ClockThứ Bảy, 30/09/2017 08:39

72 dự án nữa có tổng đầu tư 43.000 tỷ vốn nhà nước nguy cơ "đắp chiếu"

Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra rằng, 12 dự án nghìn tỉ đồng thuộc Bộ Công thương thua lỗ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Dư luận không khỏi sốc khi thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra rằng, 12 dự án nghìn tỉ đồng thuộc Bộ Công Thương thua lỗ chỉ là phần nổi của băng chìm.

Cùng với 12 dự án này, 72 dự án khác với tổng vốn đầu tư gần 43.000 tỉ đồng cũng đang thua lỗ kéo dài, tạm dừng hoạt động, có nguy cơ “đắp chiếu”, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư nhưng không thể làm ra sản phẩm. Ảnh minh họa: VietnamNet

Điều đáng nói là, những con số vừa nêu vẫn chưa phản ánh hết thực trạng lãng phí đầu tư công. Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, cơ quan này mới chỉ nhận được báo cáo của 12 bộ ngành, 37 địa phương, 2 tập đoàn kinh tế, 9 tổng công ty nhà nước.

So với tổng số doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện rà soát, báo cáo mới chiếm hơn 31%. Và nếu như việc rà soát được thực hiện với tất cả các Bộ và địa phương thì những con số kia sẽ như thế nào? Chắc chắn không dừng lại ở những con số trên, mà sẽ còn cao hơn nhiều.  Điều mà dư luận băn khoăn là, nếu chỉ dừng ở việc công bố các dự án thua lỗ thôi thì không ổn. Cần tìm ra giải pháp cho vấn đề và cùng với đó là quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị để xảy ra thua lỗ như thế nào?

Bàn về vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

PV: Thưa Giáo sư Tiến sỹ Đặng Đình Đào, chỉ với hơn 30% số doanh nghiệp nhà nước được rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra được tới 72 dự án với 43.000 tỷ đang thua lỗ kéo dài. Theo ông, với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, nếu rà soát toàn bộ thì con số ấy có thể sẽ  thế nào?

GS Đặng Đình Đào: Rõ ràng trong tình hình sử dụng vốn nhà nước, vốn ngân sách, vốn vay và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nếu rà soát 1 cách tổng thể, nghiêm túc ở tất cả các tỉnh, địa phương, ở các ngành thì con số có thể sẽ còn hơn 72 dự án như thế này.

72 dự án này với tổng vốn thua lỗ 43000 tỷ cùng với 12 siêu dự án của Bộ Công thương nữa cho thấy đây là một bức tranh về hiệu quả hoạt động, hiệu quả của các dự án của ta quá bất cập, quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Đây là vấn đề cần nghiêm túc đánh giá và xử lý một cách nghiêm khắc để có giải pháp trong thời gian tới.

Giáo sư Tiến sỹ Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ảnh: KT

PV: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả, được Bộ KH-ĐT chỉ ra là do năng lực chủ đầu tư yếu kém trong quá trình đề xuất, lập, thẩm định, triển khai và quản lý; công tác lập dự án còn nhiều yếu kém. Nguyên nhân thì đã rõ nhưng theo ông, với thực trạng này, việc giải quyết cần bắt đầu từ đâu?

GS Đặng Đình Đào: Giải quyết bắt đầu từ chính các chủ đầu tư các dự án này và những người thụ hưởng các dự án đấy. Vì hiện nay, không phải ở Trung ương mà ở các địa phương có những dự án phung phí hàng chục tỷ do khi xây dựng xong không vận hành được, không khai thác được phải đóng cửa hoặc xây dựng xong, làm xong thì xuống cấp ngay…

Điều này đã kéo dài nhiều năm ở Việt Nam rồi nên cần có giải pháp cương quyết và mạnh tay, từ Trung ương tới địa phương để xử lý các dự án đấy và dứt khoát phải tìm cho được nguyên nhân để xử lý trách nhiệm của những ai để xảy ra những thất thoát đó. Điều đấy mới là quan trọng.

PV: Có ý kiến hoan nghênh Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố công khai những dự án thua lỗ, nhưng cũng cho rằng đã minh bạch, công khai rồi thì nên làm tiếp các bước nữa là phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cá nhân đã gây ra lãng phí. Nếu không, có người họ sẵn sàng hy sinh đời bố củng cố đời con, chịu kỷ luật, cảnh cáo nhưng ăn đến bao nhiêu đời cũng không hết”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

GS Đặng Đình Đào: Tôi hoàn toàn đồng ý. Khi anh đã công khai được thế đó là một bước đầu cố gắng rồi, nhưng bước tiếp theo là phải làm quyết liệt hơn trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để xảy ra những dự án thua lỗ đó. Cái đó là cái quan trọng chứ không thể để kéo dài.

