ClockChủ Nhật, 03/09/2017 13:33

9X & lối đi riêng

TTH - Bằng những con đường, những lựa chọn riêng, nhiều thanh niên thế hệ 9X đang dần khẳng định bản thân trên con đường khởi nghiệp.

Hồ Xuân Sỹ (bên trái) giới thiệu nông sản của Nam Đông

Đưa nông sản về xuôi

Thức dậy khi 4 giờ sáng để đến tận nơi thu mua nông sản của đồng bào dân tộc, rồi lại tất tả chở về xuôi tiêu thụ, hai chàng trai trẻ Mai Quốc Anh (huyện Nam Đông) và Hồ Xuân Sỹ (dân tộc Cơ Tu, xã Hương Sơn, Nam Đông) cùng sinh năm 1990 đang là cầu nối đưa sản vật của núi rừng đến tay người tiêu dùng.

Khi còn nhỏ, theo bố từng bước chân trong rừng để lấy măng, lấy mật, trồng lúa… nên Hồ Xuân Sỹ hiểu được nỗi vất vả của bà con khi nông sản làm ra chẳng ai mua. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, tích lũy được nhiều kiến thức, Hồ Xuân Sỹ càng quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực với mong muốn giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. “Ở quê mình, thu nhập chủ yếu của bà con là từ trồng trọt và chăn nuôi nhưng khi sản phẩm làm ra không biết bán cho ai thì thoát nghèo sao được. Có những vụ dứa, vụ ngô khấp khởi mừng vì năng suất cao, nhưng khi thu hoạch lại bị thương lái ép giá, bà con lại thất thu”, Sỹ chia sẻ.

Nhận thấy quê hương có nguồn nông sản dồi dào nhưng sức tiêu thụ lại rất hạn chế do đường sá xa xôi và chưa được quảng bá rộng rãi, hai thanh niên trẻ đã thành lập kênh phân phối nông sản, đặc sản Nam Đông. Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập, Fanpage: Dacsannamdong đã thu hút hơn 14 nghìn lượt like và có được lượng khách hàng ổn định.

Với Anh và Sỹ, câu chuyện khởi nghiệp và thành công bước đầu từ các đặc sản miền núi như một thành quả của hành trình dài ngược xuôi tìm kiếm sản phẩm chất lượng, ổn định đầu ra cho thị trường. Để có được nguồn hàng là những nông sản sạch, hai chàng trai trẻ không ngại băng rừng, lội suối đi tìm mật ong cùng những người thợ, hay lên tận rẫy để đặt cọc trước những giống lúa ngon. Chỉ một năm sau tích cực quảng bá sản phẩm, hai thanh niên trẻ đã tích lũy được một số vốn và mở được một cơ sở tiêu thụ đặc sản Nam Đông ở TP. Huế cùng nhiều dự định tương lai từ sản vật miền núi Nam Đông để khởi nghiệp, làm giàu.

Thái Văn Tiến (Phong Xuân, Phong Điền) khởi nghiệp từ trang trại gà

Không khó để tìm đến cửa hàng của hai bạn trẻ tại số 29 đường Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế- nơi những sản vật núi rừng, những nông sản do đồng bào làm ra được sắp xếp cẩn thận, gọn gàng. Những gian hàng ngay ngắn chất đầy sản phẩm từ gạo, rượu, măng rừng cho đến ớt A Riu, mật ong… Tất cả đều là đặc sản của núi rừng được Anh và Sỹ thu mua từ đồng bào địa phương. Để mở được cửa hàng như thế này, hai chàng trai trẻ đã bỏ ra số vốn hơn 200 triệu đồng, từ tiền lãi và một phần vay mượn người thân.

Chị Trần Thị Quế Vy, giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế- khách hàng “ruột” của cửa hàng chia sẻ: “Mình là khách quen của Đặc sản Nam Đông từ khi các bạn còn bán hàng trên mạng, giờ mở cửa hàng mình ủng hộ nhiều hơn bởi nhiều lúc muốn mua quả bí, mớ rau mà bắt các bạn ship thì vất vả quá”. Chị Vy cũng nhận xét: “Thứ gì mua ở đây cũng yên tâm về chất lượng và giá cả”.

