ClockChủ Nhật, 16/12/2018 07:19

"A Kay" xuống phố

TTH - Hơn 10 tuổi đầu, nhiều cô cậu học sinh người dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi đã phải bắt đầu cuộc sống xa gia đình khi vào học ở các trường dân tộc nội trú. Bảy năm sống xa nhà trên hành trình đi tìm con chữ là những câu chuyện vui nhưng cũng không ít thách thức với những “A kay” lần đầu xuống phố.

Học sinh Cơ Tu khát khao đến trường và học giỏiTăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Học bài tại thư viện Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh

“Học cho cả nhà”

Mặt trời bắt đầu tắt dần mà hai mẹ con chị Hồ Thị Lúa ở xã Hương Hữu (Nam Đông) vẫn không dứt nhau ra được. Xa ngái chi cho cam, từ trường đến nhà chỉ chừng 7km, vài ngày chị Lúa lại lên thăm con, nhưng cô bé nhớ nhà, nhớ mẹ nên cứ dùng dằng mãi. Chị Lúa là người dân tộc Cơ tu, không đủ ngôn từ để nói với con những lời hoa mỹ, chỉ biết vỗ về con bé, học chữ sướng lắm, ăn uống điều độ, sau này xuống Huế học thích lắm…

Tôi biết, chị Lúa cũng đấu tranh mãi mới để cho con bé con mới 12 tuổi, một mình đến Trường THCS - Dân tộc nội trú huyện Nam Đông ăn học. Cỡ tuổi của em ở nhà, cũng nhờ được khối việc, nhưng chị không nỡ. Con chị cũng là một trong hàng chục cô bé được chọn vào học để làm hạt giống học sinh giỏi cho huyện. Ngày con đến trường nhập học, chị làm mâm cơm báo với tổ tiên, cũng là mừng cho con thoát cảnh không biết chữ, lấy chồng sớm để rồi cái nghèo bủa vây như chị. Lên Nam Đông vào mùa này, ít bắt gặp học sinh ở các bản làng lên nương, lên rẫy phụ giúp bố mẹ. Chúng cũng có mục tiêu như những đứa trẻ ở thành phố sẽ được vào “trường chuyên’’ để con đường xuống phố học ngày càng gần hơn.

Sau giờ lên lớp

Mỗi năm, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có trên 200 em nộp hồ sơ thi vào trường, nhưng chỉ tiêu khoảng 100 em. Phụ huynh bắt đầu tính toán, nếu con trúng tuyển vào trường, sẽ được Nhà nước nuôi ăn học trong vòng 3 năm. Mỗi tháng, các em được nhận học bổng tầm 1,2 triệu đồng/tháng, trừ tiền ăn hàng ngày, các em cũng còn dư khoảng 200.000 đồng/tháng. Thế nên, gia đình nào khá giả thì hỗ trợ con thêm, còn không với mức học bổng đó, các em tằn tiện cũng đủ trang trải.

Hồ Thị Đông ở xã Thượng Long (Nam Đông), dân tộc Cơ Tu, học lớp 10B2 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. 5 năm sống xa nhà để lên trường dân tộc nội trú học, Đông nhớ nhà, nhiều khi muốn bỏ cuộc. Gặp tôi, em nhìn xa xăm, nhà nghèo lắm, thuộc diện khó khăn của xã, bố mẹ già, đông con, anh chị em lớn lên phải bỏ học giữa chừng, rồi dựng vợ gả chồng khi tuổi đời còn trẻ, công ăn việc làm chưa ổn định. Đông được cái học giỏi, thông minh nên khi được động viên em vào khu nội trú học cả nhà mừng lắm. Ở nhà, Đông là người nhiều chữ nhất, viết cái gì cũng đến tay Đông. Nếu không đi học mấp mé cũng có vài ba đám đến dạm ngõ rồi lại lấy chồng sớm, cuộc sống phải bươn chải khi suốt ngày lên nương, ra suối…Thế nên, bố nói như đinh đóng cột, Đông phải xuống phố học, không chỉ cho Đông mà cho gần chục con người trong gia đình hầu như chỉ mới quen mặt chữ. Những chiều cuối tháng, bố mẹ lại tranh thủ về thăm con, quà quê lúc nào cũng đem đủ để các con mời bạn.

