ClockThứ Sáu, 17/03/2017 05:06

40 năm đi qua - lớp học chúng tôi ngày ấy

TTH - Năm nay, Trường đại học Sư phạm Huế (ĐHSP) - Đại học Huế tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập (1957-2017), cựu cán bộ, giáo chức và sinh viên của trường lại náo nức nhớ về trường xưa, lớp cũ với bao kỷ niệm thân thương.

Chúng tôi là sinh viên Trường ĐHSP Huế khóa 1973 -1977, học hệ tập trung 4 năm (hồi đó gọi là hệ thường xuyên), đào tạo giáo viên trung học phổ thông (hồi đó gọi là giáo sư trung học đệ nhị cấp). Đề thi vào Ban Việt Hán (Khoa Ngữ văn) khóa chúng tôi gồm một bài luận về ngành sư phạm; về môn sử - địa gồm mấy chục câu hỏi ngắn, kiến thức rộng để kiểm tra trình độ hiểu biết của thí sinh; đề thi văn (môn chính), thí sinh phải trả lời nhiều câu hỏi rất hay, đòi hỏi thí sinh phải hiểu văn học cổ và một ít kiến thức Hán Nôm thì mới có thể làm tốt được bài thi. Còn về văn tự luận, đề thi yêu cầu thí sinh có vốn kiến thức về ca dao Việt Nam...

Cựu SV Lớp Việt Hán khóa 1973-1977

Sau 2 vòng thi, lớp chúng tôi trúng tuyển 38 sinh viên, nữ nhiều hơn nam, hội ngộ từ các tỉnh, thành miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)... Sinh viên thi đỗ vào trường, phần lớn vừa mới thi đỗ Tú tài II, nhưng trong lớp có mấy anh, chị thi lần thứ hai mới đỗ, cũng có vài nữ sinh lập gia đình, có con trước khi thi đỗ vào trường.

Hồi ấy thi đỗ vào Trường ĐHSP Huế là một vinh dự lớn. Nơi đây thật sự là một môi trường sư phạm, ấn tượng đọng lại trong mỗi chúng tôi là mọi sinh hoạt giảng dạy, học tập của nhà trường rất nề nếp, từ giờ giấc, tác phong, lời ăn tiếng nói, các mối quan hệ ... đều mang tính mô phạm cao. Hai năm học đầu, lớp chúng tôi được các giáo sư, các nhà giáo có uy tín giảng dạy, như: Đoàn Khoách (VHDG), Vương Hữu Lễ (Ngữ pháp), Nguyễn Văn Dương (Văn học cổ), Hà Thúc Hoan (Triết văn), cụ Nghè Lê Văn Hoàng (Hán văn), LM Nguyễn Tiến Huynh (Tâm lý thanh thiếu niên)... Ngoài những môn học chuyên ban, chúng tôi còn học một số môn chung cùng với sinh viên các ban khác trong trường hoặc các bạn sinh viên cùng khóa của các trường thuộc Viện Đại học Huế, như: Giáo dục học, Sinh hoạt học đường, Con người và môi trường sống, Hướng dẫn khải đạo, Sinh ngữ căn bản, Sưu khảo báo cáo;... do các thầy Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Văn Hai, Phan Hoàng Quý, Nguyễn Cửu Sà... truyền đạt. Cùng với việc học tập, đứng trước bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, nhiều bạn sinh viên lớp chúng tôi tích cực tham gia hoạt động yêu nước, bày tỏ khát vọng dân sinh, dân chủ, hòa bình... của phong trào đô thị miền Nam.

Sau ngày quê hương giải phóng, lớp chúng tôi được bổ sung thêm hơn 40 bạn sinh viên lớp Việt văn năm thứ 2 của Trường đại học Văn khoa nhập vào, nâng tổng số của lớp lên 85 sinh viên. Một tập thể lớp nhiệt tình, hăng say phấn đấu học tập, tu dưỡng rèn luyện trong không khí hồ hởi trước vận hội mới của non sông, khi đất nước đã được hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau gần nửa năm những tháng ngày mới giải phóng, sinh viên toàn trường hoạt động tự quản, tham gia công tác xã hội, sinh hoạt cộng đồng, lao động công ích, vệ sinh môi trường góp phần ổn định nhà trường và giữ gìn an ninh trật tự thành phố. Bước vào 2 năm cuối (1975-1977), lớp chúng tôi cùng với sinh viên toàn trường nỗ lực học tập, phấn đấu xây dựng phong trào “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa”, được các thầy cô giáo nổi tiếng ở ĐHSP Hà Nội 1, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP Vinh, ĐHSP Việt Bắc tăng cường hoặc vào thỉnh giảng. Thật hào hứng với các bài giảng của các thầy, cô là Giáo sư, Phó Giáo sư, giảng viên: Lê Trí Viễn, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Văn Hối, Nguyễn Văn Giai, Trần Hữu Duy, Hoàng Tiến Tựu, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Phạm Trọng Luận, Nguyễn Như Bình, Lê Văn Hảo, Nguyễn Thị Hoàng, Đặng Ngọc Lệ, Đoàn Hồng, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Văn Sung... đã bổ sung cho chúng tôi tầm nhận thức mới, những giá trị lý tưởng thẩm mỹ và nhân văn mới của chương trình văn học cách mạng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Những kiến thức được đào tạo cả 2 giai đoạn đã trở thành hành trang quý giá, giúp chúng tôi vững bước vào đời để làm người công dân tốt, làm người cán bộ tốt, nhất là làm người giáo viên Nhân dân tốt để giảng dạy cho thế hệ đàn em thân yêu. Khi tốt nghiệp, lớp chúng tôi có một số bạn được giữ lại trường làm công tác giảng dạy ở Khoa Ngữ văn hoặc làm công tác nghiên cứu ở các phòng, ban chức năng; phần lớn đã “tung cánh muôn phương” về công tác, giảng dạy ở các trường THPT “từ bản làng xa, đến phố phường gần” ở nhiều tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Dù điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết mọi người thật sự yêu nghề, gắn bó với nghề, vượt qua nhiều gian nan, thử thách để bám lớp, bám trường làm tốt thiên chức “Người kỹ sư tâm hồn”. Nhiều bạn sau khi ra trường vừa giảng dạy, vừa tiếp tục học tập nghiên cứu, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ và đạt các danh hiệu cao quý được Nhà nước phong tặng. Có thể nói, lớp Văn 4/4, Khoa Ngữ văn ĐHSP Huế niên khóa 1973 – 1977 đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí cho nhiều địa phương trong cả nước.

Sau 40 năm ra trường, cựu sinh viên lớp chúng tôi lại có niềm vui hội ngộ về Huế dự kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Ngày nào mới lên đường tuổi còn rất trẻ, nay trở về tóc đã điểm sương; hầu hết chúng tôi đã nghỉ hưu, nhiều người lên chức ông, chức bà nhưng tâm hồn thanh thản của người vừa hoàn thành phận sự. Cùng với các thế hệ sinh viên, chúng tôi luôn biết ơn các thầy, cô giáo đã tâm huyết giảng dạy, hướng dẫn và dìu dắt cho thế hệ chúng tôi trưởng thành. Chúng tôi  luôn tự hào về mái Trường ĐHSP Huế thân yêu với niềm tin nhà trường sẽ không ngừng lớn mạnh, phát triển.

PHAN CÔNG TUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top