ClockThứ Ba, 19/06/2018 09:05

Ảnh cũ

TTH - Những tấm ảnh cũ thường gợi nên nhiều cảm xúc. Như tấm ảnh của một cô bạn cùng khóa mới đưa lên facebook về lớp học 12B Trường cấp 2-3 Tam Giang của tôi chụp trước hàng dương liễu trên con đường cát trắng đến trường năm nào. Gần 30 năm rồi nhìn ảnh cũ có phần đã phai màu trên những gương mặt non nớt; những câu thơ vụng dại trong cuốn sổ học trò của tôi lại ùa về: “Tôi bám trên chiếc xe đạp lọc cọc- Rồi phóng nhanh lóc cóc trên đường-Những ngả đường xao xác những hàng dương- Nước mưa lạnh theo tôi vào lớp học...”

Tựa cửa

Đúng rồi những hàng dương dài trên những con đường cát trắng; những hàng dương thầm thì xanh tuổi đến trường; những hàng dương chớm hò hẹn yêu đương để bây chừ xanh hiền hoà trong nỗi nhớ... Và tôi chợt nhận ra rằng màu tuổi hoa niên của những đứa học trò bên kia phá Tam Giang chúng tôi không phải là màu tím rịm của hoa bằng lăng hay sắc đỏ rực của phượng vỹ mà là màu trắng của những con đường cát và sắc xanh rì rào của những rặng dương...

Cái thời đi học của tôi, lên cấp 3, cả xã chỉ có 6 đứa đi học. Xã trên thì chỉ có 3 đứa thôi. Hồi đó nghèo, kinh tế khó khăn, đường sá chưa được bê tông hóa; nên học trò của những xã ở xa trường chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Lớp 9 của tôi có gần 40 đứa, có mấy đứa học giỏi nhưng không theo học cấp 3 vì ba mẹ muốn cho con học nghề dễ kiếm ra tiền hơn. Tôi nhớ câu chuyện của Hiền, cô bạn thân những năm cấp 2 của tôi, rằng vào một buổi trưa khi thấy 6 đứa bạn đạp xe đi học về tự dưng khựng lại mà khóc vì buồn và tủi… Nhớ có lần đi học về, ba tôi đang tiếp một vị khách, tôi vô chào, khách khen học cấp 3 là giỏi; ba cười buồn: “Nó vụng về lắm, không làm chi được thôi thì cố gắng kiếm thêm cái chữ sau ni phấn đầu làm thầy giáo làng”. Năm tôi học lớp 10, mẹ sinh bé Út. Tôi chạy vô phòng của mẹ, mẹ chỉ vô em nói: “Con coi đó mà học, nhỏ như ri mà nặn được lên như con là khó lắm đó!”. Bây chừ thì bé Út cũng đã làm mẹ rồi.

Những năm cấp 3 của tôi gia đình gieo neo khi mẹ mang bệnh qua cả mấy bệnh viện. Có lúc chán và buồn và đã có ý nghĩ muốn xin ba nghỉ học nhưng lại nhớ câu nói của ba nên lại thôi. Nhớ lại cái thời đi học là nhớ những cơn đói cồn cào lại phải gồng mình đạp xe vượt gần 10 cây số từ trường về nhà vào buổi trưa, nhất là những ngày mưa gió hoặc gặp mùa gió Lào nắng rát thổi ngược vào mặt.

Đường qua làng Thế Chí Tây, đoạn đường sáng sủa nhất vùng quê Ngũ Điền của tôi những năm 80- 90 thế kỷ trước. Đoạn đường mà mấy đứa học trò xa từ những vùng quê Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hương đạp xe xuất phát từ nhà khi tờ mờ sáng; đến đây mới hết cảm giác sợ khi trời đã sáng rõ mặt người. Nhà tôi cách trường chừng 8 km, nhà thằng bạn thì cách trường khoảng 15 km. Học trường làng quen rồi, ra khỏi làng cái chi cũng lạ, cái chi cũng ngại. Sợ nhất là những buổi sớm mùa đông mưa dầm gió bấc, trên mưa dưới vũng lầy lênh láng nước cứ co người lại mà đạp xe lạnh và ướt. Rồi những trưa mùa hè đạp xe không tới vì đói và gió Lào thốc vào mặt…

Thằng Vũ ở trọ ngay gần trường cấp 3, mỗi tuần lên nhà một lần vào trưa thứ bảy. Cứ đến sáng thứ hai đầu tuần, mẹ hắn phải dậy thiệt sớm cơm đùm gạo bới kịp cho con đạp xe ra khỏi nhà lúc trời chưa sáng để kịp về nhà trọ trước lúc đến trường. Nhà tôi gần trường hơn, đạp xe đi học hàng ngày; suốt 3 năm cấp 3, mẹ tôi đều đặn dậy sớm, chong đèn nhen bếp để có chén cơm, khi củ khoai cho con ấm bụng trước khi đến trường…

Nhớ nhất là buổi trưa nắng rát mặt từ giã Trường cấp 2-3 Tam Giang, cũng đoạn đường ngang qua làng Thế Chí Tây dưới hai hàng dừa xanh, mấy thằng cong lưng đạp xe ngược gió lên nhà, thằng Vũ nói: “Cố gắng răng mà thi đậu đại học Tân ơi; không thì mi tau khó mà gặp nhau lắm đó!”.

Lại nhớ sau mùa hè năm 1991, những đứa học trò của những miền quê ven phá Tam Giang đã theo đò lên Huế trọ học. Rồi học xong đại học, cao đẳng có đứa trở về quê cũ, có đứa ở lại Huế và có đứa hành phương Nam lập thân dựng nghiệp. Nhìn tấm ảnh những bè bạn của tôi non nớt, ngây thơ đứng trước hàng dương xanh màu ký ức là bao nhiêu kỷ niệm tuổi học trò cứ thế ùa về...

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top