ClockChủ Nhật, 15/11/2015 07:00

25 năm ra đời bộ sách Phan Bội Châu toàn tập

TTH - Phan Bội Châu toàn tập ra mắt lần đầu vừa tròn 25 năm. Cùng nhìn lại, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều người mê sách vẫn đánh giá bộ sách có tầm vóc đặc biệt không chỉ vào thời điểm 25 năm về trước, mà cho đến nay vẫn giữ được vị trí đáng trân trọng trong đời sống văn hóa của xứ Huế và đất nước.
Phan Bội Châu toàn tập xuất bản lần thứ ba năm 2000

Tháng 9 năm 1990, trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày mất của cụ Phan Bội Châu (29/10/1940 - 29/10/1990), Nhà xuất bản Thuận Hóa cho ra mắt trọn bộ Phan Bội Châu toàn tập, gồm 10 tập, với 4678 trang sách khổ 13x19. Bộ sách được xuất bản và phát hành rộng rãi là một sự kiện văn hóa có tiếng vang lớn với dư luận trong và ngoài nước trên rất nhiều phương diện, để lại ấn tượng và sự xúc động sâu sắc không chỉ đối với những người làm công tác xuất bản, in, phát hành mà còn đối với giới chính trị, học thuật cùng đông đảo những người quan tâm nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc nói chung.

Đó là kết quả làm việc sau nhiều năm say mê, công phu, khoa học của nhà nghiên cứu sử học Chương Thâu và sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học tài năng và tâm huyết, như ông đã nói rất chân thành “Để hoàn thành bộ sách Phan Bội Châu toàn tập này, chúng tôi cũng xin được ghi nhận công lao to lớn của những người thầy hướng đạo trực tiếp như Giáo sư Trần Văn Giàu (năm nay đã 80 tuổi), các Giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Văn Tân (đều đã qua đời) và các bậc tiền bối như Viện sĩ Trần huy Liệu, Nhà sử học Tôn Quang Phiệt… kính yêu mà lúc nào chúng tôi cũng có cảm giác là đang ở bên cạnh để động viên, thúc giục chúng tôi “hoàn thành sứ mệnh cao cả”. Đồng thời, để bộ sách ra trọn bộ vào dịp kỷ niệm có ý nghĩa long trọng nói trên, lãnh đạo và cán bộ Nhà xuất bản Thuận Hóa cũng đã làm việc miệt mài với quyết tâm cao gần 2 năm trước đó. Ông Vương Hồng - Giám đốc, Tổng Biên tập, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong nhiều việc cần phải chuẩn bị, có cả việc cùng với Viện Sử học Việt Nam lĩnh hội ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Một buổi lễ dâng sách và thắp hương ở Nhà lưu niệm và Nghĩa trang mang tên cụ Phan được tổ chức trang nghiêm, để lại nhiều xúc động , phấn chấn trong lòng nhiều người tham dự. Nhà xuất bản đã trân trọng gởi tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bộ sách. Ngày 2 tháng 1 năm 1991, nhân dịp năm mới, Đại tướng đã gởi thư và thiệp chúc Tết đến Nhà xuất bản:

“Tôi hoan nghênh và nhiệt liệt khen ngợi Nhà xuất bản Thuận Hóa thời gian qua đã tập trung cố gắng làm nên thành tích lớn là xuất bản bộ sách Phan Bội Châu toàn tập.

Nhân dịp này tôi cũng xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản đã tặng tôi bộ sách rất quý ấy do đ/c Chương Thâu và đ/c Dương Trung Quốc, Phó Viện trưởng Viện sử học (Viện KHXHVN) chuyển.

Ngay hôm nhận được sách, tôi đã có dịp được đọc lại những bài thi ca đầy nhiệt huyết, sống lại những ngày tháng sôi nổi của thời thanh xuân, khi nghe cụ Phan vừa đọc vừa ngâm, để chung vui với “lũ đầu xanh” và cổ vũ chúng tôi tại ngôi nhà Bến Ngự.”

Kể từ năm ra mắt đầu tiên đến nay, bộ sách đã được in lần thứ 3 vào năm 2000.

Sau lần xuất bản đầu tiên, trước nhu cầu không ít, 4 tập gồm tập 7 (Chu dịch quốc văn diễn giải, quyển I: Chu dịch - Thượng kinh), tập 8 (Chu dịch quốc văn diễn giải, quyển II: Chu dịch - Hạ kinh), tập 9 (Khổng học Đăng - Thượng thiên, quyển I), tập 10 (Khổng học Đăng - Hạ thiên, quyển II) còn được tách ra, phát hành riêng vì nhu cầu và giá trị độc đáo của nó.

Xin được nói thêm rằng, vào thời điểm năm 1990, những bộ sách lớn trên 10 tập ở Việt Nam, như Phan bội Châu toàn tập, là rất ít. Có thể kể tới bộ Đại Nam thực lục, 38 tập, thực hiện suốt 16 năm, từ 1962 đến năm 1978; hay một số bộ toàn tập được nhập từ nước ngoài như Lê nin toàn tập, Mác - Ăng ghen toàn tập.

Ngày 29 tháng 10 vừa qua, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức một cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 110 năm Phong trào Đông Du (1905 - 2015), 90 năm cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt đưa về an trí tại Huế (1925-2015) và 75 năm ngày mất của cụ Phan tại Huế (29/10/1940 - 29/10/2015).

Dạ Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top