ClockThứ Ba, 23/06/2015 09:32

Ẩn họa xuất khẩu lao động chui ở Ăng-gô-la

TTH - Những ngày gần đây, nhiều thanh niên ở xã Vinh Hà (Phú Vang) đang lao động chui ở Ăng-gô-la liên tục kéo nhau về nước. Cũng từ đây, nhiều ẩn họa từ việc xuất khẩu lao động chui tại xứ người được phơi bày.

Anh Mai Xuân Sự (bên trái) kể về cuộc sống ở Ăng-gô-la

 

Nguy hiểm rập rình

Ông Phan Ngọc Thiền, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hà cho biết, toàn xã có 5 thôn nhưng chỉ có thôn 4, thôn 5 là có thanh niên đi xuất khẩu lao động chui sang Ăng-gô-la. Trong đó, 80% thanh niên sang Ăng-gô-la lao động làm nghề xây dựng, theo con đường xuất khẩu lao động chui có đường dây ở Hà Tĩnh.
Xuất khẩu lao động chui sang Ăng-gô-la gần như trở thành một phong trào tại xã Vinh Hà khi nhiều thanh niên đã sang Ăng-gô-la làm việc với hy vọng thoát nghèo, đổi đời. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều lao động ở xã Vinh Hà sang Ăng-gô-la theo đường dây xuất khẩu lao động chui ở Hà Tĩnh với chi phí từ 6.000 - 6.500USD theo con đường hộ chiếu du lịch.
Mới trở về gần một tuần sau 3 năm bám trụ làm thợ xây dựng tại Ăng-gô-la, anh Tôn Thất Đại (32 tuổi) ở thôn 4, xã Vinh Hà cho biết: “Thấy mấy người trong thôn đi sang Ăng-gô-la làm ăn được nên cũng vay tiền làm thủ tục đi xuất khẩu lao động”.
“Khi đi thì mình làm hộ chiếu du lịch, sang Ăng-gô-la bằng đường hàng không, đến sân bay thì sẽ có người ra đón. Sau đó, mấy người lao động như tôi đều ăn ở tập trung nơi công trường do chủ thầu nhận xây dựng. Do qua Ăng-gô-la không có giấy tờ hợp pháp, hễ đi giữa đường gặp cảnh sát địa phương thì phải trốn, không sẽ bị bắt vào đồn, bị trục xuất về lại Việt Nam. Bên đó cướp bóc nhiều lắm, không cẩn thận là chết như chơi. Có khi dân bản địa mang súng vào tận chỗ mình làm việc để cướp, chống cự là chỉ có nước chết. Một số lao động người Nghệ An, Hà Tĩnh vì chống cự đã bị bắn chết. Có đợt tôi làm nhà cho một người dân Ăng-gô-la ở Thủ đô Luanda thì dân bản địa mang súng vào đe dọa xin tiền, họ lục soát khắp nơi, tìm không thấy tiền nên bỏ đi. May mà trước đó, chúng tôi chỉ mang ít tiền bên người, còn tiền mà chưa gửi về quê được thì đào một lỗ ở công trường để cất giữ. Mà đêm nào nằm ngủ ở chỗ làm cũng nghe có tiếng súng nổ cả, có đêm tôi đếm đến 70 phát súng nổ”.
Không chỉ đối diện với cướp bóc, người lao động chui phải đối diện thời tiết khắc nghiệt ở Ăng-gô-la, khi nhiều lao động mới sang không quen nên dễ mắc bệnh sốt rét, một số đã bị chết vì căn bệnh này. Anh Đại chia sẻ về cuộc sống ở Ăng-gô-la.
Cũng vừa mới trở về quê gần một tuần sau khi bám trụ hơn một năm rưỡi ở Ăng-gô-la làm thợ xây dựng, anh Mai Xuân Sự (29 tuổi) ở thôn 5, xã Vinh Hà cho biết: “Dân mình qua bên Ăng-gô-la lao động chui nhiều lắm. Qua đó đa số là đi làm thợ xây dựng, làm được tiền nhưng nguy hiểm quá, cướp bóc xảy ra liên tục, đôi khi bị dân bản địa đánh đập. Mà bây giờ đồng tiền làm ra ở Ăng-gô-la cũng mất giá, khi đi đổi sang đô la Mỹ. Chi phí gửi về Việt Nam cũng cao hơn trước, gửi 1.000 USD về nước thì phí hết 300 USD. Sang bên đó, một số người không trở về quê được, khi vừa xuống sân bay là bị người ra đón lấy mất hộ chiếu. Lúc mới qua thấy cảnh đó tôi cũng muốn về Việt Nam ngay nhưng cố bám trụ cày cuốc lấy tiền gửi về trả nợ số tiền đi vay khi đi làm thủ tục để sang đây”.
Còng lưng trả nợ
Đa số người lao động sang Ăng-gô-la theo diện xuất khẩu lao động chui ở xã Vinh Hà (Phú Vang) đều phải tốn chi phí làm thủ tục từ 120 – 150 triệu đồng cho đường dây lao động chui. Để có số tiền lớn như vậy, người dân đi vay bà con thân thuộc, một số hộ dân cũng cầm sổ đỏ ở ngân hàng vay tiền cho con cái đi xuất khẩu lao động để mong đổi đời. Nhưng đổi đời chưa thấy, những lao động chui ở Vinh Hà sang Ăng-gô-la phải còng lưng ra làm việc vất vả để kiếm tiền trả nợ, một số người may mắn trả được nợ, tiết kiệm được ít vốn về nước làm ăn.
Không may mắn như những người cùng thôn đi Ăng-gô-la trở về trả được nợ ngân hàng, anh Nguyễn Ngọc Bằng (30 tuổi) ở thôn 4, xã Vinh Hà vừa mới trở về nước đã phải lên Bệnh viện TW Huế đều trị 5 ngày bởi cơn bệnh sốt rét mắc phải ở xứ người.
Bà Nguyễn Thị Hương, mẹ anh Bằng cho biết, thấy con người ta sang bên Ăng-gô-la làm ăn được, nghe mỗi tháng tiền công cũng 30 – 40 triệu đồng, nên tôi cũng mang sổ đỏ đi vay 150 triệu đồng để đưa cho người ta làm thủ tục cho con đi xuất khẩu lao động chui. Nhưng mới sang làm việc được 7 tháng thì mang bệnh sốt rét, chịu không nổi nên quay trở về. Bây giờ mới trả được cho ngân hàng 50 triệu đồng, còn mắc nợ 100 triệu đồng nữa.
“Mấy hôm trước, thằng Bằng cũng đã ra Vinh làm thợ nề để kiếm tiền trả nợ rồi. Vợ chồng nó có con trai mới được mấy tháng tuổi nhưng vợ nó cũng phải gửi cho tui trông giữ để đi may kiếm thêm tiền để trả nợ”, bà Hương nói thêm.
Ông Lê Vĩnh Hiền, cán bộ Văn hóa – Xã hội xã Vinh Hà cho biết, theo con số các trưởng thôn nắm và báo cáo lên thì toàn xã có khoảng 40 – 50 lao động sang Ăng-gô-la làm việc. “Do đây là những lao động đi theo diện lao động gia đình, người đi trước kéo người đi sau nên xã rất khó quản lý. Tôi cũng có nghe những lao động trở về kể là bên đó họ bị cướp, bị bắt, do tình hình ở Ăng-gô-la nhiều biến động nên họ trở về nước nhiều”, ông Hiền nói.
 
 
Võ Ngọc Thạnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau

TIN MỚI

Return to top