ClockThứ Sáu, 10/05/2019 14:42

50 năm chiến thắng A Bia - dấu ấn về sức mạnh ý chí kiên cường

TTH.VN - Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng A Bia được UBND huyện A Lưới long trọng tổ chức sáng 10/5 đã quy tụ nhiều nhân chứng lịch sử - những người đã từng tham gia chỉ huy và chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên nói chung, chiến trường A Lưới và trận A Bia nói riêng. Lễ kỷ niệm nhằm ôn lại lịch sử hào hùng về một trận đánh hết sức khốc liệt, đồng thời làm rõ hơn về một chiến thắng có tầm vóc, ý nghĩa to lớn trong thời kỳ kháng Mỹ cứu nước.

Chiến thắng A Bia - tầm vóc và dấu ấn lịch sử“Chiến thắng A Bia – Tầm vóc và dấu ấn lịch sử”.

Đến dự buổi lễ có Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chí Quang và nhiều tướng lĩnh, sỹ quan các đơn vị, lực lượng cựu chiến binh, lãnh đạo các ban, ngành liên quan…

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Trong bài phát biểu, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định về tính lịch sử của chiến thắng A Bia, một trong những trận đánh ác liệt nhất, khủng khiếp nhất và kinh hoàng nhất đối với quân đội Mỹ, và không ai khác chính họ đã gọi tên đồi A Bia thành Đồi Thịt băm “Hamburger Hill”. Đó là trận đánh cách đây đúng 50 năm, tại Đồi A Bia, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới giữa quân đội Mỹ và quân dân ta, mà trực tiếp là Sư đoàn 324, quân và dân A Lưới đã làm nên kỳ tích “Chiến thắng Đồi A Bia – rung chuyển Lầu Năm Góc” vào năm 1969.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền núi Trị Thiên là điểm đầu nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, là hành lang trọng yếu di chuyển sức người, quân trang, quân dụng, vũ khí, khí tài và đạn dược trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận Trị Thiên. Việc ngăn chặn hệ thống đường mòn, tiến tới cắt đứt tuyến đường này trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Các nhân chứng lịch sử tự hào ôn lại kỳ tích trận đánh đồi A Bia

Để thực hiện âm mưu này, Mỹ đã cho trực thăng đưa 7 tiểu đoàn của Sư đoàn dù 101 Mỹ và 5 tiểu đoàn của Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn nhảy xuống A Bia (thuộc xã Hồng Bắc, huyện A Lưới ngày nay) với quân số lên tới 7.000 người. Để tạo thế thắng cho Sư đoàn dù 101, Mỹ đã huy động, tung lên vùng A Bia một khối lượng khí giới khổng lồ, thực hiện 275 lần phi cơ ném xuống A Bia với 1.235 tấn bom các loại, trong đó có 125 tấn bom Napalm và bom hóa học; tổ chức 10 trận địa Pháo di động và cố định tập trung bắn vào A Bia hơn 30.000 quả đạn pháo các loại, chưa kể những trực thăng vũ trang chúng yểm trợ… Âm mưu của Mỹ rất rõ ràng quét sạch dân và quân giải phóng ra khỏi A Lưới, đẩy hết sang Lào với chiến thuật “phá sạch, đốt sạch, giết sạch”.

Chiến dịch tấn công A Bia của Mỹ mang tên “Tuyết rơi trên đỉnh núi Apache”, đã hình thành 5 tầng hỏa lực: tầng trên cao là B52 đến thả bom từng tọa độ, tầng hai là các loại phản lực bổ nhào, tầng ba là trực thăng vũ trang cơ động xăm xoi, tầng bốn là pháo binh mặt đất, tầng cuối cùng là hỏa lực bộ binh với những vũ khí hiện đại… Nhưng với sự đánh trả quyết liệt, anh dũng kiên cường của Sư đoàn 324 và quân dân A Lưới, kết cuộc quân Mỹ đã bị thương vong 1.600 tên, bị tiêu diệt 11 Đại đội, thiệt hại nặng 5 Tiểu đoàn Mỹ và 2 Tiểu đoàn Ngụy, bị bắn rơi 37 máy bay, phần nhiều là trực thăng chở quân đổ bộ, phá hủy 24 khẩu pháo, thu nhiều vũ khí đạn dược buộc chúng phải tháo chạy. Và, chiến dịch “Tuyết rơi trên đỉnh núi Apache” đã biến thành “Máu rơi trên đỉnh núi”. A Bia đã có một tên gọi mới do báo chí Mỹ đặt “Đồi Thịt Băm của lính dù Mỹ” (Hamburger Hill).

