ClockThứ Bảy, 22/07/2017 11:26

Ảnh hưởng do mỏ đá Thượng Long: Đền bù chưa triệt để

TTH - Từ khi mỏ đá Thượng Long đi vào hoạt động, hàng chục hộ đân ở xã Thượng Long (Nam Đông) bức xúc, lo lắng vì ruộng vườn bị lấp, nhà bị nứt nẻ, đường sá hư hỏng nhưng đến nay công tác đền bù vẫn chưa thực hiện triệt để.

Người dân các thôn 5, 6, 7, xã Thượng Quảng phản ánh diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng bởi mỏ đá Thượng Long của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh

Làm nứt nhà dân, sản xuất khó khăn

Mỏ đá Thượng Long được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh vào cuối năm 2015 trên diện tích hơn 2ha, thời gian hoạt động khai thác 3 năm, nhằm mục đích phục vụ cho việc thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, do việc nổ mìn làm đá lấp, thay đổi dòng chảy đã khiến gần 3 ha đất sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân trên địa bàn các thôn 5,6,7 xã Thượng Long tại đồng khe Hiêng bị bồi lấp, xói lở không sản xuất được.

Ông Phạm Văn Mãi (thôn 7) bị bồi lấp 800m2 ruộng gần đồng khe Hiêng, cho biết: “Đối với bà con miền núi diện tích trồng các loại cây lương thực rất quan trọng, quá trình nổ mìn lấy đá đã khiến một lượng lớn đá nhỏ rơi xuống ruộng nương, làm cho bà con không canh tác được, đời sống gặp khó khăn. Đã qua hai vụ lúa rồi, việc đền bù cho người dân vẫn chưa xong”.

Khảo sát phần chân ruộng nằm ngay cạnh mỏ đá cho thấy, một lượng đất đá từ mỏ khai thác trong quá trình nổ mìn đã văng ra xa và bồi lấp một số diện tích ruộng ở đồng khe Hiêng. Đất đá lấp cũng làm thay đổi dòng chảy- vốn là hệ thống thủy lợi tự nhiên phục vụ sản xuất của người dân xã Thượng Long.

Theo thống kê của UBND xã Thượng Long, ngoài bồi lấp ruộng, quá trình nổ mìn khai thác đá cũng làm 4 nhà dân ở thôn 5- cách mỏ đá vài chục mét bị nứt nẻ, hư hỏng đến nay vẫn chưa được thẩm định, đền bù. Ông Hồ Văn Ngừa, một hộ dân nhà bị nứt bức xúc: “Công ty có thông báo thời gian nổ mình vào buổi trưa và buổi chiều. Mỗi lần nổ mìn gây rung lắc nhà, gia đình tui phải đưa bọn nhỏ ra ngoài sân vì sợ sập nhà. Đã gần 2 năm rồi, từ ngày nhà nứt, đã báo với chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đền bù”.

Hoạt động khai thác tại mỏ đá cũng làm tuyến đường liên thôn hơn 1km dẫn qua địa bàn xã Thượng Long bị xuống cấp nghiêm trọng do hoạt động vận chuyển đá của xe cơ giới từ khu mỏ.

"Chây ỳ..."

Dừng hoạt động xả thải đầu nguồn

UBND huyện Nam Đông đã có văn bản  yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh dừng ngay các hoạt động xả thải gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân tại khu vực doanh nghiệp này đang khai thác đá. Theo chính quyền địa phương, do khai thác đá, hiện trên địa bàn xã Thượng Long đang diễn ra tình trạng cá trong hồ nuôi bị chết, nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng do hoạt động xả thải đầu nguồn.

Ông Phạm Văn Mưng, cán bộ địa chính xã Thượng Long cho biết, qua nhiều cuộc làm việc, đến nay Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh mới đồng ý hỗ trợ, đền bù tài sản trên đất của 6 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng quá trình khai thác mỏ đá với số tiền gần 88 triệu đồng. Còn việc hỗ trợ sản xuất lúa, cây hoa màu 2 vụ đông xuân, hè thu 2016-2017, hoàn thổ, cải tạo lại mặt bằng diện tích sản xuất nông nghiệp để sản xuất lâu dài và xác minh, kiểm tra mức độ thiệt hại, bền bù những nhà bị nứt vẫn chưa được triển khai.

“Chính quyền đã nhiều lần gửi văn bản cho Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh cùng cấp trên yêu cầu có buổi làm việc thống nhất phương án, thời gian đền bù hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ dân bị ảnh hưởng từ mỏ đá, không sản xuất được chưa nhận được tiền đền bù hỗ trợ, khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn”, ông Mưng cho biết thêm.

Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin, huyện đã 2 lần nhận được tờ trình của chính quyền xã Thượng Long và 3 lần gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo công ty này khẩn trương triển khai đền bù thiệt hại cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa có phương án đền bù triệt để.

“Rõ ràng, công ty cố ý chây ỳ. Sắp đến chúng tôi sẽ có buổi làm việc lại với đại diện các Sở TN&MT, Công thương và phía đơn vị này để có phương án đền bù, hỗ trợ cụ thể cho người dân. Theo đó, sẽ tính dự toán chi phí sản xuất từng mùa vụ để có con số đền bù cụ thể. Về lâu dài, buộc công ty hoàn thổ, cải tạo mặt bằng để người dân ổn định sản xuất”, ông Phụng khẳng định.

Ông Phụng cho biết thêm, UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh khẩn trương và nghiêm túc thực hiện các nội dung mà công ty đã cam kết với UBND huyện Nam Đông và người dân tại thôn 5,6,7 xã Thượng Long; thực hiện đúng theo giấy phép khai thác và đề án đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 480 tỷ đồng giải phóng mặt bằng mở rộng đường Bà Triệu

Đó là thông tin được lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế chia sẻ vào sáng 26/8 về dự án (DA) nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu dài hơn 920m, với tổng kinh phí đầu tư hơn 540 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 2022-2024.

Hơn 480 tỷ đồng giải phóng mặt bằng mở rộng đường Bà Triệu
Giải quyết đơn của ông Lê Văn Lợi về việc đền bù chưa thỏa đáng:
Ông Lê Văn Lợi được xác nhận không sinh sống tại địa chỉ đất thu hồi

Sau khi Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn của ông Lê Văn Lợi về việc đền bù chưa thỏa đáng tại dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, Kinh thành Huế, phóng viên Báo đã tìm hiểu thực tế, lấy ý kiến từ các hộ dân sống lân cận và chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan...

Ông Lê Văn Lợi được xác nhận không sinh sống tại địa chỉ đất thu hồi
THI CÔNG CAO TỐC CAM LỘ - LA SƠN:
Cần có phương án đền bù cho người dân thôn Đông Thái

Nhiều hộ dân thôn Đông Thái (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) đang đối diện nguy cơ trắng tay, thậm chí đổ nợ do bụi đất trong quá trình thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn, khiến nhiều diện tích keo tràm, thanh trà, cao su... còi cọc, tắc mủ, chết khô.

Cần có phương án đền bù cho người dân thôn Đông Thái
Return to top