ClockThứ Năm, 11/07/2019 05:45

Bà giáo dạy thiện nguyện ở tuổi 90

TTH - Vượt qua hoàn cảnh, gần 25 năm làm cô giáo không lương cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo, bà đã tìm thấy niềm vui giữa dòng đời bất tận. Bà tên là Trần Thị Bê, 90 tuổi, ở tại 68/7 đường Điện Biên Phủ, tổ 4, khu vực 2, phường Trường An (TP. Huế).

Ngày cuối năm dẫn con làm thiện nguyện

Bà Trần Thị Bê vẫn ngày đêm dạy chữ cho học sinh trong vùng

Bà là con thứ hai trong một gia đình lao động nghèo có 7 anh em. Bố mất sớm, mẹ một mình tảo tần sớm hôm làm nghề may vá, thêu thùa nuôi đàn con thơ dại. Nhớ lại những tháng ngày xưa, bà  rưng rưng nước mắt: “Khi ba của cô ngã bệnh, cô định nghỉ học nhưng ba không đồng ý. Ba xin cô vào học miễn phí tại ngôi trường ở đường Trần Cao Vân (Huế) bây giờ. Vì thế, cô hiểu và thương học trò nghèo lắm. Khát vọng mở lớp dạy cho các em nghèo được ấp ủ từ năm cô mới 16 tuổi”.

Năm 1970, bà được tuyển vào làm ở ngành bưu điện với công việc đánh máy chữ, đến năm 1985 thì nghỉ việc. 10 năm, bà nấu cơm cho sinh viên nghèo đến trọ học ở Huế. Nhiều sinh viên được bà cưu mang nay đã thành đạt muôn phương, hằng năm đều điện thoại hỏi thăm bà, mỗi lần có dịp ngang qua Huế đã ghé thăm bà bằng tấm lòng biết ơn người mẹ, người bà nhân từ, nặng nghĩa.

Năm 1995, bà bắt đầu mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo. Bà học thêm tiếng Anh, Pháp nên ngoài việc dạy cho các em nhỏ tập đọc, tập viết, làm phép tính, bà còn dạy ngoại ngữ cho học sinh và cả sinh viên, người đã đi làm. Lớp học trong nhà bà ngày nào cũng có học trò. Các cháu nhỏ ở trong khu vực hay ở các nơi xa trên địa bàn thành phố là con của những gia đình lao động nghèo tìm đến lớp học của bà. Đêm đêm, bà vẫn lặng lẽ soạn bài để ngày mai lại lên lớp mang tri thức đến trò nghèo hiếu học.

Lập gia đình nhưng không có con, chồng đã qua đời, bao nhiêu năm qua, một mình bà sống trong ngôi nhà giản dị giữa bà con lối xóm tốt bụng. Bà xem học trò như con, như cháu của mình. Nhìn việc bà làm, cách bà biểu hiện tấm lòng với trẻ nhỏ, mới thấy hết tình yêu thương bao la của bà dành cho học sinh nghèo. Từ những bài học kiến thức, bài học làm người mà bà truyền dạy, nhiều trẻ đã trưởng thành trở thành người tốt, có ích cho xã hội.

Đến lớp học tình thương, tiếng đọc bài rộn rã, tiếng trẻ thơ lao nhao quen thuộc: "Bà ơi chỗ này con chưa hiểu. Bà ơi con làm xong rồi"… Trò nào ngoan, buổi học đó phát biểu bài nhiều, khi ra về bà lại thưởng quà. Trước mỗi buổi học, bà đều chuẩn bị những túi nhỏ đựng vài cái bánh, quả cam thưởng cho các cháu. Tan học, trò hồn nhiên ôm cặp ra về, bà nhìn theo âu yếm rồi lại lặng lẽ xếp sách vở, ghế bàn…

Gần 24 năm mở lớp làm cô giáo không lương cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo, các thế hệ học sinh nơi lớp học nhỏ của bà Bê giờ đã là kỹ sư, bác sĩ thành đạt, có người đã nghỉ hưu… nhưng tất cả đều hướng về bà bằng tấm lòng biết ơn, trân trọng. Lấy công việc dạy học làm niềm vui cho mình, bà cất giữ cẩn thận những bức ảnh của học trò, nâng niu từng tấm danh thiếp, lá thư dù đã ố vàng mà học trò gửi mỗi dịp 20 tháng 11, ngày mồng 8 tháng 3, lễ Tết… Bà bảo, đó là tài sản lớn nhất của đời bà.

Bước qua tuổi 90, tóc đã bạc màu thời gian nhưng lòng bà thì vẫn thắm xanh và vẹn nguyên màu yêu thương. Dạo này, lưng bà còng thêm nhiều, sức khỏe không như trước nhưng đêm đêm bà vẫn thức soạn bài, mỗi nhóm, mỗi cháu là “một giáo án”. Bà bảo: “Nghỉ sao được, chừng nào còn đi lại được, chừng đó bà còn gieo chữ cho học sinh nghèo”.

Gặp bà, nói chuyện, được thấy bà làm việc khiến lòng tôi ấm áp, bình yên. Cuộc sống bộn bề, có bao điều làm ta phải băn khoăn, trăn trở. Đẹp thay, nơi con hẻm nhỏ đường Điện Biên Phủ, TP. Huế, hàng ngày, vẫn có một người phụ nữ nặng lòng với lớp học tình thương, với những trò nghèo hiếu học.

Bài, ảnh: Trần Văn Toản

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 80 trẻ

Ngày 8/4, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast (Tổ chức Interplast, Cộng hòa Liên bang Đức) phẫu thuật miễn phí cho các em nhỏ bị dị tật khe hở môi vòm miệng trong cả nước.

Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 80 trẻ
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
“Nồi cháo yêu thương”

Những phần cháo dù nhỏ, giá trị không lớn, nhưng lại chứa đựng tấm lòng yêu thương của những sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế.

“Nồi cháo yêu thương”

TIN MỚI

Return to top