ClockThứ Bảy, 06/08/2016 06:50

Ăn món Huế ở Little Saigon

TTH - Sau gần 5 năm sang Mỹ, với nhiều cuộc hò hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp lại hai cô bạn học cùng Trường Nguyễn Huệ sau 20 năm xa cách giữa lòng thành phố Anaheim thuộc bang California (Hoa Kỳ)-nơi có khu kinh tế Sài Gòn thu nhỏ (Little Saigon) vốn nổi tiếng với những món ăn rặt Huế...

Trái cây Việt được bày bán ở khu  Little Saigon

Hai cô bạn đồng hương nhiệt tình làm hướng dẫn viên cho chúng tôi trong một ngày dạo chơi và ăn đồ  Huế tới bến.

Buổi sáng được khởi đầu bằng các món rặt Huế ở quán Vĩ Dạ nằm ở góc Brookhurst. Tôi gọi một tô bún thập cẩm cỡ nhỏ nhưng cũng đầy ự với đầy đủ huyết mềm, chả cua, giò heo, bò gân. Đám trẻ nhỏ đứa thì gọi một mẹt bánh nậm lọc gói với bánh ít chả ram, đứa thì ăn nguyên một khay bánh bèo chén. Có đứa thì tò mò gọi một phần mít trộn xúc bánh tráng cùng với một ly chè đậu ngự. Cô chủ quán là người Huế nên các món ăn cũng đậm đà mùi mắm mùi ruốc đặc trưng, cộng thêm giọng Huế không lẫn vào đâu được nên chúng tôi cứ ngỡ mình đang ăn hàng ở Cồn Hến hay chợ Đông Ba chứ không phải là ở Cali xa xôi. Điều thú vị nhất ở đây là thói quen gọi một bình trà nóng vẫn được nhiều thực khách Việt duy trì sau bữa ăn. Chúng tôi cũng không là ngoại lệ, bởi không dễ duy trì thói quen này nếu như đang sinh sống ở các bang khác chỉ ít người Việt.

Bánh bèo Huế tại ở khu T&K Supermarket

Chợ trái cây tươi nằm trong khu thương mại ABC. Trái cây ở đây được nhập từ Việt Nam sang còn nguyên thùng, người bán chia nhiều món ra từng hộp nhỏ để bán sỉ và lẻ. Nhưng không có nhiều trái cây đặc sản của Huế mà chủ yếu là từ miền Tây. Có lẽ đắt đỏ nhất  là trái sầu riêng hạt lép với giá 50 đô la mỗi quả. Ở đây có mấy quầy nước mía kéo tay  mát lạnh nguyên chất, giá ly lớn là 5 đô la còn ly nhỏ thì 3 đô la. Do trời nắng nên dòng người nối đuôi chờ nhau đến lượt cũng dài như chơi trò rồng rắn lên mây ngày xưa. Ấy vậy mà chẳng ai khó chịu mà có vẻ như vui hơn vì nhờ xếp hàng mà có thêm cơ hội “tám” chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Biết tôi đến từ phương xa nên mọi người cũng ưu tiên cho mua trước khiến tôi thực sự cảm động.

Sau cuộc hàn huyên kéo dài trên bãi cỏ ở  công viên Mile Square Park xanh mát, chúng tôi  kéo nhau vào khu Asian Garden Mall - Phước Lộc Thọ ở 9200 đường Bolsa với điều đặc biệt là con đường trước mặt thương xá được đặt một cái tên thuần Việt: Sài Gòn. Tôi ghé mua ít tôm chua làm quà và đùa nhau rằng người Huế qua Mỹ mua được quà Huế tặng nhau thiệt khó không thua chi đi Mỹ. Dĩ nhiên vẫn còn kịp chụp vài kiểu ảnh trong mấy shop áo dài Huế, mè xửng Thiên Hương và cả chồng nón lá Huế với giá 4 USD mỗi cái. Tôi nghĩ thầm, chẳng biết người ta có đội nón Huế khi đi ô tô không mà người bán đã cất công mang từ Huế sang tận khu chợ xa xôi này.

Trời chạng vạng tối, chúng tôi ghé quán Hỷ ở khu T&K Supermarket cũng nằm trên đường Bolsa (thành phố Westminster). Bữa tối “thịnh soạn” được dọn với các món bánh canh cua kiểu Huế, bánh ram ít, cơm hến và cả bún mắm nêm với mùi nặng đặc trưng mà có lẽ không dễ thực khách Mỹ nào cũng có thể chịu được. Vừa ăn, chúng tôi vừa nói chuyện về những đứa con thế hệ F2 của mình được sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ vẫn có những cái tên Việt Nam như Long, Linh, Phụng, Ngọc...Có lẽ vì có cùng dòng máu Việt  nên chỉ mới một lúc gặp nhau, các cháu đã quấn quýt  như  người thân trong nhà. Chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ chuẩn nghe như khướu hót và trả lời bố mẹ bằng thứ tiếng Việt lơ lớ không dấu. Để chúng có được vốn từ kha khá ấy, những người bạn của tôi đã không quản ngại hàng tuần gửi con đến các lớp học tiếng Việt để chúng được học  ngôn ngữ quê nhà. Đó là cơ hội tốt cho các cháu tiếp xúc với người Việt, văn hoá và ẩm thực Việt.

Với một cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon đông đúc quả thật đã mang đến cho tôi sự tự hào to lớn  bởi để có được một chỗ đứng, để giữ được bản sắc trên đất Mỹ là chuyện không dễ dàng.

Ở Little Saigon mà tôi cứ tưởng mình đang ở TP. Hồ Chí Minh hoa lệ của Việt Nam bởi cả ngày sống ở đây không cần nói một câu tiếng Mỹ và không phải ăn một món ăn nào của Mỹ....

Phan Quốc Vinh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ từ “Món Huế 36 phố phường”

Huế mở rộng đã có 36 phường, xã nên nhiều người nói vui rằng từ nay đặc sản Huế đã có thể gọi là “Món Huế 36 phố phường”. Việc giới thiệu đặc sản truyền thống địa phương tại tuyến phố đi bộ Hoàng thành Huế đã làm cho Huế trở nên nhộn nhịp từ những ngày trước tết.

Nghĩ từ “Món Huế 36 phố phường”
Bánh lọc khởi nghiệp

Khởi nghiệp táo bạo với món bánh lọc truyền thống của bà nội, thương hiệu “Bu’s food” của Nguyễn Duy Vĩ được định giá 6 tỷ đồng. Không chỉ là sản phẩm kinh doanh, món bánh này còn mang lại cho chàng trai 8X người Huế ở Sài thành nhiều bài học kinh doanh...

Bánh lọc khởi nghiệp
Chợ “nói giọng Huế” giữa lòng Sài Gòn

Ở đường Bà Điểm 6, (ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) có ngôi chợ từ đồ ăn Huế đến người bán đều rặt Huế. Lối mua bán nơi thong dong, thủng thẳng tựa như lối sống của những con người sông Hương núi Ngự.

Chợ “nói giọng Huế” giữa lòng Sài Gòn
Biến tấu của món Huế ở Sài Gòn

Trong hành trình “dạo chơi” đến vùng đất mới, những món ăn Huế đã có nhiều biến tấu, pha trộn giữa công thức nấu nguyên bản và việc gia giảm nguyên liệu cho phù hợp với khẩu vị người dân địa phương, tạo nên sự mới lạ, cả về hương vị lẫn hình thức của món ăn.

Biến tấu của món Huế ở Sài Gòn

TIN MỚI

Return to top