ClockThứ Tư, 14/09/2016 05:56

“Ẩn họa” phơi lúa trên đường

TTH - Vào vụ gặt hè thu, nhiều người dân mang lúa ra đường để phơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Trong khi nông dân thiếu sân phơi, nhiều HTX đầu tư máy sấy hoạt động không hiệu quả.

Các phương tiện “chen” nhau trên QL 49A do tránh cán lúa

Nguy cơ tai nạn giao thông

Những ngày này, trên tuyến Quốc lộ 49A qua địa bàn xã Phú Dương (huyện Phú Vang), bà con sau khi gặt lúa xong, đang tấp nập mang nông sản ra phơi giữa đường lộ. Đây là tuyến đường huyết mạch nối TP. Huế với huyện Phú Vang cùng cảng biển và nhiều bãi tắm nằm ven biển phục vụ du khách. Tuyến đường Quốc lộ 49A rộng chừng 12m, những hộ dân rải lúa hai bên đường, chiếm khoảng hơn 1/3 diện tích mặt đường, gây khó khăn cho phương tiện qua lại.

Người dân ở Phú Dương cho biết, bà con canh tác cùng khung lịch thời vụ, cùng giống lúa ngắn ngày dành cho vụ hè thu, nên khi gặt, thời gian chênh lệch chỉ vài ngày, vì thế việc phơi sấy cũng diễn ra đồng loạt.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương cho biết: “Toàn xã có 300 ha lúa, gieo đúng khung lịch thời vụ nên các trà lúa đều tiến hành gặt từ ngày 25/8 đến 5/9, chỉ có một số diện tích nhỏ gặt muộn hơn nhưng đến ngày 10/9 phải xong. Nhưng các hộ dân sống ven Quốc lộ 49A, sản xuất nông nghiệp, không có sân phơi, máy sấy nên tràn ra đường”.

Bà Hằng cho biết thêm, để tạo điều kiện sản xuất cho nông dân thôn Dương Nỗ Tây (xã Phú Dương), địa phương cho nông dân mượn sân UBND xã làm nơi phơi lúa. “Trong điều kiện hiện nay, HTX chưa đi vào sản xuất lớn, chưa có máy sấy lúa nên chưa đáp ứng được nhu cầu.”, bà Hằng nói.

Ở một số địa phương như huyện Quảng Điền, Hương Thủy, bà con nông dân sau khi gặt cũng mang lúa ra các tuyến đường giao thông nội đồng phơi vì không có máy sấy, sân phơi nào khác!

Nơi thiếu, nơi không hiệu quả

Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) cho biết: “HTX hàng năm đưa vào sản xuất 290 ha lúa/vụ. Cứ đến mùa gặt, bà con nông dân mang lúa ra các tuyến đường Trưng Nữ Vương, khu quy hoạch Thanh Lam và các tuyến đường nội đồng để phơi. Năm 2000, Tổ chức Phần Lan tài trợ, trang bị cho HTX một máy sấy dùng sức nóng của than, chạy dầu diezen, nhưng ngay từ vụ đầu tiên, bà con đã không “đoái hoài” đến việc sử dụng máy này trong việc sấy lúa sau khi thu hoạch. Đến nay, loại máy này cũng chỉ để “tồn kho””.

“Máy sấy công suất 1 mẻ từ 10-11 tấn lúa, với chi phí 2,2 triệu đồng/mẻ. Trong khi bà con phơi sấy bên ngoài chỉ mất 1 ngày công, gặp nắng to là khô. Từ khi gặt đến khi đưa vào sấy, lấy lúa ra mất 20 tiếng đồng hồ. Nếu thực hiện theo cách này thì khung lịch thời vụ không cho phép, nên người trồng lúa ít lựa chọn”, ông Thạnh, nói.

Nguyên nhân theo ông Châu, diện tích lúa trên địa bàn mỗi vụ chưa lớn sản xuất manh mún, trong khi công suất máy sấy 2,5 tấn lúa sấy trong 7 giờ, nên bà con thường chọn phơi sấy lúa ở những sân phơi có sẵn, tiện lợi và nhanh hơn. Cũng theo ông Châu, để đầu tư quy mô, ngoài sản xuất lúa chất lượng cao, tăng thêm diện tích canh tác, HTX cần đầu tư một máy sấy công nghệ hiện đại hơn trị giá khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Hương Thủy, mới chỉ có HTX NN Thủy Thanh đầu tư loại máy sấy này.

Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX Thủy Thanh cho rằng, đầu tư máy phơi sấy, đánh bóng gạo trị giá trên 300 triệu đồng là một thành công của HTX. Tuy nhiên, máy sấy hiện nay chỉ giải quyết được 5% công suất phơi sấy lúa trên toàn HTX. HTX có hơn 10 ha lúa chất lượng cao (trên tổng số 320 ha lúa toàn HTX đưa vào sản xuất mỗi mùa vụ), hàng năm, đưa vào phơi sấy khoảng 70-80 tấn lúa. Số diện tích lúa còn lại, sau khi thu hoạch, bà con đưa ra các sân của nhà văn hóa thôn, tuyến đường nội đồng để phơi sấy.

“Tình trạng người dân phơi lúa trên Quốc lộ 49A diễn ra nhiều năm nay. Cứ đến mùa vụ, phòng CSGT yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động người dân phơi lúa gọn gàng, hạn chế ảnh hưởng đến trật tự ATGT”, Thượng tá Trần Mạnh Lực, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh (phụ trách tuần tra, kiểm soát giao thông trên Quốc lộ 49A), thông tin.

HÀ NGUYÊN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
An toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn:
Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông nói chung và của “cánh tài xế” là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

TIN MỚI

Return to top