ClockThứ Năm, 11/01/2018 06:06

Alpha Books nhận sai sót khi tái bản Hải ngoại kỷ sự

TTH - Đó là câu chuyện xôn xao trong giới làm sách những ngày qua về cuốn sách Hải ngoại kỷ sự của tác giả Thích Đại Sán (1633-1705). Cuốn sách được Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế (tiền thân Đại học Huế) đã quyết định phiên dịch (Hán ngữ sang Việt ngữ) vào năm 1963. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm có mặt trên thị trường, cuốn sách được Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books Joint-Stock Company – gọi tắt là Alpha Books) tái bản và khẳng định bản quyền dịch thuật thuộc về mình.

Cuốn Hải ngoại kỷ sự của tác giả Thích Đại Sán xuất bản năm 1963 bản photo

Sự việc gây bức xúc khiến một số nhà nghiên cứu cũng như Đại học Huế buộc phải lên tiếng. TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, người phát hiện ra sự cố này và chia sẻ lên mạng xã hội. Ngay lập tức nhận được sự đồng tình từ nhiều độc giả cũng như đặt ra câu hỏi: “Tại sao tự do in bán, rồi còn nói nghiêm cấm mọi hình thức copy?”.

Theo tìm hiểu, Hải ngoại kỷ sự được tác giả Thích Đại Sán (một nhà sư Trung Quốc) viết năm 1696 và được linh mục Nguyễn Phương và Hải Tiên Nguyễn Duy Bột phiên dịch từ Hán ngữ sang Việt ngữ vào năm 1963 theo sự tổ chức của Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế. Cuốn sách này là ghi chép về xứ Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam), thời gian ông lưu lại đây từ mùa xuân năm Ất Hợi 1695 đến mùa hạ năm Bính Tý 1696, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu. Cuốn sách còn đề cập các nội dung liên quan chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Và cuốn Hải ngoại kỷ sự của tác giả Thích Đại Sán do Alpha Books phối hợp với NXB Khoa học xã hội tái bản (quí 1/2016) gây tranh cãi trong vấn đề tác quyền, bản quyền

Mới đây cuốn sách này đã được Alpha Books phối hợp với NXB Khoa học xã hội tái bản (quý 1/2016). Điều đáng nói, Alpha Books gần như khẳng định bản quyền cuốn sách thuộc về mình khi lưu ý đến với độc giả: “Không phần nào trong xuất bản phẩm này được phép sao chép hay phát hành dưới bất kỳ hình thức hoặc phương tiện nào mà không có sự cho phép trước bằng văn bản của Công ty cổ phần Sách Alpha”. Cuốn sách cũng không đề rõ dịch giả cụ thể, mà chỉ ghi “Người dịch: Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam”.

Trước việc làm này của Alpha Books, TS Trần Đình Hằng cho rằng có vẻ đang vi phạm vấn đề tác quyền, bản quyền khi đã sao chép y nguyên bản của Viện ĐH Huế phiên dịch, ấn hành năm 1963. Cũng theo TS Hằng, ngoài bản mới tái bản của Alpha Books, trước đó cũng có bản tái bản do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành năm 2016, cũng ghi người dịch là Hải Tiên Nguyễn Duy Bột và Nguyễn Phương, sách đang bán tràn lan trên thị trường.

Về phía Đại học Huế, đại diện đơn vị cho biết đã nắm thông tin và đã nhận được lời xin lỗi ban đầu từ Alpha Books. Ngoài ra, cũng đã yêu cầu cán bộ tìm hiểu, làm rõ thêm các vấn đề liên quan và sẽ thông tin chính thức khi có kết luận.

Trao đổi qua điện thoại, đại diện Alpha Books có trụ sở tại Hà Nội thừa nhận sai sót trong quá trình tái bản cuốn sách Hải ngoại kỷ sự sau phản ứng của TS Trần Đình Hằng. Người này cho biết cuốn này nằm trong bộ sách Góc nhìn sử Việt. Thế nhưng không may trong quá trình biên tập đã gặp một vài sai sót liên quan đến vấn đề bản quyền, và cho rằng sau năm 1975, Viện Đại học Huế bị giải thể, nên khó khăn cho nhiều đơn vị xuất bản về sau trong việc tìm kiếm thông tin bản quyền của các tác phẩm do Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam dịch. “Alpha Books đã thừa nhận sai sót và cho tạm dừng phát hành cuốn sách trên toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, cũng đã liên hệ với phía Đại học Huế và sẽ có buổi làm việc chính thức trong tuần này để thương thảo các vấn đề liên quan đến bản quyền cuốn sách (nếu có)”, đại diện Alpha Books cho hay.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tái bản và phát hành tập sách “Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975”

Nhằm khẳng định vị trí, sự đóng góp của phong trào đô thị Huế, đồng thời ghi nhận công lao to lớn của các tầng lớp Nhân dân Huế trong sự nghiệp đấu tranh đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, tự do, dân chủ, dân sinh (trong đó, có sự đóng góp của các đồng chí, các anh chị đã trực tiếp tham gia phong trào trước đây), Ban Thường vụ Thành ủy Huế khóa X (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã thống nhất biên soạn tập sách “Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975”.

Tái bản và phát hành tập sách “Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975”
Việc khắc phục các sai sót trong xử lý hóa đơn phải đảm bảo quy định

Sau một thời gian triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT), hiện 100% doanh nghiệp và hộ kinh doanh thực hiện theo phương án kê khai đã chuyển đổi thành công từ hóa đơn giấy sang HĐĐT. Cùng với tiện ích mà HĐĐT mang lại, việc xuất hóa đơn sai thông tin cũng khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn. Trước thực tế đó, bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh đã có những trao đổi cùng Báo Thừa Thiên Huế xung quanh việc xử lý các hóa đơn có sai sót.

Việc khắc phục các sai sót trong xử lý hóa đơn phải đảm bảo quy định
Vô mạng, nghe đọc sách

Không hề xa lạ ở Huế bây chừ là hình ảnh những cô cậu trẻ và thậm chí là rất nhiều người lớn tuổi với chiếc smartphone và tai nghe thường trực.

Vô mạng, nghe đọc sách
Lý do khiến sạn sách giáo khoa “lọt cửa” thẩm định

Báo cáo của UB Văn hoá, Giáo dục chỉ ra một số vấn đề: chưa có yêu cầu cụ thể về chất lượng sách trình thẩm định; quy định thực nghiệm chưa rõ thời lượng, quy mô; chưa lấy ý kiến phản hồi rộng rãi.

Lý do khiến sạn sách giáo khoa “lọt cửa” thẩm định
Return to top