cơm

TTH - Thời điểm này, ngư dân các xã vùng bãi ngang trên địa bàn tỉnh tất bật ra khơi đánh bắt mực cơm. Một đêm thức trắng cùng ngư dân mới thấu hiểu được những gian nan của họ giữa biển cả mênh mông.

Nhanh tay vớt mực cơm lên khỏi mặt nước

Kỹ nghệ đánh bắt mực

Trời xế chiều, cũng là thời điểm mà nhiều ngư dân bãi ngang xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) chuẩn bị dụng cụ “săn” mực cơm trên những chiếc ghe nan. Đây là thời điểm mực cơm xuất hiện nhiều nhất trong năm.

Ngư dân Trần Văn Ấn (40 tuổi) ở thôn Thai Dương Hạ Trung, xã Hải Dương ( thị xã Hương Trà) cho hay: “Cứ đầu tháng giêng âm lịch, ngư dân trong xã lại bảo nhau chuẩn bị vợt lớn, đèn điện chiếu sáng để vươn khơi xúc mực. Mấy tháng nay, nhờ đánh bắt mực cơm mà ngư dân quê anh có thu nhập, tránh được một mùa biển thất bát do tình trạng cá chết. Trung bình sau một đêm đánh bắt mực, mỗi người cũng kiếm được từ 300.000 – 400.000 ngàn đồng.

Chúng tôi xin theo ghe của ngư dân Ấn vươn khơi và được anh đồng ý. Từ phá Tam Giang, chiếc ghe vượt qua cửa biển Thuận An, hướng về biển cả mênh mông. Càng xa bờ, ghe càng lắc lư mạnh khi các con sóng đập vào mạn ghe liên tục. Sau một giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, chúng tôi cũng đến được nơi mà ngư dân thường đánh bắt mực.

Vừa thả neo xuống biển, anh Ấn vừa tranh thủ kiểm tra lại cần câu, chuẩn bị sẵn vợt ở mạn ghe. Khi trời tối hẳn, anh Ấn bắt đầu cắm những chiếc kẹp điện vào bình ắc quy, 3 bóng đèn cao áp trên ghe được thắp sáng. Xa xa, những ngư dân khác cũng bắt đầu lên đèn. Một vùng biển sáng rực khi hàng trăm ánh đèn phát ra từ ghe, thuyền hành nghề trong đêm.

Theo anh Ấn, mực cơm được ngư dân đánh bắt quanh năm. Riêng từ tháng 1 đến tháng 2, là thời điểm mực cơm xuất hiện nhiều nhất. Chỉ cần thắp ánh đèn điện lên, dùng dây lang đủ màu sắc cột vào sợi dây cước thả xuống biển dụ, là mực theo dây nổi lên tận mặt nước. Chỉ chờ có thế, ngư dân nhanh tay dùng chiếc vợt lớn xúc mực. Anh còn sử dụng lưỡi câu nhiều chấu, phía trên cuối dây lang để câu mực. Nói rồi, anh Ấn lấy chiếc vợt lớn làm bằng lưới và cần câu mực ra hành nghề.

Hơn một canh giờ ngồi câu mực, con mực đầu tiên đã theo dây lang ngoi lên mặt nước. Anh Ấn nhanh tay dùng vợt xúc, con mực trong vợt phun nước, bắn cả vào người anh. Ngay sau đó, anh thả con mực xuống túi sâm treo lơ lửng trên mặt nước đằng sau ghe, giữ mực sống đến lúc vào bờ.

Anh Ấn chia sẻ: “Muốn đánh bắt mực cơm, trước hết phải sử dụng đèn chiếu sáng xuống mặt nước biển. Lúc trước chưa có bình ắc quy thắp sáng đèn điện, ngư dân đều sử dụng đèn măng sông để chiếu sáng. Nhờ có ánh đèn, cùng với dây lang đủ màu sắc mới thu hút được mực nổi lên mặt nước”.

Trắng đêm trên biển

Trời càng về khuya, thời tiết trên biển càng lạnh, anh Ấn và nhiều ngư dân vẫn miệt mài công việc của mình. Theo anh Ấn, đa số ngư dân làm nghề đánh bắt mực cơm thường chỉ đi một mình, có người đi đánh bắt từ chiều tối đến rạng sáng mới trở về. Những đêm trời mưa, gió mạnh nổi lên bất thường hoặc không thấy mực mắc câu, họ mới trở vào bờ sớm.

Sau nhiều lần cuốn dây chỉ được 3-4 con mực mắc câu, anh Ấn đến sau mũi ghe kéo chiếc neo lên và cho chiếc thuyền đến địa điểm khác, tiếp tục giăng câu.

Trời càng về khuya, những ánh đèn điện phát ra từ các ghe thưa dần, nhiều ngư dân bắt đầu vào bờ. Một đêm thức trắng đánh bắt mực của ngư dân không được như ý, nhiều ghe, xuồng vào sớm hơn mọi ngày.

Một ngư dân câu mực gần ghe anh Ấn chia sẻ: “Tối nay, sóng yên biển lặng hơn mọi ngày, câu hoài chỉ được ba con mực, kiểu này chắc phải vào sớm quá. Mấy ngày trước, đến giờ này, mực cơm đã đầy ắp túi sâm rồi”.

Đang phân vân có nên ở lại đánh bắt mực cơm thêm chút nữa hay không, trời bắt đầu chuyển mưa giông, anh Ấn quyết định kéo neo và cho ghe hướng về cửa biển Thuận An, kết thúc một đêm mưu sinh trên biển. Lúc ấy, đồng hồ đã hơn 3 giờ sáng, trời cũng bắt đầu sáng dần.

Một đêm thức trắng cùng anh Ấn và nhiều ngư dân khác đánh bắt mực, chúng tôi hiểu rằng, để có những con mực tươi rói bán ở các chợ, ngư dân phải trải qua nhiều gian nan, vất vả. Có lúc vào bờ không có con mực nào, nhưng các ngư dân vẫn vui vẻ, kiên trì với nghề. Với họ, nghề biển là cái nghề của tổ tiên, còn sức là cứ vươn khơi bám biển.

VÕ THẠNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

TIN MỚI

Return to top