ClockThứ Ba, 14/03/2017 14:03

1/2 doanh nghiệp FDI phải “bôi trơn” cho cơ quan Nhà nước

Khảo sát PCI 2016 cho thấy, có đến 49% doanh nghiệp FDI đã phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan, 25% thừa nhận đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước.

Tình trạng tham nhũng vặt dù được biết là đã giảm so với năm ngoái, tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhức nhối và nghiêm trọng


Gặp bất lợi nếu không chi trả hoa hồng

“Những trải nghiệm về tham nhũng” – đây là một nội dung đáng chú ý trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay (14/3).

Báo cáo cho biết, điều tra PCI với khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đặt ra nhiều câu hỏi về những hoạt động kinh doanh mà DN có nguy cơ đối mặt với tham nhũng, như việc trả tiền bôi trơn khi xin giấy phép đầu tư, khi tham gia ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước, hoặc khi làm thủ tục hải quan, khi thực hiện thủ tục hành chính và khi giải quyết tranh chấp tại tòa.

Nhưng đáng nói là, “người tham gia khảo sát có thể miễn cưỡng hợp tác hoặc không trả lời chính xác bởi e ngại sẽ bị gây khó dễ hoặc nhũng nhiễu sau đó” – VCCI cho hay.

Điều này đặc biệt đúng với các DN đến từ các quốc gia có ký kết hiệp định chống tham nhũng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vì họ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý tại nước xuất xứ nếu có hành vi hối lộ tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng tham nhũng theo cảm nhận của các DN FDI năm nay có xu hướng giảm. Theo đó, khoảng 25% doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước. Cả hai tỷ lệ này đều giảm so với năm 2015.

Theo đánh giá của VCCI, chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ bao gồm các khoản bôi trơn trực tiếp mà còn bao gồm hiệu quả mất đi khi nhà thầu được chọn lựa không dựa trên năng lực thực chất.

Trả lời câu hỏi khảo sát, có tới 88% DN cho biết ít nhiều đều gặp bất lợi khi từ chối chi tiền hoa hồng trong quá trình đấu thầu, trong đó, 32% DN phản ánh “luôn luôn” gặp bất lợi và 26% DN “thường xuyên” gặp bất lợi, chỉ 30% còn lại là “thỉnh thoảng” gặp. Kết quả này cho thấy, “văn hóa chi trả hoa hồng” trong ký kết hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn.

Tham nhũng đã ở mức độ “nghiêm trọng”

Ngoài ra, khảo sát PCI 2016 cũng chỉ ra rằng, có đến 49% DN FDI đã phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan dù tỷ lệ này đã giảm 10 điểm % so với năm ngoái. 56% DN đồng ý với nhận định rằng các cán bộ Nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các DN. Và 19% DN lựa chọn không sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng “chạy án” trong quá trình giải quyết.

Thế nhưng, trong vấn đề hối lộ, “một bàn tay không vỗ thành tiếng”, nên tại cuộc khảo sát FDI năm nay, nhóm nghiên cứu PCI đã khảo sát sâu hơn về tình trạng chủ động đưa qua hay trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra.

Theo đó, DN đôi khi thấy rằng việc đưa “phong bì” là một cách để giảm bớt gánh nặng của thanh tra cũng như giảm xác suất bị phạt. Với quan điểm này, có trên 45% DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra năm 2016.

Trong khi đó, hiếm khi cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi các khoản này. Trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 8% DN cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Tỷ lệ này nhỏ hơn 5 lần so với tỷ lệ DN chủ động đưa biếu (44%).

Nguyên nhân là phần lớn DN tin rằng hành vi này là phổ biến, “luật bất thành văn” nên chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi.

“Sự phổ biến của hoạt động này chỉ ra mức độ nghiêm trọng của tham nhũng ở Việt Nam, minh họa mức độ khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng. Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí hai bên cũng không cần phải trao đổi với nhau” – báo cáo của VCCI nhìn nhận.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Return to top