ClockThứ Năm, 16/02/2017 09:16

An toàn thực phẩm đang ở mức báo động

Theo thống kê được báo cáo tại buổi giám sát, từ 2011 - 2015 cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỷ đồng.

“Các bộ đều nói ban hành văn bản đầy đủ, tiêu chuẩn định mức có cả, kiểm tra thường xuyên, vậy vì sao tình hình an toàn thực phẩm ở rất nhiều địa phương vẫn ở mức báo động, nhiều nơi đã đến "giới hạn đỏ"? Trách nhiệm các bộ thế nào?”. “Các bộ không trả lời được câu hỏi có bao nhiêu % thực phẩm được kiểm soát, thì cơ sở nào để nhận định là sạch hay không?”.

Đây là 2 câu hỏi được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra với các bộ chức năng tại buổi làm việc của đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 diễn ra sáng 15-2.

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội, đa phần các Bộ đều cho rằng chế tài quá nhẹ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề cập đến vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng vừa xảy ra ở Lai Châu khiến 7 người chết và nhiều người phải đi cấp cứu. Bà Tiến cho rằng, vụ việc ở mức độ này phải đưa về xử lý hình sự.

Thừa nhận để tình trạng "báo động đỏ" của an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, trách nhiệm rõ ràng thuộc về ba bộ (Bộ Công Thương, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng “vụ việc nêu trên thì chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm”.

Bà Tiến cũng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến báo động đỏ của an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm, Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi cần phải quan tâm sâu sắc hơn tới điều này chứ "để chết người thì còn nói chuyện gì nữa".

Giai đoạn hiện nay người dân rất hoang mang về chất lượng thực phẩm

Cho rằng cần nhìn tận gốc của vấn đề, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường bày tỏ: Trong tình hình sản xuất nhỏ như hiện nay, cả nước có tới 80 triệu miếng ruộng, thì còn cần phải có thời gian (để chuẩn hóa vấn đề an toàn thực phẩm).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Việt Nam vẫn xuất khẩu nông sản đi 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị 32,1 tỷ USD, với nhiều thị trường khó tính, cho thấy một bức tranh không quá u ám về chất lượng thực phẩm. Con số này cũng là lý do ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương đặt dấu hỏi: Xuất được cho những đối tác rất quan trọng và khó tính như vậy, thì thực phẩm có đến mức mất an toàn như Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhận xét hay không? Theo ông Khánh, qua thực tế giám sát, nếu ở đâu chính quyền địa phương quan tâm sâu sát thì tình hình sẽ rất khác. Do đó, trách nhiệm không chỉ nằm ở ba Bộ Trung ương.

Phản biện ý kiến của các Bộ, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng bản chất những yếu kém trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm không nằm ở chế tài - vì Bộ luật Hình sự có nhiều quy định khá nghiêm khắc; mà nằm ở người được giao thẩm quyền không làm hết trách nhiệm.

“Khi chúng tôi giám sát ở xã, hỏi một số cán bộ thì họ bảo họ biết rõ địa chỉ vi phạm, nhưng không dám xử lý, vì xử thì mai về làng ăn cỗ họ còn ngồi được với ai nữa. Vấn đề là người có thực quyền không làm và cứ trì trệ như thế suốt, phải giải mã việc này nếu không thì tình hình cứ thế thôi” – đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh về nhận định tình hình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng phải nhìn thẳng vào sự thật, không bôi đen cũng không tô hồng, vì chỉ thấy rõ khuyết điểm mới có thể khắc phục được. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại đánh giá ban đầu là tình hình thì báo động, còn chạm ranh giới đỏ thì có nhiều địa phương và một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Hiện nay bao nhiêu phần trăm hàng hoá, sản phẩm đã được kiểm soát chưa được Bộ nào trả lời; và như vậy, chưa có cơ sở nào để khẳng định là sạch hay không; có thể xuất khẩu thì sản phẩm sạch, còn trong nhà thì toàn phải xài những thứ không sạch.

Theo thống kê được báo cáo tại buổi giám sát, từ 2011 - 2015 cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỷ đồng. Kết quả giám sát liên tục từ 2011 - 10/2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người phải nhập viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm. Trong giai đoạn 2011 - 2016 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), do độc tố tự nhiên chiếm 27,9%, do hoá chất chiếm 4,3% và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

Các bộ đều “than” ít kinh phí

Tại phiên làm việc với đoàn giám sát, cả Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đều than kinh phí dành cho an toàn thực phẩm quá thấp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết giai đoạn 2011 - 2016 bộ này được cấp gần 192,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách; nguồn thu được để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý an toàn thực phẩm (phí, lệ phí) là hơn 959 tỷ đồng và hỗ trợ kỹ thuật quốc tế qua 7 dự án ODA của nước ngoài với tổng kinh phí hơn 2.108 tỷ đồng.

Kinh phí Bộ được cấp để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015 chỉ đạt 29,68% kế hoạch. Theo Bộ Y tế, kinh phí cho hoạt động này giai đoạn 2011 - 2015 mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh là 100.000 đồng/người.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm có tổng mức vốn là 4.139 tỷ đồng (giai đoạn 2012 – 2015), nhưng mức thực chi chỉ là 1.251,49 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 30,2% so với tổng mức vốn được phê duyệt.

Theo CAND

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm đã và đang được kiểm tra, nhắc nhở dịp tết. Bên cạnh ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, cơ quan chức năng còn chú trọng nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm cho người kinh doanh, người dân…

Kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Cứu mạng sống với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại thực phẩm quốc tế công bằng và minh bạch, cùng với đó là bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng bằng cách giảm tỷ lệ mắc các bệnh do thực phẩm gây ra.

Cứu mạng sống với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

TIN MỚI

Return to top