Chỉ là một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tổng thể về việc kết nối thị trường tiêu thụ ở vùng đồng bào dân tộc với thị trường, nhưng những việc làm của hai bạn trẻ đang giúp bà con có động lực chăn nuôi, sản xuất. Ông Hồ Thiệu (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) bộc bạch: “Tôi chuyên đi lấy măng rừng về bán nhưng đi cả ngày cũng chỉ bán được vài ba chục nghìn đồng do không ai mua. Có Sỹ đi thu mua nông sản, lại không ép giá nên từ nay chúng tôi sẽ cải thiện đất đai trồng thêm nông sản để bán”.

Ông chủ trang trại gà

Theo chân anh Đặng Quang Cảnh, Bí thư xã đoàn Phong Xuân, huyện Phong Điền, chúng tôi đến thăm trang trại gà của anh Thái Văn Tiến (sinh năm 1992) và thật sự ấn tượng với cách thức đầu tư bài bản của thanh niên 9x này.

Mai Quốc Anh (giữa) và Hồ Xuân Sỹ (trái) vào rừng thu mua mật ong

Năm 2012, tốt nghiệp Trường cao đẳng nghề Quang Trung ở TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành điện tử, sau một thời gian lăn lộn làm thuê, Tiến chọn con đường trở về quê hương lập nghiệp.

Với đam mê nuôi gà đá từ nhỏ, tận dụng diện tích vườn có sẵn của gia đình, với số vốn ban đầu 30 triệu đồng của bố mẹ hỗ trợ một phần và vay mượn từ các kênh vay vốn, bạn bè, Tiến quyết định đầu tư nuôi gà thịt.

Mấy lứa đầu chăn nuôi có hiệu quả, Tiến tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, không ngờ đàn gà bị dịch bệnh nên thua lỗ hơn 100 triệu đồng. “Có lúc chán nản, muốn bỏ ngang nhưng xác định đây là cái nghiệp lâu dài nên tôi nhanh chóng xốc lại tinh thần, tiếp tục bám trụ với nghề”- Tiến tâm sự.

Năm 2016, Tiến mạnh dạn chuyển sang mô hình trang trại với tổng diện tích 2.800m2, nhưng lần này mối quan tâm số 1 của anh là con giống. Qua tìm tòi, tham quan học hỏi nhiều mô hình, Tiến chọn giống gà Lượng Huệ (Hải Phòng) làm giống nuôi chính tại trại. Chuồng trại và kỹ thuật nuôi cũng được Tiến tuân thủ theo quy trình kỹ thuật. Tìm đầu ra tiêu thụ cũng là một yếu tố quan trọng quyết định thành công. Tiến chủ động tìm mối nhập gà hoặc nhờ người quen giới thiệu, đến hiện tại cũng tạm ổn định.

Đến nay, tổng đàn gà của Tiến lên đến hơn 5.000 con, bình quân mỗi năm xuất 12.000 con. Với giá bán bình quân 55 nghìn đồng/ ký, mỗi năm trang trại gà mang lại lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng. Tiến hồ hởi khoe với chúng tôi căn nhà xây tại trang trại cũng nhờ nguồn thu từ nuôi gà mà có.

Mai Quốc Anh, Thái Văn Tiến... là những gương mặt thanh niên khởi nghiệp vừa được Tỉnh đoàn tuyên dương. Đó là động lực để những ông chủ trẻ kiên định với con đường mình đã chọn.

Bài, ảnh: Thanh Thảo - Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
“Lửa” từ những trái tim yêu thương

Trong trái tim của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Xã đoàn Phú Gia (Phú Vang) luôn cháy ngọn lửa nhiệt huyết và yêu thương, mang ấm áp đến với những phận đời kém may, xây dựng niềm tin trong lòng người dân trên địa bàn.

“Lửa” từ những trái tim yêu thương
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top