ClockThứ Ba, 03/11/2015 15:02

20 ngày ở Bệnh viện Quốc tế Huế

TTH - Bệnh viện Trung ương Huế là một cơ sở y tế chuyên sâu nổi tiếng cả nước và cả khu vực với tuổi đời đã 121 năm (1894-2015). Nay bệnh viện lại có thêm một “Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế” hiện đại trực thuộc. Người dân Huế và các tỉnh miền Trung lấy làm vui mừng. Từ nay, những người bệnh có điều kiện kinh tế khỏi phải đi ra Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh hay bay qua Singapore để chữa bệnh hiểm nghèo, nhiêu khê và vô cùng tốn kém.

Nhìn bên ngoài, bệnh viện mới này có cơ ngơi không thua kém các bệnh viện ở các thành phố lớn trong và ngoài nước. Một tòa nhà đồ sộ, kiến trúc Tây phương, trông khá đẹp mắt. Nghe nói bên trong các khoa phòng, máy móc, thiết bị tuy còn ít nhưng cũng đầy đủ và mới nhập về từ các nước bên Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Các giáo sư bác sĩ, các bác sĩ chuyên khoa 1,2, thầy thuốc nhân dân cao niên, giỏi về chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm cùng làm việc với một tập thể bác sĩ trẻ, một số được đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài về. Các cô điều dưỡng thành thạo về nghiệp vụ, các anh chị hộ lý bảo đảm cách phòng bệnh sạch sẽ. Tuy viện phí có cao (1 triệu rưỡi đồng một phòng 2 giường) nhưng ở đây là nơi bệnh nhân được điều trị theo yêu cầu, môi trường trong lành, yên tĩnh. Đã có nhiều người nước ngoài, người từ các tỉnh thành xa xôi tìm đến đây để khám và chữa bệnh...