Không chỉ học chữ

Tập quán của đồng bào là sống cộng cư, không thích xa nhà, trong khi các em về Huế sống tập trung trong điều kiện hoàn toàn khác lạ. Mỗi dân tộc lại có những đặc trưng về văn hóa, phong tục khác nhau nên việc giúp các em hòa nhập, học tập gặp không ít khó khăn. Toàn Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có gần 300 em, chủ yếu là dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều… đến từ các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền. Nhiều em lần đầu sống xa nhà nên lo lắng, tiếp thu kiến thức, nhất là kỹ năng sống, giao tiếp còn hạn chế. Những ngày đầu khá vất vả vì đa phần các em sống theo bản năng. Có nhiều em lóng ngóng khi không biết cách giặt áo quần, gấp chăn màn ngăn nắp. Có em bình thường vẫn ra ngoài chơi vui vẻ với các bạn, nhưng cứ đến giờ học là trốn ở phòng, thầy cô bạn bè thuyết phục thế nào cũng không chịu đi học. Có em thì học được vài bữa lại bỏ về nhà hay đau ốm không chịu đến bệnh viện. Nhưng cũng có nhiều em, trong quá trình học tập đã hòa nhập rất tốt, mạnh dạn và nắm bắt công nghệ thông tin khá bài bản.

Mỗi phòng thường bố trí từ 4 đến 6 em với các dân tộc khác nhau. Các em được hướng dẫn từ những điều nhỏ nhất. Từ những cô cậu bé ngại giao tiếp, không biết giải quyết tình huống khi gặp khó khăn thì nay đã cởi mở, mạnh dạn tự tin hơn. Cô bé Nguyễn Thị Xoan, ở xã Hồng Thượng (A Lưới), nhớ lại, ngay từ khi mới nhập trường em đã được giáo dục những kỹ năng tối thiểu như cách chào hỏi, xưng hô, giao tiếp... Phòng học được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, cách hòa mình trong cuộc sống tập thể và nhất là tôn trọng bản sắc của mỗi dân tộc.

Với học sinh dân tộc nội trú, việc giáo dục kỹ năng sống là một quá trình và là sự kết hợp của tất cả tập thể hội đồng cán bộ giáo viên trong nhà trường. Đây là nội dung hết sức quan trọng, giúp học sinh tự tin hơn, ứng xử có văn hóa, ý thức chung sống thân thiện, giải quyết hợp lý các tình huống mâu thuẫn, xung đột. Thầy giáo Trần Quang Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: Trong môi trường nội trú và bán trú, học sinh sẽ không còn sống trong vòng tay của bố mẹ mà phải tự lập hơn. Cuộc sống xa nhà như một xã hội thu nhỏ với nhiều mối quan hệ, có cả niềm vui và những thách thức mà các em phải đối mặt và tự tìm cách giải quyết.

Môi trường tập thể đã giúp các em dân tộc thiểu số rèn luyện tính tự lập, kỷ luật, ngăn nắp và nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Còn trong học tập, con số 99,9% tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT và 80% học sinh đậu đại học là minh chứng cho thấy các em đã vượt lên chính mình. Tôi cũng biết rằng, nhiều cán bộ, giáo viên ở A Lưới hay Nam Đông và cả Phú Lộc, Phong Điền hôm nay, cách đây không lâu họ chính là học sinh của trường. Và, nói như cách nói dân dã, trời đã cho “chộ”, hạt mầm gieo đúng chỗ đã thành quả, nên trái. Đó hẳn là những tấm gương sáng để các em chiếu vào và noi theo.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi

Bỏ ra gần 23 năm sưu tầm, khảo cứu (từ năm 2001), đến cuối năm 2023, nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong cho xuất bản cuốn “Đặc khảo về tết Aza cổ truyền của người Tà Ôi ở Việt Nam” (Nxb Thanh Niên, tháng 11/2023). Sách dày 145 trang, đặc biệt có rất nhiều ảnh tư liệu in màu, minh họa cho các nội dung, nên sách càng tăng tính mỹ thuật và giá trị nghiên cứu.

Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi
Nước sạch về bản

Từ nay, 125 hộ dân, là đồng bào dân tộc Cơ Tu, thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới không còn phải đi bộ nhiều cây số để lấy nước sạch về dùng. Bởi nước sạch do bộ đội Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 92 đã dẫn về tận từng nhà cho bà con.

Nước sạch về bản
A Roàng xa mà gần

A Roàng là xã biên giới của huyện A Lưới, cách trung tâm TP. Huế khoảng 90km. Bà con sinh sống nơi đây chủ yếu là đồng bào Tà Ôi. Nằm dưới chân núi Trường Sơn hùng vĩ, A Roàng xưa nghèo đói, đi lại vô cùng khó khăn, nay lại đang là một điểm đến hấp dẫn với những du khách yêu thích vẻ đẹp mộc mạc của con người, bản làng nơi núi rừng hoang sơ, hay thả mình trong những thác, những hồ giữa đại ngàn.

A Roàng xa mà gần
Tượng gỗ kể chuyện văn hóa Cơ Tu

Những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri, vô giác qua đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, nhà điêu khắc đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vô cùng đặc sắc, độc đáo, chuyển tải nét đẹp văn hóa đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện vùng cao Nam Đông.

Tượng gỗ kể chuyện văn hóa Cơ Tu
Return to top