ClockChủ Nhật, 28/05/2017 09:31

Ăn đêm ở Huế

TTH - Lâu nay đều bảo, đất Cố đô vốn ngủ sớm, chiều vừa tắt nắng, người cũng ít ra đường. Nhưng kỳ thật, những khu ăn uống về đêm vẫn tấp nập người tới lui, đèn thắp đến sáng đêm. Ở nhiều góc của thành Huế, vẫn có những nơi không ngủ như thế.

Bạn ở TP. Hồ Chí Minh ra Huế công tác. Công việc ngập đầu, đến tận khuya mới xong. Bạn than, “Huế về đêm, muốn ăn vài thứ biết tìm ở đâu?”. Ý chừng ám chỉ, người Huế vốn ngủ sớm, đâu thức trắng đêm như Sài thành. Không dưng thấy tự ái. Nửa đêm, tôi tình nguyện làm hướng dẫn viên, đưa bạn vòng vòng khắp phố, để bạn “mở mắt” ít nhiều.

Một quán chè đêm trên đường Trần Hưng Đạo

Huế dạo này đã thức khuya lắm rồi. Không tin, cứ theo chân những “cú đêm” thì biết. Ở khu phố Tây, dường như trắng đêm không ngủ. Muốn chơi có chơi. Muốn ăn có ăn. Đèn đuốc sáng rực, lộng lẫy. Bình dân hơn, phải kể đến những con đường ăn uống lúc nào cũng đông người. Đối diện với bờ bắc chân cầu Trường Tiền là con hẻm nhỏ, đó là con phố ăn khuya có bề dày tên tuổi. Người ta gọi đó là “ngõ vắng xôn xao”. Cái con nhỏ ngắn củn ấy, vậy mà người người vào ra như mắc cửi. Lúc nào cũng vang vang tiếng bát đĩa leng keng. Mùi thức ăn tỏa ra từ những nồi cháo, bún nghi ngút khói, xen ngang những tiếng nói cười, rộn ràng một góc Huế.

Đi sâu vào Thành nội, chẳng phải có con đường Hàn Thuyên cũng trắng đêm không ngủ? Nơi đây bán chỉ độc một món bánh canh, nên ai đó hứng khởi gọi là “phố bánh canh” cũng chẳng ngoa tí nào. Món ăn bình dân này, phù hợp với những người thu nhập thấp, nhưng vẫn gây “nghiện” với khối người. Bánh canh nấu bằng bột mì, bột gạo, bột lọc với da heo, thịt heo, có khi là cá lóc gỡ xương, thêm huyết, chả, nem, trứng cút. Khi ăn rắc thêm tiêu, hành lá cắt nhỏ, ớt xắt lát. Chỉ cần 10 ngàn đồng, bạn có thể ấm bụng .

Bạn tôi kéo ghế ngồi ở quán bánh canh ngay đầu đường, mắt chậm rãi nhìn con phố về khuya, ánh đèn đường hắt bóng lên những ngọn cây. Phố đêm mùa hạ thật yên tĩnh.

Không cần lắng tai, cũng nghe được tiếng gió lào xào lướt qua từng ngọn lá mơn man trên da, tóc. Trời đã khuya, bóng người bán và người ăn cứ hắt dài lặng lẽ trong bóng đêm. Tâm hồn lơ đãng, bạn chậm rãi lột một lọn nem trên bàn rồi bình thản cắn một miếng. Bất chợt, bạn hét thất thanh. Nước mắt nước mũi cứ thế mà trào ra. Bạn liên tục đưa tay quạt lên lưỡi, rồi ngước đôi mắt đẫm nước lên hỏi sao cay vậy. Tôi nhịn cười bảo, “còn chưa lấy miếng ớt ra”. Bạn tiu nghỉu, hóa ra, chọn một chỗ ngồi ít ánh sáng cũng không phải tốt. Nếu không, bạn đã nhìn thấy miếng ớt đỏ rực trên miếng nem kia. Mà “phố bánh canh”, cứ mờ mờ ảo ảo như thế, kiếm một chỗ sáng để ngồi, chẳng phải quá khó sao?

Sau khi dạo chơi, nhiều du khách tìm đến quán ăn khuya để lót dạ

Bên con đường Mai Thúc Loan cách đó chừng vài trăm mét, mùi gà nướng tỏa ra ngào ngạt. Đây là con đường chuyên bán chân gà, cánh gà nướng nổi tiếng ở Huế. Bạn nuốt nước miếng đánh ực. Nhưng ăn thêm nữa thì mập mất. Làm con gái thật khổ. Đến muốn ăn cũng không dám, mà nào phải vì sợ tốn tiền.