Cơ sở mới này được nhân dân Huế tin tưởng, ước mong sao chất lượng chữa bệnh cao, xứng với cái tên “quốc tế”. Mới đưa vào hoạt động, nên ở đây còn nhiều việc phải làm, sao cho cảnh quan bên ngoài đẹp và sạch.
Nhân chuyến đi Pháp trước đây, tôi có dịp đến thăm một bệnh viện ở thành phố Mèze, một thành phố nhỏ ở miền Nam nước Pháp, nơi tôi được mời đến làm việc về xử lý nước thải của thành phố bằng phương pháp sinh học. Bề ngoài thì nhỏ hơn ở Huế nhiều, nhưng trong khuôn viên thì có nhiều cây bóng mát, có vườn hoa, vòi phun nước, ghế dài ngồi nghỉ, nhiều đường nhỏ giữa bãi cỏ xanh dành cho bệnh nhân nhẹ đi lại vào những lúc trời mát mẻ. Bên trong thì có nhiều phòng khoa, nhìn qua cửa kính thấy máy móc khá nhiều. Phòng bệnh đa số có 1 giường, có bình cắm hoa, có máy nghe nhạc. Các hành lang vắng vẻ. Chỉ thấy bác sĩ , y tá, điều dưỡng đi lại. Không thấy có người nhà bệnh nhân. Việc phục vụ ăn uống , sinh hoạt đều do các nhân viên chuyên môn đảm trách theo ý kiến của bác sĩ điều trị. Giờ thăm bệnh nhân quy định rất chặt chẽ, phải có yêu cầu của người bệnh (loại nhẹ) mới được cho vào thăm. Họ ngồi xe lăn do hộ lý đẩy ra sảnh bệnh viện để gặp người nhà. Thời gian gặp cũng không dược kéo dài.
Cuối tháng 9 năm nay, tôi phải nhập viện với căn bệnh “viêm phế quản và phổi cấp” tại Bệnh viện Quốc tế Huế . GS Võ Phụng, nguyên Giám đốc CHU (Centre Hospitalier Universitaire), nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khuyên tôi như thế. Và tôi thực hiện với hai ý đồ: chữa bệnh, tìm hiểu (phụ). Tôi được đưa vào nằm ở Khoa Nội, lầu 6. Phòng bệnh lúc bấy giờ đã có một bệnh nhân là ngư dân cửa biển Thuận An. Tôi được các bác sĩ khám rất kỹ và cho truyền dịch ngay.
Buổi chiều đi xét nghiệm toàn bộ. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là rất yên tâm và tin tưởng. Chiều tối hôm đó gia đình ông ngư dân đến đông quá, lại đem mắm nêm để ăn làm tôi ngạt thở. BS Dũng, Phó khoa phải cho tôi chuyển đi phòng khác.
Thấy cách làm việc của đội ngũ thầy thuốc ở đây, tôi rất hài lòng. Ngày thứ bảy và chủ nhật là hai ngày nghỉ, nhưng họ làm việc như ngày thường trong tuần. Bác sĩ trực đến khám, điều dưỡng đến đo huyết áp, truyền dịch, phát thuốc, nhân viên vẫn đem quần áo, drap, áo gối, khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng đến thay như mọi ngày. Ai cũng hỏi han tử tế, không còn thái độ lạnh lùng đối với người bệnh mà báo chí đã từng phê phán trước đây.
Tôi cảm thấy bệnh thuyên giảm nhiều sau 10 ngày điều trị tích cực. Không còn mệt, hết ho, tôi bắt đầu đi lại cho thư giãn, để hít không khí trời trong lành. Nhân dịp chủ nhật tôi tranh thủ đi thang máy xuống tầng 1, ở đó gặp mấy người nước ngoài đến khám bệnh. Tôi bắt chuyện hỏi họ có nhận xét gì về bệnh viện này thì họ đều nói rằng “văn minh, không khác gì mấy so với ở phương Tây”. Họ nói chỉ hơi “buồn” về ngôn ngữ khi tiếp xúc với các nhân viên của bệnh viện. Tuồng như ít có người nói được tiếng Pháp còn tiếng Anh thì những người ở đây nghe hiểu còn khó. Có nhiều lúc họ đành phải ra dấu hiệu, chỉ chỏ chỗ đau cho nhân viên phòng hướng dẫn. Có hai người nói với tôi được một bác sĩ khám và hỏi bệnh bằng tiếng Pháp (BS Phan Hiền) làm họ vui và rất hài lòng. Tôi giải thích việc học ngoại ngữ ở Việt Nam trước đây chưa được chú ý lắm nên mới có tình trạng như thế. Bây giờ thì các bác sĩ nói tốt hơn nhiều, nhất là tiếng Anh.
Tôi nằm viện gần dược 20 ngày. Bệnh tình đã thuyên giảm, có thể về nhà được rồi. GS Hoàng Khánh, Chủ nhiệm Khoa Nội, người mà ngày đầu tuần nào cũng đến khám bệnh rất kỹ, chỉ thị cần kiểm tra lại bộ máy hô hấp trước khi quyết định cho tôi xuất viện. Bản thân tôi cảm thấy tin tưởng trước sự chăm sóc và phác đồ điều trị của tập thể bác sĩ của khoa. Tôi viết bài này để nói lên lòng biết ơn sâu sắc đối với Khoa Nội Bệnh viện Quốc tế. Tôi nghĩ, các Khoa khác cũng hoạt động tốt như thế. Mong sao tính chất “quốc tế” của cơ sở y tế mới này sẽ được phát huy không ngừng và ngày càng rõ nét, tương xứng với cái tên nó mang. Hữu xạ tự nhiên hương, rồi đây bệnh nhân các nơi sẽ tìm đến nhiều. Bệnh nhân người nước ngoài rất mong được trao đổi với thầy thuốc ở các Khoa bằng tiếng của nước họ, đa số là tiếng Anh, điều mà tôi tin rằng không phải chờ lâu.
NGƯT Thân Trọng Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

TIN MỚI

Return to top