ClockThứ Năm, 18/01/2018 09:51

APPF-26: Thúc đẩy hợp tác nghị viện khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Dự kiến, nước chủ nhà Việt Nam sẽ đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội- Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á- Thái Bình Dương.

Hôm nay (18/1), thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình sẽ là nơi tụ họp của hơn 350 đại biểu quốc tế đến từ Nghị viện thành viên châu Á- TBD, trong đó có nhiều nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Australia… Các nghị sĩ gặp nhau tại Hà Nội để trao đổi các vấn đề an ninh- chính trị, hợp tác kinh tế- thương mại và văn hóa nhằm đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tổng duyệt chương trình Lễ khai mạc APPF-26. Ảnh: Lê Tuyết

Lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam, hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á- TBD (APPF-26) sẽ là nơi khẳng định vai trò của nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- TBD), phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC vừa diễn tại Đà Nẵng vào cuối năm 2017 vừa qua.

Diễn ra trong bối cảnh chính trị, an ninh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng lớn…, APPF-26 tại Hà Nội sẽ có chủ đề xuyên suốt là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”Đây là diễn đàn mở để các nghị sĩ thảo luận những vấn đề quan trọng, đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân.

Vì một châu Á- TBD hòa bình, ổn định, phát triển bền vững

Mỗi quốc gia, mỗi khu vực sẽ không thể phát triển được nếu như không có hòa bình, ổn định. Vậy, nghị viện các nước thành viên khu vực châu Á- TBD có thể làm gì, hợp tác ra sao để góp phần giải quyết tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, an ninh hàng hải, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và vấn đề người Rohingya ở Myanmar (nhóm sắc tộc không tổ quốc ở Myanmar, đang bị trấn áp và chạy sang Banglades). Những vấn đề chính trị và an ninh khu vực sẽ được thảo luận trong phiên họp toàn thể lần thứ nhất của APPF-26.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp chuẩn bị cho APPF-26. Ảnh Lê Tuyết

Vấn đề phát triển bền vững đã và đang được quan tâm tại rất nhiều diễn đàn đa phương trên thế giới và lần này tiếp tục được nghị viện các nước châu Á- TBD thảo luận. Bền vững trong phát triển nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, bền vững trong thực hiện bình đẳng giới để thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội, bền vững trong việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để họ được tiếp cận tài chính, công nghệ… Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực châu Á- TBD dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, các nghị sĩ sẽ thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua động lập pháp và hoạch định chính sách.

Một châu Á- TBD ổn định và thịnh vượng là mục tiêu mà tất cả các quốc gia thành viên hướng tới. Sự thịnh vượng đó không thể có được nếu như các nước không có sự liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan, phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…Những vấn đề này đã được đặt ra tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 và sẽ tiếp tục là nội dung quan trọng của hội nghị thường niên Diễn đàn liên nghị viện châu Á- TBD lần thứ 26.

Nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam

Trọng thị, hữu nghị, chu đáo, an toàn và tiết kiệm, đáp ứng theo thông lệ quốc tế là phương châm tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam khi đăng APPF-26. Để chuẩn bị cho sự kiện này, trong suốt thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã xúc tiến nhiều hoạt động với sự phối hợp của nhiều bộ, ban ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hội nghị về mặt nội dung, lễ tân hậu cần, an ninh y tế, thông tin tuyên truyền…

Dự kiến, nước chủ nhà Việt Nam tại hội nghị APPF- 26 sẽ đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội- Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á- Thái Bình Dương nhằm đánh dấu 25 năm hình thành và phát triển của APPF45 dự thảo Nghị quyết về các chủ đề trong chương trình nghị sự cũng được các nước chuẩn bị để thông qua tại APPF-26.

Trong đó, nước chủ nhà Việt Nam giới thiệu 6 dự thảo Nghị quyết liên quan đến vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, hợp tác trong khu vực, an ninh lương thực, phát huy các giá trị văn hóa để thúc đẩy du lịch. Bên lề hội nghị, dự kiến sẽ có các hoạt động song phương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa nghị viện các nước thành viên khu vực châu Á- TBD.

Gần 3 năm trước, thủ đô Hà Nội đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho các nghị sĩ đến từ 166 quốc gia trên thế giới khi đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 (IPU132). Tháng 11 năm 2017, Đà Nẵng- thành phố miền Trung xinh đẹp của Việt Nam trở thành điểm hẹn lý tưởng cho các nguyên thủ và quan chức từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Đăng cai APPF-26, nước chủ nhà Việt Nam một lần nữa muốn được thế giới biết đến là một quốc gia năng động và thân thiện, chủ động hội nhập và phát triển, tích cực và trách nhiệm với bạn bè quốc tế.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng: Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày đầu năm 2024, nhất là sau hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Điều này đủ để thấy, Ngân hàng Nhà nước coi đây là giải pháp quan trọng và xuyên suốt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ
Return to top