ClockThứ Ba, 22/09/2015 14:56

“Ba bám, bốn cùng” trên địa bàn chiến lược

TTH - Đứng chân trên địa bàn biên giới huyện vùng cao A Lưới, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92, thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo…
Hỗ trợ bà con phát triển mô hình sản xuất ngô lai. Ảnh: Trần Tình

A Roàng, A Đớt, Hương Lâm, Hương Phong, Đông Sơn là 5 xã trong vùng dự án của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92, đều nằm ở địa bàn vùng biên giới đặc biệt khó khăn của A Lưới. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là chiến trường ác liệt, địa bàn trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, vì vậy hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề. Bên cạnh đó, đa số người dân trong vùng là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng kém phát triển... Đây là những thách thức không nhỏ đối với cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92 trên trận tuyến mới.

Đại tá Võ Thanh Hà, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92 cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ủy, chỉ huy đoàn đã tập trung lãnh đạo, xây dựng đơn vị, tổ chức thành 6 đội công tác, trong đó có 5 đội phụ trách 5 xã về bám cơ sở, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ, giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. 16 năm bám dân, bám bản, bám công việc, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực, nhiều công trình giúp Nhân dân phát triển sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả.
Qua tìm hiểu, trại nuôi bò giống ở Hương Phong của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92 đã cung cấp được trên 200 con bò giống miễn phí cho bà con; trại ươm cây giống 6 ha tại xã Hương Lâm cung cấp cây giống cho 5 xã vùng dự án trồng hơn 785 ha rừng. Các đội sản xuất xây dựng nhiều mô hình điểm trồng lúa nước, trồng ngô lai, nuôi lợn nái, lợn thịt, bò sinh sản để người dân học tập, làm theo... Bên cạnh đó, đơn vị còn xây dựng hệ thống đường giao thông liên thôn dài 5,6 km; khai hoang 54,6 ha đất bàn giao cho người dân đưa vào khai thác có hiệu quả; xây dựng hệ thống nước tự chảy Tam Lanh cung cấp nước sạch cho đơn vị và Nhân dân trên địa bàn; xây dựng nhiều công trình thủy lợi tại các xã A Roàng, Hương Lâm, Đông Sơn... Đáng chú ý nhất, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, đơn vị đã bố trí ổn định, sắp xếp lại dân cư cho 532 hộ dân thuộc 5 xã vùng dự án, tạo nên các bản làng dọc tuyến biên giới, với tổng vốn đầu tư trên 66 tỷ đồng.
Theo chân đại úy Trần Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92, chúng tôi tới nhà anh Viên Xuân Cường, ở thôn AKa1, xã A Roàng – một trong số hộ dân được đơn vị giúp đỡ thoát nghèo vươn lên khá giả. Anh Cường tâm sự: “Trước đây gia đình tôi hết sức khó khăn, hai con còn nhỏ, vợ hay đau ốm lại không có việc làm. Bộ đội Đoàn 92 đã quan tâm, xây tặng cho gia đình tôi ngôi nhà khang trang này vào năm 2012 và hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế hộ. Từ đó đến nay, gia đình làm ăn phát triển, con cái được học hành tiến bộ. Bà con ở đây được bộ đội Đoàn 92 giúp đỡ nhiều lắm!”.
16 năm tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh nơi thung lũng Aso, bằng sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ vượt qua muôn vàn khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92 đã góp phần làm nên diện mạo mới trên mảnh đất vốn phải chịu nhiều bom đạn trong kháng chiến. Đến nay, 5 xã vùng dự án cơ bản đã xóa được nhà tạm, 100% hộ dân đã được sử dụng điện, nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo năm 1999 là 51% đến nay giảm còn 11,17% (theo tiêu chí mới). Các thôn bản đều có nhà sinh hoạt cộng đồng: Đường liên thôn, liên xã được xây dựng cơ bản, giao thông đi lại thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rất nhiều. Đánh giá về những đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã A Đớt nói gọn: Không có Đoàn 92, địa phương không thể có bước phát triển nhanh như hôm nay…
Theo đại tá Võ Thanh Hà, cùng với nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương 5 xã trong vùng dự án chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, củng cố cơ sở chính trị. Các phòng, ban, đội sản xuất của Đoàn bằng các hình thức kết nghĩa, đỡ đầu đã giúp đỡ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ 5 xã trong vùng dự án hoạt động có hiệu quả, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân – dân, góp phần tăng cường thế trận an ninh Nhân dân trên địa bàn ngày càng vững mạnh.
Trần Tình – Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn
Return to top