ClockThứ Hai, 25/04/2016 14:13

Ám ảnh Bạch Mã...

TTH - Bị ám ảnh đã từ rất lâu, vậy mà, đâu phải đến giữa những năm 1990, tôi mới có dịp đặt chân lên Bạch Mã.

Thời điểm ấy, đường lên núi đang được đầu tư. Chiếc xe hai cầu giúp chúng tôi leo hơn nửa dốc, tính ra cũng đỡ trên chục cây số. Hết đường, tất cả xuống xe ngồi... thở và chờ chị em lai tỉnh sau một chặng dài ngoằn ngoèo dốc đứng. Bầu không khí mát lạnh cộng với cảnh đẹp u tịch chốn rừng già giúp mọi người hồi sức nhanh chóng. Đồ đạc được san sẻ, người mạnh mang nhiều, người yếu vác ít. Tất cả bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi.

Chưa hề có bất kỳ một dịch vụ gì. 139 cái biệt thự có từ thời Pháp thuộc sau mấy thập niên vắng hơi người đều đã đổ nát im lìm ẩn khuất dưới tán rừng xanh. Chúng tôi chọn một bãi đất bằng bên con suối cắt ngang đường để hạ trại. Nhóm lo “nhà cửa”, nhóm lo làm bếp... Bữa cơm chiều giữa chốn núi rừng hôm ấy ngon vô cùng tận. Lòng chợt mênh mang một cảm giác khó tả khi xuất hiện giữa mâm cơm là mấy cành lay ơn, một đĩa rau sống với diếp cá, rau thơm... mà anh em đã kiếm được từ những ngôi biệt thự cũ. Trong thời gian một đêm và non hai ngày trên đỉnh non thiêng Bạch Mã, chúng tôi đã vén mây để lên khám phá Vọng Hải đài, thỏa thuê vùng vẫy trong dòng nước mát lạnh của Ngũ Hồ, chụp hình với ngọn thác Đỗ Quyên hùng vĩ... Đêm lửa trại với chén rượu cay nồng mà chỉ những ai có tiết mục hay mới được... ngửi; với những câu chuyện tiếu lâm, với tiếng guitare bập bùng giữa bao la trời đất có lẽ là đêm không bao giờ quên trong mỗi chúng tôi.

Bạch Mã – “Đà Lạt giữa miền Trung”. Không phát huy, không khai thác thì hoài phí vô kể. Sau này, nghe một số đơn vị, doanh nghiệp quyết định đầu tư, chúng tôi khấp khởi mừng, khấp khởi hy vọng... Nhưng rồi, chỉ sau một vài năm rộn ràng đôi chút, rồi thì du lịch Bạch Mã lại “đìu hiu”-như có tờ báo đã nhận xét. Có đến 2/3 trong số khoảng chục ngôi biệt thự sau đầu tư lại trở về tình trạng đóng cửa, xuống cấp...

Chúng tôi từng có dịp nghỉ qua đêm trên đỉnh Bà Nà-Núi Chúa khi nơi đây mới chỉ có vài cái bungalow mái lợp tôn. Cũng chịu khó băng rừng khám phá suối Nai, thác Tiên... Không cục bộ địa phương, nhưng quả thực, cá nhân tôi cảm thấy không bỏ công. Đường sá có phần cheo leo hiểm trở hơn; cảnh quan, khí hậu, thảm thực vật cũng không thể sánh được với Bạch Mã. Vậy mà Bà Nà đã được đánh thức để bây giờ là một trong những khu du lịch nổi tiếng không chỉ của thành phố Đà Nẵng.

