ClockThứ Hai, 12/12/2016 14:22

Âm ỉ thực phẩm bẩn

TTH - Liên tiếp những vụ vận chuyển thực phẩm bẩn bị lực lượng tuần tra Công an Thừa Thiên Huế bắt giữ trong thời gian gần đây cho thấy, việc kinh doanh, tiêu thụ loại thực phẩm nguy hiểm này vẫn đang tồn tại âm ỉ trên thị trường; bất chấp sự nghiêm cấm, khuyến cáo của ngành chức năng.

Các loại thực phẩm bẩn bị bắt giữ chủ yếu là nội tạng, thịt, xương, mực khô... đều không có nguồn gốc xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối. Thử hình dung các loại thực phẩm này trót lọt, được các cơ sở chế biến xử lý bằng hóa chất thành sản phẩm như tươi mới rồi tuồn ra thị trường đánh lừa người tiêu dùng? Người ăn phải không chỉ bị nhiễm độc từ thực phẩm quá hạn sử dụng thiu mốc mà còn bị hủy hoại sức khỏe từ hóa chất trong quá trình “làm mới” thực phẩm. Đã rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn gia đình, tập thể. Các nhà khoa học cũng đã khuyến cáo, sử dụng thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nấm mốc; thực phẩm còn tồn dư chất hóa học... ngoài bị ngộ độc cấp tính, lâu dài sẽ phát sinh nhiều căn bệnh nguy hiểm như rối loạn tiêu hóa; viêm loét dạ dày, đường ruột; ảnh hưởng đến tim mạch, ung thư...

Nhiều người cho rằng, việc bắt giữ các lô thực phẩm bẩn vừa qua chỉ là bề nổi của tảng băng. Câu hỏi lớn hiện nay là nguồn gốc của thực phẩm bẩn, ai thu gom, thuê xe vận chuyển và ai là người trực tiếp nhận lô hàng đó? Khi bị bắt giữ, hầu hết các tài xế đều khai rằng, mình chỉ chở thuê... Nên chăng, khi phát hiện, cần tiếp tục theo dõi để truy tìm đối tượng; đồng thời, có biện pháp chế tài với lái xe, chủ phương tiện, bởi chở hàng phi pháp cũng vi phạm pháp luật.

Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đang được Chính phủ và các bộ ngành từ Trung ương đến các địa phương rất quan tâm. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, diễn ra cuối tháng tư vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để bảo đảm an toàn thực phẩm đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất, người đứng đầu các địa phương; đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, quản lý thị trường phải thanh tra, kiểm tra mạnh mẽ hơn từ xử lý hành chính đến hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người dân.

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng đã đem lại kết quả nhất định, tuy nhiên tình trạng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn cứ xảy ra; đòi hỏi có sự đấu tranh quyết liệt hơn, phạm vi không chỉ trên các tuyến đường mà phải mở rộng đến các khu dân cư, cơ sở sản xuất, tại các chợ; kết hợp tuyên truyền vận động để đẩy lùi thực phẩm bẩn; đặc biệt trong dịp cuối năm.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm giã cào, sai tuyến

Ngày 27/3, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác tuần tra phòng, chống tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển ven bờ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm giã cào, sai tuyến

TIN MỚI

Return to top