ClockThứ Năm, 31/03/2016 09:16

An toàn vệ sinh thực phẩm: Còn nhiều cái vướng

TTH - Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát trên địa bàn TP. Huế để đảm bảo sức khỏe cho người dân là việc làm thường xuyên, song công tác này hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Thanh kiểm tra “ít phạt”?

Mỗi năm, vào các thời điểm Tết Nguyên đán, Festival, kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tháng hành động ATVSTP (từ tháng 4 – tháng 5 hàng năm) đoàn kiểm tra liên ngành thành phố về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tổ chức 3 đợt thanh kiểm tra “định kỳ” các cơ sở kinh doanh ăn uống giải khát. Đoàn có sự tham gia của các ban, ngành thành phố. Trong những đợt thanh kiểm tra ATVSTP vài năm trở lại đây đoàn kiểm tra phát hiện nhiều cơ sở vi phạm qui định về ATVSTP, nhưng “rất hiếm” xử phạt hành chính.

Kiểm tra VSATTP bếp ăn tập thể tại TP Huế

Đơn cử, trong đợt thanh kiểm tra VSATTP Tết Bính Thân 2016, có 11/24 cơ sở vi phạm nhiều lỗi: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) hoặc đã hết hạn, giấy xác nhận đủ sức khỏe, giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP đối với chủ cơ sở và người tham gia sản xuất, chế biến kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát... Ông Lê Phước Cử, cán bộ chuyên trách VSATTP Đội Y tế dự phòng TP Huế cho biết: “Ít năm trở lại đây, trong quá trình thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Huế không xử phạt hành chính. Điều này có nguyên nhân từ việc lập thủ tục xử phạt bằng tiền phải qua nhiều công đoạn và thời gian chờ đến khi có quyết định xử phạt hành chính cũng là lúc đoàn kiểm tra liên ngành đã giải tán...”.

Được biết, quá trình đoàn thanh kiểm tra VSATTP thành lập và tiến hành kiểm tra thường duy trì dưới 30 ngày. Khi kiểm tra phát hiện cơ sở vi phạm thì đoàn phải lập văn bản vi phạm quy định VSATTP và văn bản xử lý hành chính bằng tiền, sau đó trình lên UBND TP Huế để xin ý kiến và ra quyết định xử phạt.

Xử lý chưa mạnh

Theo qui định, hiện mức xử phạt trên 5 triệu đồng cho một trường hợp vi phạm thì phải tham mưu cho UBND TP Huế để ra quyết định xử phạt. Và xử phạt hành chính dưới 5 triệu đồng do UBND phường xử phạt (trước đây mức phạt quy định chuyển cho UBND phường xử phạt là 2 triệu đồng/ 1 trường hợp vi phạm)... Ông Lê Văn Quang, Trưởng phòng Y tế TP Huế, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP cho biết: “Chế tài thì rõ ràng, song đến nay việc xử phạt hành chính các cơ sở kinh doanh ăn uống giải khát cố tình vi phạm VSATTP xem thường sức khỏe người tiêu dùng vẫn còn rất khiêm tốn, chưa đủ sức răn đe”. Được biết, năm 2015, Đoàn thanh kiểm tra VSATTP kiểm tra 356 cơ sở dịch vụ ăn uống giải khát; chợ, bếp ăn trường học. Qua kiểm tra phát hiện 80 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP; nhắc nhở cảnh cáo 80 cơ sở. Đặc biệt, xét nghiệm “thử” chén bát dĩa tại chỗ 385 mẫu, có 108 mẫu không đạt vệ sinh (30%). Ngoài ra, 27/27 đoàn kiểm tra liên ngành của phường cũng được thành lập và tiến hành thanh kiểm tra 801 cơ sở kinh doanh ăn uống giải khát theo phân cấp (không có giấy phép kinh doanh do thành phố cấp, hàng quán rong bạ ven đường, kinh doanh ăn uống giải khát quy mô nhỏ), qua kiểm tra phát hiện 87 cơ sở vi phạm quy định về VSATTP (85 cơ sở cảnh cáo và nhắc nhở, 2 cơ sở phạt tiền) và 714 cơ sở chấp hành tốt. Hiện các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn thiếu các dịch vụ cung cấp nước sạch, hệ thống xử lý chất thải, rác thải, công trình vệ sinh; việc quản lý, kiểm tra gặp không ít khó khăn do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu chế tài xử lý; Một số người trực tiếp chế biến thức ăn thiếu kiến thức và thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Ông Lê Văn Quang cho biết thêm: “Từ khi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đến nay, đoàn chưa xử phạt hành chính trực tiếp, đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát chỉ bị nhắc nhở vì giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh hết hạn, đang làm hồ sơ, hoặc mới bị kiểm tra lần đầu do trước đây chưa phát hiện và còn quá nghèo nên đoàn giơ cao đánh khẽ”.

Hiện ngành y tế TP Huế quản lý 425 cơ sở có giấy phép kinh doanh do thành phố cấp, quy mô nhà hàng quán ăn uống giải khát dưới 200 khách, trong đó 46 bếp ăn tập thể. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát có quy mô hơn 200 khách do các chi cục và Sở Y tế quản lý. Các quán ăn uống nhỏ, thức ăn đường phố dưới 50 khách do UBND phường quản lý. 406/425 cơ sở qua điều tra có giấy phép kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Bài, ảnh: Đức Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top