ClockChủ Nhật, 01/01/2017 14:15

3 vấn đề gây tranh cãi nhất trong Dự án Luật Lao động sửa đổi 2016

Cuối năm 2016, Bộ LĐTBXH đã có tờ trình, trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động, tuy nhiên một số nội dung đang nhận nhiều tranh cãi của dư luận và người lao động.

1.Tăng tuổi nghỉ hưu

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. (Người cao tuổi lĩnh lương hưu tại cơ sở. Ảnh minh hoạ IT)

Điều đầu tiên phải kể đến là phương án tăng tuổi nghỉ hưu với hai phương án: giữ nguyên và tăng tuổi nghỉ hưu ở nữ lên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu hiện nay (60 tuổi) và nam tăng 2 tuổi (62 tuổi). Tuy nhiên, phương án tăng tuổi nghỉ hưu đang vấp phải nhiều tranh cãi. Phần đông người lao động tỏ ra không đồng tình với phương án này.

Một số khác thì cho rằng, nếu tăng chỉ nên tăng nữ lên 58 tuổi và nam lên 62 tuổi là hợp lý. Nguyên nhân chính là bởi chất lượng dân số Việt Nam không cao, tuổi thọ có tăng nhưng sức khỏe không tốt, lao động khó có khả năng làm việc tới 60 tuổi.

Trước tranh cãi này, Bộ LĐTBXH đã có những đánh giá báo cáo tác động về mặt kinh tế - xã hội liên quan tới việc tăng tuổi nghỉ hưu.

2. Lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu sống

Tranh cãi tiếp theo liên quan tới việc thực hiện mức lương tối thiểu. Bộ Luật lao động hiện hành quy định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình cúa họ. Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu trên thực tế rất khó định lượng, đồng thời mức lương tối thiểu hiện nay cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động cũng như gia đình của họ.

Trong quá trình soạn thảo đã có ý kiến đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng đảm bảo mức sống tối thiểu và đề nghị bổ sung thêm các yếu tố xác định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất.

3.Tăng giờ làm thêm

Thời giờ làm thêm tối đa được quy định tại Bộ luật Lao động không quá 30 giờ/tuần và không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động đã đề xuất tăng thời giờ làm thêm theo 2 phương án.

Phương án 1: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ/ ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ/năm. ​

Phương án 2: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ/ ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Mặc dù Tổng Liên đoàn lao động đang đấu tranh để không nâng giờ làm thêm nhưng người lao động lại tỏ ra hào hứng. Rất nhiều lao động ý kiến, không làm thêm thì “cạp đất mà ăn à”. Chính vì vậy, giờ có tăng giờ làm thêm, có mệt vất vả hơn thì họ vẫn chấp nhận, miễn là có tiền để lo cuộc sống, đảm bảo mức sống của gia đình.

Dự kiến, nội dung sửa đổi Luật Lao động sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2017 và lấy ý kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10/2017.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top