ClockChủ Nhật, 26/11/2017 07:30

An toàn không khó

TTH - Sự tàn phá thầm lặng của các loại hóa chất trong thức ăn, đồ uống và cả những nhu yếu phẩm hàng ngày đối với cơ thể con người đã tạo ra sự bất an cho xã hội.

- Tóc chị rụng nhiều quá.

- Ừ, có tuổi rồi. Chẳng có cách chi ngăn được.

- Dạ có chứ, để bọn em “điều trị” cho. Nhưng hơi mất công, đắt tiền một chút nhưng an toàn.

Đó là những lời trao đổi giữa người phụ nữ ngấp nghé tuổi 50 với cô chủ tiệm gội đầu. Cách giữ cho tóc không rụng mà chủ tiệm đưa ra là mỗi lần khách đến gội đầu thì gọi điện trước để người của tiệm nấu nước bồ kết với một số loại lá có khả năng giữ cho tóc không rụng, như: vỏ cam, lá chanh, sả…; hoặc một cách khác là dùng nha đam xoa lên đầu rồi ủ trong vòng 5 đến 10 phút trước khi xả tóc...

Quả là những công thức hấp dẫn, chẳng cần sự đánh giá của cơ quan chức năng nào cũng có thể nhận thấy rất an toàn khi sử dụng. Khó là ở chỗ giá thành “hơi đắt”. Thế nhưng, để sử dụng các nguyên liệu tự nhiên và phục vụ riêng một người thì “đắt” cũng đáng. Vị khách mang niềm vui từ nay đã có cách hạn chế tóc rụng về nhà. Nhưng khi nghĩ đến những nguyên liệu mình sắp sử dụng thay cho các loại dầu gội đầu thì bỗng chị có một tính toán nho nhỏ. Trong sân nhà có cây chanh và mấy bụi nha đam trồng trong chậu, vỏ cam, vỏ bưởi trong nhà thường xuyên có vì các loại trái cây đó là món ăn tráng miệng quen thuộc của gia đình; bồ kết thì chợ nào cũng có bán. Liền lúc đó, chị nhớ lại cách nấu nước gội đầu mà chị vẫn thường nấu khi còn nhỏ, rất quen thuộc, dễ dàng để tự làm. Thế là, lần gội đầu tiếp theo chị thử “tự xử”. Để nước bồ kết đậm đặc nấu khoảng 15 phút, các thao tác còn lại cho đến khi mái tóc sạch khô cũng ít hơn thời gian ra tiệm để được trở thành khách hàng “đặc biệt”. Chị thấy đầu mình nhẹ hơn hẳn, không biết có phải do mọi chuyện đơn giản hơn mình nghĩ hay bởi tại sự khám phá về lợi ích khi được trở lại những hoạt động thường nhật của tuổi thơ.

Sự tàn phá thầm lặng của các loại hóa chất trong thức ăn, đồ uống và cả những nhu yếu phẩm hàng ngày đối với cơ thể con người đã tạo ra sự bất an cho xã hội. Vì thế mà những sản phẩm có gắn thêm các tính từ như “sạch”, “an toàn”, “hữu cơ”, “thiên nhiên”… đang lên ngôi, dù giá của chúng luôn đắt hơn nhiều lần các loại sản phẩm khác. Đơn cử như, cà chua ở các cửa hàng nông sản sạch có giá từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg, trong khi ở chợ giá chỉ từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg; tương tự, giá các loại rau sạch đều cao hơn chợ từ 20% đến 50%... Dựa vào bảng hiệu của cửa hàng, các nhà phân phối luôn có lý do để đội giá đại khái như ý định “bỏ công làm lãi” của cô chủ tiệm gội đầu. Điều này khiến cho sản phẩm sạch khó tiếp cận được với đại đa số khách hàng. Đó là chưa nói đến những cái gọi là sạch, an toàn, hữu cơ… được quảng cáo đa phần chỉ dựa vào bảng hiệu, người tiêu dùng thì ngại không hỏi giấy chứng nhận mà mắt thường thì không phân biệt được đâu là an toàn hay không an toàn… Nhiều người nói liều, “thôi thì chấp nhận mua giá đắt cho yên tâm”.

Song, nếu nghĩ kỹ một chút sẽ thấy, để có cuộc sống an toàn không quá khó mà cũng không phải mất nhiều tiền. Chỉ cần hàng ngày mỗi người tự vận động một tý, bớt ỷ lại vào đồng tiền để tự trồng một vài chậu rau phù hợp với không gian gia đình, tự chăm sóc bản thân… Đôi khi, cái nhận được không chỉ sự an toàn mà còn tìm thấy nhiều niềm vui trong đó.

ĐĂNG VIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Return to top