Chúng tôi cũng có dịp được trải nghiệm với cao nguyên Genting của Malaysia. Đầu những năm 1960, với khát vọng và tầm nhìn của Lim Goh Tong, doanh nhân này đã biến vùng rừng núi cách trung tâm Kuala Lumpur 58 km thành một khu phức hợp giải trí tầm cỡ. Vùng rừng núi rộng 6.000 ha và có nhiều nét tương đồng Bạch Mã của Huế nay được mệnh danh là “Thành phố giải trí”, là “Lasvegas của Malaysia”. Lượng du khách đổ đến đây có năm vượt quá con số 18 triệu lượt. Trước đó, ông Lim cũng đã khởi động xây dựng khách sạn ở Genting, song không có khách. Sự chuyển mình của cao nguyên Genting bắt đầu từ việc ông chủ Lim sau nhiều ngày ngẫm nghĩ và “ngộ” rằng, người ta không mặn mà với Genting là bởi lên đó, ngoài ngắm cảnh, tận hưởng khí hậu mát mẻ và...ngủ thì không có gì để mà đốt thời gian nữa cả. Phải chăng đó cũng là “nút thắt” của Bạch Mã hiện thời?

Mới đây, Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG - Mỹ) đã tiến hành thuyết trình lần thứ 3 về quy hoạch tổng thể khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại Bạch Mã. Nhiều đề xuất, ý tưởng của WATG được đánh giá là khoa học, độc đáo, có tính khả thi... Thông tin chưa chính thức mà chúng tôi có được, thì chừng giữa năm nay, WATG sẽ trình quy hoạch lần cuối cùng. Có quy hoạch rồi, tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết tiếp theo và kêu gọi đầu tư. Mọi thứ sẽ tìm cách làm nhanh nhưng quan trọng là  phải có quy hoạch đã. Nếu không thì Bạch Mã sẽ bị “băm nát”-Một cán bộ quản lý là chỗ bạn bè trải lòng với tôi.

Phát triển nhưng phải đảm bảo nguyên tắc làm sao để bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học của Bạch Mã. Đó là thách thức, là cái khó của cả người quy hoạch lẫn nhà quản lý. Nhưng đã đến lúc không thể khoanh tay đứng nhìn mãi. Bạch Mã vốn sẵn như một viên ngọc quý, chỉ còn chờ bàn tay chế tác bậc cao để được phô bày vẻ đẹp gọi mời. Và hình như bàn tay chế tác ấy đã bắt đầu xuất lộ?

HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngắm đỗ quyên trên đỉnh Bạch Mã

Trên đỉnh Bạch Mã quanh năm dịu mát, sắc hoa, màu lá và muôn chim rừng nơi đây luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho những tay săn ảnh và những ai muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ. Qua những góc ảnh của tác giả Trương Vững, Thừa Thiên Huế Cuối tuần mời bạn đọc dạo thăm mùa xuân trên đỉnh Bạch Mã và ngắm những sắc hoa đỗ quyên nhiều màu, lạ mắt.

Ngắm đỗ quyên trên đỉnh Bạch Mã
500 runner tham gia giải chạy “Bạch Mã Mountain Trail 2024”

Hưởng ứng Ngày động, thực vật hoang dã thế giới, sáng 3/3, tại Vườn Quốc gia Bạch Mã diễn ra giải chạy “Bạch Mã Mountain Trail 2024”, với sự tham gia của khoảng 500 runner, chinh phục những cung đường tuyệt đẹp xuyên giữa núi rừng Bạch Mã.

500 runner tham gia giải chạy “Bạch Mã Mountain Trail 2024”
Mưa rơi qua Vọng Hải Đài

Một ngày mùa hè đẫm mưa, tôi đã có mặt trên Vọng Hải Đài. Những cơn mưa xuyên qua không gian từ sâu thẳm trời xanh, đổ xuống thành thác vang lên muôn ngàn giọt ngân nga như tiếng huyền cầm ai đem ra đổ nhạc. Đó là ngày mưa tôi chưa bao giờ được mưa trong đời, khi chỉ kịp trùm vội tấm bạt nilon trắng lên chiếc võng lắc lư giữa rừng già, cuộn chặt mình như con sâu trong tấm võng, căng mắt nhìn ra màn trời trắng xóa thinh không. Cố tìm xem, có giọt mưa nào rơi về từ huyền sử.

Mưa rơi qua Vọng Hải Đài
Mùa sương

Ấy là mùa của những ngày đông chớm heo may, tạnh ráo, nắng nhẹ dần lên và cũng là mùa tràn dâng cảm xúc của những tay máy, tay bút...

Mùa sương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top