Dẫn bạn chạy vòng vòng trên con đường Nguyễn Trãi. Ở đây có quán hột vịt lộn rang me rất đông khách. 12 giờ đêm vẫn còn người xếp hàng chờ ăn. Tôi ở bờ nam, nhưng cũng ráng “hành hạ” bản thân, thỉnh thoảng lại chạy vào đây để thưởng thức. Trứng vịt lộn sau khi chiên giòn, cộng với vị chua chua của nước me, thêm ít hành phi, đậu phụng, rau muống, tạo thành một món chua chua ngọt ngọt vô cùng kích thích vị giác. Ăn đến cành ruột vẫn chưa biết chán.

Nhắc đến chuyện chờ để được ăn, phải tính đến gánh bánh mì dưới chân cầu Trường Tiền. Đêm khuya, bụng đói, mà làm một ổ bánh mì thì thật ấm lòng. Nhưng vẫn phải kiên nhẫn. Người đứng chờ tới lượt rất nhiều. Đôi lúc, phải mất mười lăm đến hai chục phút mới mua được một ổ bánh mì. Nhiều khách mua bánh ngồi ăn tại chỗ, trên chiếc ghế nhựa nho nhỏ. Vừa ăn vừa thưởng thức cảnh đêm ở Huế. Đường phố vắng lặng thật. Sông khuya cũng êm đềm trôi. Mà người ăn hàng đêm vẫn mỏi chân đứng chờ tới lượt.

Không phải mấy chị lao công, mấy anh xe thồ, hay những kẻ chuyên “bay đêm” mới cần chút gì lót dạ giữa khuya vắng. Du khách đến Huế, sau khi ngắm cảnh, dạo chơi, cũng nhập hội “cú đêm”, tìm đến những quán ăn lót dạ. Đường Trần Hưng Đạo thứ gì cũng có. Nào bún, cháo, bánh các loại, rồi hàng chục thứ chè đều có cả. Đi chơi, đi dạo mỏi chân, bụng đói. Chỉ cần dừng chân, “kéo ghế” là bụng ấm liền.

Ở trước mấy ngôi chợ như An Cựu, Bến Ngự, những hàng cháo gà nóng hổi vẫn luôn đợi khách.  Người bán thức trắng đêm, khách cũng vào ra đến tận sáng. Bạn tôi bảo, Huế của mấy năm trước, với Huế bây giờ, sao mà khác xa thế. Chẳng phải người Huế có thói quen ngủ sớm sao? Tôi chỉ biết cười cười. Thì như bạn đã nói, đó là Huế của ngày trước, là Huế xưa rồi. Đã nói, Huế dạo này thức khuya lắm.

Nếu ai không tin, nửa đêm cứ xách xe ra đường là biết.

Bài: LINH CHI - Ảnh: HỒ NGỌC SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Gợi ý 5 trải nghiệm du lịch ở Huế vui quên lối về

Cố đô Huế là điểm đến du lịch mà ai cũng muốn được một lần đặt chân đến. Với sự lãng mạn, thơ mộng và sự nhẹ nhàng Huế đã đi vào thơ ca của rất nhiều tác giả nổi tiếng. Đến Huế bạn có thể khám phá và trải nghiệm đa dạng các hoạt động thú vị và ý nghĩa. Nếu đang có ý định du lịch Huế và chưa hiểu rõ về mảnh đất này hãy cùng Traveloka khám phá 5 hoạt động thú vị nhất ở nơi đây.

Gợi ý 5 trải nghiệm du lịch ở Huế vui quên lối về
Du lịch đường thủy ở Huế: Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ

Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để khai thác du lịch đường thủy. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các dòng sông, cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch. Tiềm năng lớn, nhưng bao nhiêu năm khách vẫn đang đợi chờ những dịch vụ du lịch.

Du lịch đường thủy ở Huế Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ
Ái Tử năm 1572: Nữ nhân thần họ Ngô ở Huế

Khải hoàn, chúa phong thần sông làm Trão trão Linh thu Phổ trạch Tướng hựu Phu nhân, cho lập đền thờ; thưởng công cho Ngô thị và ban hôn, gả cho Phó Đoán sự vệ Thiên Võ là Vũ Doãn Trung.

Ái Tử năm 1572 Nữ nhân thần họ Ngô ở Huế
Cội nguồn Bảo tàng Khải Định ở Huế

Trong chương trình hoạt động của Hội Đô thành Hiếu cổ, chiến lược nghiên cứu và sưu tầm, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa - nghệ thuật Việt Nam rất được chú trọng, Tập san Hội Đô thành Hiếu cổ và Bảo tàng Khải Định là thành tựu điển hình, với sứ mệnh to lớn, giúp Huế sáng tỏ vượt thời gian.

Cội nguồn Bảo tàng Khải Định ở Huế
KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2023)
Hai ngôi trường Bác Hồ từng học ở Huế

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không có nhiều thời gian được học tập tại các trường học. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người theo học tại 4 trường. Đáng nói là, một nửa trong số đó tại Huế: Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc Học.

Hai ngôi trường Bác Hồ từng học ở Huế
Return to top