ClockThứ Sáu, 01/06/2018 06:30
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6)

An toàn cho trẻ trước công nghệ số

TTH - Thế giới công nghệ số mang đến tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự an toàn của trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số" nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ, xây dựng môi trường lành mạnh, phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Bệnh nhi đón Tết Thiếu nhi sớmThi vẽ tranh chủ đề "Huế - Thành phố Festival của chúng em"

Thế giới công nghệ số tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ. Ảnh minh họa.

Tác hại từ ipad, điện thoại

Dành tất cả những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con trẻ, ngay khi con trai mới lên 2, chị Diệu Hoa (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) đã mua ipad để con khám phá thế giới xung quanh và học tiếng Anh. Chị Hoa phấn khởi lắm khi chỉ một năm sau, con trai chị đã nhận biết được màu sắc, chữ số và phát âm được tiếng Anh. Bé xíu nhưng cầm ipad, cu cậu sử dụng rất sành sỏi. Tuy vậy, khi đến tuổi đi học mẫu giáo, suốt nhiều tháng liền, cháu khóc không chịu đi học và tuyệt đối không chơi với bạn.

Chị Hoa nhận ra, nguyên nhân là do chiếc ipad khiến con mình không thấy hứng thú với thế giới xung quanh, không muốn giao tiếp với trẻ bằng tuổi. Diệu Hoa kể: “Tìm hiểu về những tác hại của ipad, điện thoại thông minh, tôi tá hỏa khi con tôi cũng có biểu hiện xa lánh bạn bè, một trong những biểu hiện của bệnh tự kỷ. Tôi quyết tâm cai nghiện mạng internet cho con, đưa cháu đi chơi, tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn. May thay, một năm sau thì cháu bắt đầu chơi với bạn. Qua đây, tôi cũng muốn khuyên các bậc phụ huynh tránh cho trẻ nhỏ sử dụng điện thoại thông minh, ipad quá sớm và thường xuyên”.

Công việc bận rộn nên chị Nhật Thu (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) phải bấm bụng cho con dùng điện thoại thông minh để con đỡ phá phách. Đã biết đọc chữ, con trai chị Thu hào hứng khám phá thế giới trên mạng, nhất là kênh youtube. Chị Thu cho biết: “Khi không dùng điện thoại, thấy con vẫn vui chơi bình thường nên tôi yên tâm cái khoản sợ con bị nghiện internet. Vậy nhưng, một thời gian sau, tôi thấy con hay nheo mắt khi đọc sách, đi khám thì nó đã cận đến 4 độ. Bác sĩ khuyến cáo dùng điện thoại nhiều là một trong những nguyên nhân chính, khiến tôi cứ hối hận mãi mình đã làm hại con mà không biết”.

Đó không phải là những trường hợp duy nhất trẻ bị ảnh hưởng do sử dụng internet. Với điều kiện hiện nay, internet trở thành người bạn không thể thiếu với cả người lớn và trẻ em, nhiều trẻ em dễ dàng lên mạng bằng điện thoại hay máy tính bảng của người lớn. Theo thống kê, đến tháng 6/2017, cả nước có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số. Bà Võ Thị Kim Khánh, Phó Trưởng phòng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, con số này ở những vùng thành thị như TP. Huế, thị xã Hương Thủy hay Hương Trà có thể lên đến 90%.

 Cần tạo cho thanh thiếu niên thói quen đọc sách để tiếp cận tri thức, bên cạnh việc sử dụng internet.

Giữ trẻ an toàn

Theo bà Võ Thị Kim Khánh, không thể phủ nhận lợi ích mà công nghệ số mang lại cho mọi người, nó cũng giúp trẻ em tiếp cận các thông tin phục vụ cho việc học tập, kết nối bạn bè, biểu đạt quan điểm của mình một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều thông tin không lành mạnh và độc hại trên mạng có thể tác động đến tâm hồn non nớt của trẻ. Nếu tiếp xúc thường xuyên, trẻ có thể nghiện internet, mạng xã hội, các trò chơi trên mạng và bỏ bê việc học hành. Theo một báo cáo của tổ chức UNICEF, việc sử dụng các kênh internet quá nhiều sẽ tạo ra “văn hóa bedroom”, làm cho trẻ thu mình lại, chỉ thích sống với hình ảnh ở trong không gian đó khiến chúng sống khép kín hơn.

Thực tế cho thấy, sử dụng internet có rất nhiều rủi ro và trẻ em lại càng là đối tượng nguy cơ cao phải đối mặt với các mặt trái của công nghệ số. Khi trẻ quá tập trung vào lướt web, facebook và dành ít thời gian, sự quan tâm đối với những người xung quanh sẽ dẫn đến giảm sự tương tác giữa con người với nhau. Sống trong thế giới ảo, trẻ em xao nhãng những mục tiêu thực của cuộc sống. Thay vì cố gắng để hiện thực hóa ước mơ bằng cách trở thành những tài năng, thì giới trẻ có xu hướng phấn đấu trở thành “ngôi sao trên internet”, “anh hùng bàn phím”… Việc lộ, lọt thông tin cá nhân, bí mật đời tư trên mạng cũng khiến những kẻ xấu dễ lợi dụng. Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột và lừa đảo trẻ em trên mạng cũng gia tăng.

Để bảo vệ an toàn, giữ gìn sự “trong sáng” của trẻ trong thời đại công nghệ số đòi hỏi cả xã hội cũng như gia đình, nhà trường phải cùng hành động, có giải pháp để tạo môi trường mạng an toàn cho trẻ. Trước hết, gia đình, nhà trường trang bị kiến thức, hướng dẫn trẻ các kỹ năng sử dụng internet thông minh, an toàn, bảo vệ bí mật riêng tư cho trẻ; định hướng, lựa chọn những nội dung bổ ích, giá trị và lành mạnh để rèn luyện kiến thức, kỹ năng, sử dụng internet phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo của các em.

Bà Kim Khánh nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cấm trẻ em tiếp cận với thế giới công nghệ số, mà gia đình, nhà trường phải hướng dẫn cho các em kỹ năng chọn lọc thông tin trên mạng cũng như có phương án chặn các thông tin độc hại. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có wifi, bố mẹ phải cài các thiết bị kiểm soát thông tin trong từng nhà. Với lứa tuổi mẫu giáo, phụ huynh phải hạn chế tối đa việc cho các em tiếp cận với điện thoại, ipad, nhất là các trò chơi bạo lực vì sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ”.

Đồng thời, tất cả các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động điểm truy nhập internet và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh. Nếu không có sự phối hợp này sẽ không tạo được môi trường an toàn cho trẻ trên mạng.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn

TIN MỚI

Return to top