ClockThứ Năm, 03/11/2016 09:40

6 "chưa" của ngành giáo dục

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 6 hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục cần khắc phục thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau 03 năm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 với nhiều giải pháp đồng bộ, ngành đã đạt được một số kết quả quan trọng như công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cơ bản hoàn thành, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non được nâng lên rõ rệt; chất lượng giáo dục toàn diện học sinh phổ thông được nâng lên; chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có bước chuyển biến tích cực; giáo dục vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục hòa nhập được quan tâm, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục;

Công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được củng cố, từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Giáo dục vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được đầy đủ, nâng cao chất lượng

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nhạ bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29, còn những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục. Cụ thể:

Thứ nhất, Công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả chưa cao

Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29, tuy nhiên, việc thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, công tác phối hợp còn hạn chế; chưa có giải pháp kịp thời nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; xây dựng và ban hành các đề án triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 của một số bộ, ngành chưa bảo đảm tiến độ.

Mặc dù đã phân cấp quản lý nhưng một số địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trước các vấn đề giáo dục và đào tạo của địa phương.

Thứ hai, Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, cơ cấu không hợp lý, trình độ không đồng đều.

Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng.

Việc ban hành bổ sung chính sách về lương, chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp khác theo tính chất, kết quả và chất lượng công việc, phù hợp với vùng, miền, chế độ ưu đãi với giáo viên, giảng viên, nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục còn chậm. Nguyên nhân là do liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều Bộ, ngành, thiếu nguồn lực tài chính để thực thi chính sách mới.

Thứ 3, Cơ sở vật chất trường, lớp học còn rất thiếu

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; việc triển khai kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên để phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế của nước ta còn khó khăn. Ở một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Công tác xã hội hóa trong đầu tư cho giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thứ tư, Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và THPT chưa tốt

Do hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay chưa mạch lạc, công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo chồng chéo, công tác hướng nghiệp trong nhà trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo nghề còn yếu, chưa gắn với năng lực hành nghề, trang thiết bị các trường đào tạo nghề thiếu đồng bộ, thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề thiếu kinh nghiệm thực tế. Tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề.

Thứ 5, Chất lượng đào tạo đại học còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội

Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng khiến cho chất lượng đào tạo chưa cao. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong vấn đề nhu cầu sử dụng lao động.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa được đầu tư tương xứng. Công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa tốt, chưa gắn kết giữa quy mô đào tạo với nhu cầu của thị trường.

Thứ 6, Hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo chưa sâu, rộng

Hội nhập quốc tế trong giáo dục chưa sâu, không đồng đều giữa các địa phương và cơ sở giáo dục; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút được nhiều chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Việt Nam và cử chuyên gia, giảng viên của Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Nguyên nhân là do nhận thức và năng lực về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo của nhiều địa phương, cơ sở giáo dục còn hạn chế. Các nguồn lực đầu tư cho hội nhập quốc tế chưa tương xứng. Năng lực hội nhập chưa đáp ứng được yêu cầu mà đối tác đặt ra.

Công tác quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ được đào tạo ở nước ngoài chưa tốt. Cơ cấu ngành nghề liên kết đào tạo với nước ngoài còn mất cân đối, tập trung nhiều vào các nhóm ngành quản lý và kinh tế (70%). Số lượng chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ tiến sĩ còn rất hạn chế (12 chương trình chiếm khoảng 3% tổng số các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ của ngành giáo dục trong thời gian tới

Triển khai 9 nhóm nhiệm vụ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Giáo dục tập trung khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi và kết quả đã đạt được, năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo phải tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng.

Đối với giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 và Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó ngành Giáo dục sẽ tập trung triển khai 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra, đó là: Rà soát, quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ GD&ĐT đưa ra 3 đề xuất, kiến nghị với Quốc hội

Thứ nhất: Đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội: Luật Nhà giáo (năm 2018) và Luật Giáo dục sửa đổi (năm 2019).

Thứ hai: Ủng hộ việc phân bổ vốn trái phiếu cho giáo dục để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học.

Thứ ba: Xem xét miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là người dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh trung học cơ sở theo lộ trình đến năm 2020.

Theo Dân trí

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cử tri huyện Phú Lộc kiến nghị nhiều vấn đề về dân sinh

Chiều 9/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các ông: Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Phạm Như Hiệp, TUV, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện TW Huế, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri các xã, thị trấn của huyện Phú Lộc trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cử tri huyện Phú Lộc kiến nghị nhiều vấn đề về dân sinh
Phấn đấu đưa Phú Vang trở thành một trong những địa phương đứng đầu về chất lượng Giáo dục - Đào tạo

Ngày 14/8, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi nói chuyện với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện Phú Vang về tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và một số nội dung quan trọng khác.

Phấn đấu đưa Phú Vang trở thành một trong những địa phương đứng đầu về chất lượng Giáo dục - Đào tạo

TIN MỚI

Return to top