ClockThứ Năm, 20/08/2015 11:01

Áp lực cho hoạt động xuất nhập khẩu

TTH - Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gặp khó khăn, đồng thời nỗi lo hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào gây nhiều sức ép cho các doanh nghiệp (DN) Việt.

Áp lực

Có mặt tại Công ty CP Dệt may Huế sau 3 ngày Trung Quốc chính thức phá giá đồng NDT, không khí sản xuất ở các nhà máy may vẫn diễn ra bình thường bởi đa số các đơn hàng xuất khẩu sang Canada, Nhật Bản, Mỹ… Tuy nhiên, lĩnh vực sợi thì đang có dấu hiệu chững lại, do các DN Trung Quốc tạm ngừng nhập hàng, chờ đợi sự giảm giá từ các đối tác xuất khẩu, trong đó có DN Việt Nam. 
Các DN sản xuất sợi chịu áp lực lớn khi Trung Quốc phá giá đồng NDT
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Huế Nguyễn Bá Quang thừa nhận: “Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT gây khó khăn và bất lợi cho các DN xuất khẩu, trong đó lĩnh vực dệt may chịu ảnh hưởng tương đối lớn vì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường này mà còn chịu tác động lớn đến các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, Đài Loan về cạnh tranh giá cả và chất lượng sản phẩm. Đồng NDT tệ giảm trên trường quốc tế cũng đồng nghĩa giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm khá nhiều và các nước này cũng yêu cầu giảm giá đối với sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.”
Nguyên phụ kiện sản xuất bàn ghế nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc đang tăng giá sau khi nước này điều chỉnh giá đồng NDT gây khó khăn cho DN
Theo báo cáo từ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Bình Trị Thiên, trong số 45 DN xuất khẩu hàng hóa thì có 5 DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng KNXK chiếm 1,636 triệu USD, bao gồm các sản phẩm như xơ, sợi dệt các loại; quặng và khoáng sản; hàng dệt may và đồ gỗ. Ngoài ra, có 28 DN nhập khẩu các nguyên phụ liệu, thiết bị từ Trung Quốc với tổng KNNK trên 110 triệu USD, chiếm trên 50% tổng giá trị KNNK của tỉnh.
8 tháng đầu năm nay, Công ty CP Sợi Phú Bài xuất khẩu các sản phẩm xơ, sợi dệt các loại sang thị trường Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trên 640 ngàn USD. Với mức điều chỉnh đồng NDT giảm giá 4,6%, DN này thiệt hại trên 20 ngàn USD. Có thể, con số này chưa phải là lớn, song sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất từ nguyên liệu đầu vào, lương công nhân và các khoản phí khác.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Bài khẳng định: “Nắm bắt tình hình các DN Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc, các đối tác nước ngoài khác cũng tìm cách để giảm giá nên DN không những chịu thiệt hại về chênh lệch giá xuất khẩu, mà nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các nước này cũng tăng cao do áp lực về điều chỉnh đồng NDT”.
 
Thiệt hại thuộc về DN Việt
Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT không chỉ gây khó khăn cho các DN xuất khẩu, mà các DN đang có đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chịu áp lực lớn, khi nhiều DN cung ứng hàng của Trung Quốc điều chỉnh giá bán đối với các loại nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phôi thép…
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty CP Phước Hiệp Thành cho biết: “Việc điều chỉnh giá đồng NDT đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Với kim ngạch nhập khẩu (KNNK) từ đầu năm đến nay 47 ngàn USD, thời gian tới các nhà cung cấp phụ kiện sản xuất bàn ghế nhựa xuất khẩu, trong đó nhiều nhất là phôi sắt đang báo giá sẽ tăng thêm 5%, trong khi không thể tăng giá bán vì hiện có khá nhiều DN sản xuất sản phẩm này. Hơn nữa, lâu nay mặc dù nhập khẩu hàng từ Trung Quốc, song mọi giao dịch giữa hai bên đều sử dụng đồng tiền chung là USD nên việc điều chỉnh đồng NDT giảm 4,6% càng gây bất lợi cho các DN Việt Nam”. 
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, hàng hóa giá rẻ “made in Trung Quốc” sẽ tràn vào thị trường trong nước và tiếp tục gây khó khăn cho các DN.
Ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: “Để giảm áp lực cho các DN xuất nhập khẩu khi đồng NDT điều chỉnh, Bộ Công thương vừa triển khai cuộc họp bàn giải pháp đối phó và giúp cho các DN ổn định sản xuất. Trong đó, trọng tâm là khuyến khích các DN hạn chế nhập khẩu các nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, đồng thời tính toán lại cán cân thanh toán chênh lệch giữa các thị trường để tìm hướng đi đúng và có lợi cho cả hai.”
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top