ClockThứ Tư, 04/05/2016 14:36

A Lưới đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

TTH - Để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn, Huyện ủy A Lưới tập trung đồng bộ các giải pháp nỗ lực lãnh đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phát huy lợi thế

A Lưới có nhiều lợi thế về vùng sinh thái và văn hoá, lịch sử… Vì vậy, trong Nghị quyết của Huyện uỷ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đề ra nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, đưa du lịch, dịch vụ trở thành một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để phát huy tiềm năng này, UBND huyện tích cực phối hợp cùng Ban quản lý Dự án du lịch Mê Kông tỉnh đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng tại các xã Nhâm, Hồng Kim, A Roàng…, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cùng đó, huyện tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Nhờ có chính sách phù hợp, các lĩnh vực dịch vụ, thương mại ở A Lưới phát triển khá mạnh, nhất là dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, vận tải, xăng dầu... Hệ thống các điểm phân phối hàng hóa bán lẻ cũng được phát triển rộng khắp, các dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang trên đà tăng mạnh.

Anh Hồ Văn Lịch ở thôn Diên Mai, xã A Ngo cho hay, từ khi có chủ trương của Đảng uỷ xã về phát triển các ngành nghề TTCN, gia đình anh được tạo điều kiện về vốn vay để mở rộng kinh doanh nghề mộc mỹ nghệ nên làm ăn ngày càng khá hơn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã A Ngo - ông Nguyễn Đức phấn khởi: “Hiện tại, tỷ lệ hộ gia đình ở A Ngo tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ chiếm hơn 30%. Địa phương cũng đã thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, TTCN, xây dựng, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động”.

Đời sống sản xuất tăng cao, nhu cầu giao thương trong khu vực phát triển, người dân ở các xã từng bước khôi phục lại các ngành nghề truyền thống dệt Zeèng, đan lát và chuyển đổi sang làm dịch vụ... góp phần làm tăng tỷ trọng lĩnh vực TTCN và dịch vụ, phù hợp với định hướng phát triển ở địa phương.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Huyện ủy A Lưới đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trên các lĩnh vực, phân công cụ thể đến từng ngành, địa bàn. Nhờ đó, A Lưới đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - TTCN, du lịch, dich vụ và các ngành nghề phát triển khá mạnh trên địa bàn.

Bí thư Huyện uỷ A Lưới Hồ Xuân Trăng khẳng định: Các cấp, ngành, địa phương đã kịp thời cụ thể hoá Nghị quyết của Huyện uỷ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế sát hợp với tình hình thực tế. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đã tập trung những định hướng, các nhiệm vụ, giải pháp then chốt. Đáng chú ý là quá trình lồng ghép thực hiện các dự án, chương trình trọng điểm đã chú trọng phát huy nội lực, huy động tối đa tiềm năng của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Hồ Xuân Trăng, A Lưới sẽ tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2020 theo định hướng tăng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ đạt 24%/năm, công nghiệp – TTCN và xây dựng tăng bình quân 22%/năm, duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp bình quân trên 9%/năm. Huyện sẽ có chủ trương, chính sách kích cầu thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ và tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại... Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp – TTCN, các ngành nghề chế biến nông sản theo hướng sản xuất hàng hoá. Song song, địa phương sẽ chú trọng xây dựng một số vùng kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ như ở Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thái… để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tăng dần lao động phi nông nghiệp ở địa phương.

5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của A Lưới đạt 13,2%. Nông nghiệp chiếm 52,1%, công nghiệp - xây dựng chiếm 36,5% và dịch vụ chiếm 11,4% trong cơ cấu kinh tế.

Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Return to top