ClockThứ Tư, 13/09/2017 06:16

An toàn lưu thông cho ô tô điện

TTH - Theo quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020 loại hình ô tô điện được quy hoạch 12 tuyến cố định, chủ yếu phục vụ khách tham quan du lịch và người dân, sử dụng các loại xe điện cỡ nhỏ (4 chỗ), vừa (7 chỗ) và xe tiêu chuẩn (14 chỗ).

Kết nối các điểm du lịch

Cuối tháng 8, Công ty CP Đầu tư thương mại Hoàng Thành (Công ty Hoàng Thành)  đưa thêm 10 xe điện hoạt động tại 27 điểm ở khu vực bờ nam sông Hương, nâng số phương tiện ô tô điện hoạt động trên địa bàn lên 44 chiếc.

Ô tô điện hoạt động tại bờ bắc sông Hương, TP. Huế

Từ năm 2013, nhằm tạo điều kiện cho du khách tham quan, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cho phép công ty này được sử dụng ô tô động cơ điện chở người ở những khu vực hạn chế.

Ngoài chở khách tham quan trong khu di tích Đại Nội Huế, các ô tô điện cũng được phép đưa đón khách từ di tích này đến Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng, trong đó được lưu thông một số trục đường xung quanh như Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Đặng Thái Thân, Lê Huân...

Ông Trần Hữu Đình Lai, Giám sát điều hành Công ty Hoàng Thành thông tin, hiện bình quân mỗi ngày đội xe ô tô điện nhận đưa đón dao động từ 800-900 lượt khách. Trong đó, 10 xe điện hoạt động tại 27 điểm ở khu vực bờ nam sông Hương, sẽ đưa vào khai thác phục vụ du khách đến các điểm như đàn Nam Giao, lăng Tự Đức, chùa Từ Hiếu, Thiên Mụ, chợ Đông Ba và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan; một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở vùng ven TP. Huế; tham quan mua sắm tại các khu ẩm thực, các làng nghề truyền thống nhằm kết nối các điểm du lịch chính ở trong TP. Huế.

Quản lý chặt việc lưu hành

Theo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh, hiện trên địa bàn có 44 ô tô điện đã đăng ký, đăng kiểm từ năm 2015 cho đến nay, trong đó Công ty Hoàng Thành có 40 xe.

Việc đưa vào hoạt động ô tô điện nhằm kết nối các điểm du lịch của Huế

Các loại xe này hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc, công suất lớn nhất khoảng 3 kW, hệ thống phanh thủy lực; đa số được chở tối đa 8 người (kể cả lái xe), số ít là 4 người và 11 người.

Ông Đào Hữu Long, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh cho biết, về nguyên tắc, loại xe này có kết cấu như ô tô bình thường nhưng sử dụng động cơ điện, thân thiện với môi trường.

Mỗi năm loại xe này phải thực hiện việc kiểm định một lần. Việc kiểm định cũng được tiến hành như ô tô và theo các tiêu chuẩn đã được Bộ GTVT cũng như Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành; không kiểm định về các thông số bảo vệ môi trường bởi sử dụng động cơ điện. “Theo hồ sơ quản lý, đến nay số xe đã được đăng ký, đăng kiểm đều đảm bảo an toàn lưu thông”, ông Long khẳng định.

Ông Nguyễn Huy Cảnh, Giám đốc Công ty Hoàng Thành chia sẻ, việc sử dụng lái xe là nữ giới để phù hợp với môi trường phục vụ khách du lịch. Tất cả các lái xe đều có bằng B2, được đào tạo bài bản.

Dù quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép loại xe này khi tham gia giao thông có tốc độ tối đa là 30 km/giờ, nhưng đối với doanh nghiệp chỉ cho phép chạy với tốc độ 15 km/giờ trong khu vực Đại nội Huế, không sử dụng còi và 25 km/giờ ở các tuyến đường.

“Trên xe có hệ thống cảnh báo tốc độ cho lái xe để họ tuân thủ quy định, nếu trường hợp nào vi phạm chúng tôi áp dụng chế tài xử phạt nội bộ. Đây là loại hình kinh doanh vận tải hành khách du lịch, trên xe có 7-8 hành khách nên chúng tôi luôn ý thức trong việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Mỗi ngày các xe đều được đội ngũ kỹ thuật kiểm tra kỹ càng trước khi hoạt động”, ông Cảnh nói.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và Phương tiện (Sở GTVT) cho biết, hiện 100% ô tô điện đang lưu hành trên địa bàn đều đã được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ theo quy định.

Các ô tô điện đều được gắn thiết bị giám sát hành trình để trung tâm điều khiển biết được tốc độ di chuyển của từng xe và cơ quan chức năng đang triển khai các giải pháp nhằm siết chặt việc quản lý lưu hành đối với loại phương tiện này.

Theo Quyết định số 2011 của UBND tỉnh, đến năm 2020, cần có khoảng 93 phương tiện xe điện. Nhu cầu đầu tư bổ sung phương tiện đến năm 2020 là 75 chiếc; trong đó, giai đoạn 2014 - 2015 là 26 chiếc, giai đoạn 2016-2021 là 49 chiếc. Quyết định trên cũng nêu rõ việc thành lập mới Trung tâm Quản lý điều hành các tuyến giao thông công cộng, các điểm chờ, điểm trung chuyển và quy hoạch làn đường riêng, dành cho giao thông công cộng.

Mục tiêu của quy hoạch này là nhằm phấn đấu nâng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt, xe điện. Người dân và khách du lịch có thêm phương tiện đi lại hiện đại và thuận lợi hơn; góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường và văn minh đô thị trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top