ClockThứ Ba, 14/11/2017 08:25

10 năm xa thầy

TTH - Thầy Nguyễn Đình Thảng, nhà giáo ưu tú (được Nhà nước phong tặng đợt đầu tiên năm 1990), nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học). Thầy đã ra đi về cõi vĩnh hằng cách đây vừa tròn mười năm (2007-2017).

Tôi biết thầy từ năm 1989, khi theo học lớp Hán Nôm ở Trung tâm Hán Nôm, Trường đại học Sư phạm Huế. Như một cơ duyên, tôi không những may mắn được học môn Hán Nôm với thầy mà còn là người học trò được gần gũi thầy trong những năm thầy ở Huế. Cả ba địa điểm thầy ở: Chung cư đường Hà Nội, Trường Bia, khu tập thể Đống Đa hầu như tuần nào tôi cũng có mặt để thầy chỉ bảo thêm về chữ nghĩa Hán Nôm, đặc biệt là Tứ thư và Kinh Dịch.

Năm 2004, nhân dịp thầy 80 tuổi, tôi ngỏ lời xin mừng thọ thầy một bộ lễ phục truyền thống; năn nỉ mãi thầy mới đồng ý. Đã chuẩn bị từ trước, tôi đưa bác thợ may lớn tuổi, thạo nghề may lễ phục ở Huế đến chỗ ở của thầy (khu tập thể Đống Đa) để đo kích cỡ. Bác thợ may còn đo cả vòng đầu để làm khăn đóng cho thầy tôi. Sau khi đo xong, thầy hỏi bác thợ may: “Anh thợ có làm được nút (cúc áo) thắt bằng vải không?”. Bác thợ trả lời: “Dạ được, đó là nghề của em mà”. Khi thầy đi vào phòng trong, bác thợ liền hỏi tôi: “Anh biết thầy có ý gì khi bảo làm nút thắt bằng vải không?”. Tôi trả lời không biết, bác cười và bảo: “Thầy muốn bộ lễ phục này sẽ theo thầy khi trăm tuổi. Hình như thầy nghe rõ nội dung của chúng tôi nên khi trở ra, thầy cười lớn và bảo: “Đúng như vậy đó!”.

Khoảng 5 hôm sau, bộ lễ phục hoàn thành, tôi mang đến biếu thầy. Thầy mặc bộ lễ phục áo dài, khăn đóng màu xanh, bên trong là bộ áo quần trắng, đính nút thắt bằng vải. Khi soi gương, thầy vui mừng và bảo: “Lâu nay, đi đâu tôi đều mặc mấy bộ vest của ông Nguyễn Phú Trọng tặng, bây giờ có thêm bộ lễ phục này là đầy đủ lắm rồi (thầy Nguyễn Đình Thảng chính là người đã giới thiệu kết nạp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Đảng năm 1967 tại Khoa Ngữ văn - Trường đại học Tổng hợp Hà Nội). 

Năm 2007, khi thầy bị đột quỵ từ Quảng Ngãi rồi chuyển ra Bệnh viện C ở Đà Nẵng, Phong (con trai của thầy) báo tin, tôi vào Đà Nẵng suốt 2 ngày đêm, thầy vẫn hôn mê sâu. Tôi trở ra Huế, hôm sau Phong điện báo tin bệnh viện cho đưa thầy về quê. Tôi lặng người vì biết sẽ sắp xa thầy mãi mãi. Tôi khóc và bảo Phong khi thầy đi thì hãy điện báo để tôi trao đổi một việc. Khi Phong điện báo tin thầy đã ra đi, tôi đã kể cho Phong nghe câu chuyện về bộ lễ phục. Công ơn của thầy Nguyễn Đình Thảng đối với tôi không thể nào kể hết được. Khi thầy ra đi, tôi chỉ biết khóc thầy bằng câu đối chữ Nôm:

“Mạch đạo dòng đời còn chảy mãi,

Ơn thầy một chữ nguyện ghi sâu”.

Tôi mượn ý người xưa “Nhất tự vi sư” và câu “Mạch đạo dòng đời” của anh Cao Tự Thanh, cũng là tên một tập sách do lớp Hán Nôm đầu tiên của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội thực hiện nhân kỷ niệm 30 năm. Lớp đào tạo này mở vào năm 1972 tại một vùng sơ tán ở Hà Bắc, gồm 13 người (trong đó, có Cao Tự Thanh). Thầy Nguyễn Đình Thảng là người lên lớp đầu tiên với câu “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” trong sách Tam tự kinh. Học trò lúc ấy ngồi trên những túm rơm rạ, kê vở lên đùi để viết. Hiện nay, nhiều người trong lớp này là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành Hán Nôm của Việt Nam.

Tôi cùng bạn Phan Anh Dũng vào Quảng Ngãi viếng thầy. Nhìn thầy nằm trong chiếc áo quan (có lắp ô kính) với bộ lễ phục áo dài xanh khăn đóng, tôi không tài nào cầm được nước mắt. Em Phong cùng gia đình thực hiện đúng ý nguyện của thầy tôi. Thông thường, khi tẩm liệm, người ta thường cắt bỏ hết nút áo làm bằng chất liệu nhựa, sừng, kim loại… còn nút thắt bằng vải sẽ được giữ lại nguyên vẹn. Lúc đó tôi mới hiểu ý nghĩa và đạo lý của tình thầy trò. Trong hàng trăm lẵng hoa, trướng liễn của đồng nghiệp, thân hữu, học trò phúng viếng trong lễ tang của thầy, tôi nhìn thấy một lẵng hoa lớn với bức trướng mang dòng chữ “Vãng sanh cực lạc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội khóa XI), tôi thấy được sự ấm áp của tình bằng hữu, sư - đệ và tình người trong cuộc sống.

Nguyễn Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

4 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Chủ tịch nước ký Quyết định số 445/QĐ-CTN về việc phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho 917 cá nhân đã có công trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc. Trong số này tỉnh Thừa Thiên Huế có 4 cá nhân được phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú"

4 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”
Return to top