Hiện nay, chắc không có nước nào mà thất thoát lại lớn như vậy. Cho nên, rõ ràng, việc công bố ấy là một cố gắng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng quan trọng hơn nữa là phải xử lý cho tốt. Phải tìm cho được nguyên nhân và cách khắc phục, chứ không thể để 43.000 tỷ và hàng chục tỷ khác trôi xuống sông được. Lãng phí một cách ghê gớm thế là có tội với dân.

PV: Dư luận cũng ái ngại năng lực quản lý các dự án, từ bộ, ngành, địa phương. Nơi nào nhận được dựu án là lại lập ra ban quản lý, đưa cán bộ của mình vào làm. Họ không có chuyên môn, không có nghiệp vụ và thiếu chuyên nghiệp. Đó là  chưa nói đến vấn đề lợi ích nhóm. Hậu quả là đầu tư công dàn trải, thất thoát, dự án treo, nhà máy đắp chiếu, tiền ngân sách đội nón ra đi, bệnh viện bỏ hoang, chợ xây xong không có ai đến họp. Ngân sách teo tóp, nợ quốc gia, nợ công ngày càng tăng cao. Vấn đề này, theo ông cần được xem xét rốt ráo ra sao?

GS Đặng Đình Đào: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là từ cơ chế xin-cho mà ra cả, cấp phát ngân sách các dự án. Cho nên mới dẫn đến tình trạng này. Thứ hai nữa vẫn là sự vô trách nhiệm của các cơ quan khi phê duyệt quyết định đầu tư dự án từ dưới đến trên.

Thứ ba, khi phát hiện vấn đề cần có biện pháp xử lý ngay, chứ còn để kéo dài cuối cùng là hàng trăm, hàng nghìn tỷ trôi xuống sông mà người dân họ nhìn thấy xót lắm chứ. Nên vấn đề bây giờ không phải là rút kinh nghiệm nữa mà cái này cần xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để để đừng tái diễn những dự án như thế nữa. Phải chấn chỉnh ngay từ dưới lên trên trong vấn đề quản lý vốn, đầu tư vốn, phê duyệt các dự án. Có như vậy mới có thể hạn chế được. Nếu làm không cương quyết thì người dân mất niềm tin đối với Nhà nước, đối với Đảng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Một số dự án thua lỗ kéo dài mà Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa công bố:

Đứng đầu bảng "phong thần" là các dự án nghìn tỉ đồng như: Phóng vệ tinh Vinasat 2 của VNPT, tổng vốn 5.462 tỉ đồng, từ năm 2012 - 2016 lỗ hơn 1.200 tỉ đồng; Nhà máy bột giấy Phương Nam tổng vốn đầu tư 1.487 tỉ đồng, sau điều chỉnh tăng 2,2 lần và hiện đã dừng hoạt động; Bột giấy Thanh Hóa gần 1.700 tỉ đồng hiện cũng đang “trùm mền”…

Các dự án vốn dưới nghìn tỉ có thể kể đến như: Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico của Đồng Nai vốn gần 795 tỉ đồng, gặp khó khăn đang phải thực hiện chuyển giao cho đối tác nước ngoài… Công ty TNHH MTV Hà Thành với dự án khu đô thị Mê Linh vốn hơn 510 tỉ đồng đã tạm dừng, dở dang, chưa hoàn thiện đầu tư. Tổng công ty Thành An triển khai dự án khu nhà ở, thương mại tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội vốn gần 695 tỉ đồng hiện cũng tạm dừng… Đây đều là các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Riêng Vinalines vì vẫn đang “chết dí” với một loạt dự án hạ tầng cảng biển, kho bãi như: cảng quốc tế Vân Phong, kho bãi container Hải Phòng, đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam…

Qua tổng hợp, Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH-ĐT đánh giá các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả do thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Dự án đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài… tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn là chính.

Theo VOV

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Chốt" phương án đầu tư trên 314.000 tỷ đồng xây cao tốc Bắc - Nam

Với phương án được thống nhất, Nhà nước hỗ trợ 41.414 tỷ đồng để đầu tư 467 km trong tổng chiều dài 1.372 km đường cao tốc Bắc - Nam. Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện dự án phải bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, đặc biệt là việc lựa chọn nhà đầu tư.

Chốt phương án đầu tư trên 314 000 tỷ đồng xây cao tốc Bắc - Nam
Bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, lãi hơn 2.800 tỷ đồng

Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, trong 8 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, thu về 5.767 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm đã đạt thặng dư 2.846 tỷ đồng.

Bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, lãi hơn 2 800 tỷ đồng
Thủ tướng: Chống "lợi ích nhóm" khi bán vốn nhà nước

Chiều 29/8, kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, Thủ tướng nêu rõ, phải công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, theo thông lệ thị trường và bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Thủ tướng Chống lợi ích nhóm khi bán vốn nhà nước
Return to top