Đại tá Hồ Hữu Lạn, Cựu chiến binh Sư đoàn 324 – người trực tiếp tham gia trận đánh A Bia - nhớ lại: Để chuẩn bị cho trận chiến đấu đánh Mỹ tấn công lên A Bia, Quân Khu Trị Thiên giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 324, trực tiếp là Trung đoàn 3 phối hợp với đồng bào các dân tộc A Lưới, huy động tối đa sức quân, sức dân, tập trung vũ khí đạn dược, lương thực chiến đấu. Trong gần 10 ngày chiến đấu, Trung đoàn 3/324 đã vận dụng chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh” tạo thành một thế trận hiểm hóc, liên hoàn, vững chắc. Với mục đích giữ vững địa bàn, tiêu diệt nhiều sinh lực Mỹ ngụy, đánh bại cuộc hành quân của địch, hỗ trợ cho phong trào đồng bằng đang bị phản kích truy quét kìm kẹp tàn bạo nặng nề, tạo điều kiện khôi phục thế trận đồng bằng và rừng núi, đơn vị đã đào hầm sâu để tránh pháo, chịu đựng mọi gian khổ, ác liệt để chiến đấu.

Làm rõ thêm về giá trị trận đánh đồi A Bia, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn một lần nữa khẳng định, chiến thắng A Bia đã giúp quân và dân ta tiếp tục củng cố và giữ vững được căn cứ địa kháng chiến ở miền Tây Trị Thiên, giữ vững được tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Thế đứng chân của lực lượng vũ trang và hệ thống kho tàng, hậu cứ của ta được củng cố ngày càng vững mạnh. Chiến thắng A Bia còn đánh dấu bước phát triển vượt bậc về trình độ, khả năng và nghệ thuật tác chiến của bộ đội chủ lực và sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến có hiệu quả giữa lực lượng vũ trang 3 thứ quân: bộ đội chủ lực Trung đoàn 3, sư đoàn 324, bộ đội địa phương và dân quân du kích đồng bào các dân tộc A Lưới.

Hầu hết các CCB về dự lễ kỷ niệm là nhân chứng lịch sử từng tham gia trận đánh A Bia

Nhiều ý kiến các nhân chứng lịch sử cũng cho rằng, chiến thắng A Bia đã góp phần chôn vùi giấc mộng chiếm đóng, làm chủ vùng đất căn cứ chiến lược này của quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Theo quan điểm của người Mỹ, đây là một trận chiến đấu ác liệt nhất, khủng khiếp nhất, kinh hoàng nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến gây chia rẽ sâu sắc nhất trong nội bộ Chính quyền Mỹ, làm rung động truyền thông và hàng triệu người dân Mỹ, làm giấy lên sự phản kháng dữ dội tại Thượng viện Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Theo Bí thư Huyện ủy A Lưới – Nguyễn Thị Sửu, sự kiện A Bia diễn ra đã 50 năm, nhiều dấu tích trên thực địa có thể đã bị bào mòn, khỏa lấp bởi thời gian và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, song những cảm xúc, ký ức về một một thời máu lửa hào hùng gắn với chiến công, gắn với mảnh đất A Lưới trung dũng, kiên cường vẫn còn mãi trong tâm khảm của rất nhiều người, trong đó có các nhân chứng lịch sử và có cả những người chưa từng tham gia cuộc chiến. Nhìn lại cuộc chiến không phải để khắc sâu thêm nỗi đau chiến tranh mà để thấy được một phần của lịch sử, đánh giá lại lịch sử một cách đầy đủ, toàn diện và khách quan, để hiểu rõ hơn về trận đánh hết sức khốc liệt nhưng ý nghĩa, tác động rất mạnh mẽ này. Để chiến thắng A Bia sẽ được trả về đúng vị trí của nó không chỉ trong sử sách, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

  Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng

Ngày 20/4, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh, Xã đoàn Hương Thọ (TP. Huế) và Trường tiểu học Hương Thọ tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam cho đoàn viên thanh niên các đơn vị và chiến sĩ mới.

Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng
Chuyên trang Chiến thắng Điện Biên Phủ ra mắt 5 phiên bản tiếng nước ngoài

Ngày 22/3, chuyên trang đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có thêm 5 phiên bản tiếng nước ngoài, bao gồm: tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha với hình thức trình bày hiện đại, hấp dẫn, nhằm thông tin chính thống về Chiến thắng Điện Biên Phủ đến với bạn bè quốc tế, nhất là độc giả trẻ.

Chuyên trang Chiến thắng Điện Biên Phủ ra mắt 5 phiên bản tiếng nước ngoài
Gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Ngày 6/1, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Hà Nội và Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội tổ chức gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2024).

Gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
Khai mạc “Ngày văn hóa và giáo dục Kyoto tại Huế”

Ngày 21/11, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã diễn ra lễ khai mạc “Ngày văn hóa và giáo dục Kyoto tại Huế”. Tham dự có ông Takatoshi Nishiwaki, Thống đốc Phủ Kyoto (Nhật Bản); Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khai mạc “Ngày văn hóa và giáo dục Kyoto tại Huế”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top