ClockThứ Tư, 14/09/2016 13:31

Ba mũi đột phá cho khu vực miền núi

TTH - Hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, khai thác các lợi thế ở miền núi luôn được tỉnh quan tâm và ưu tiên nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá cho khu vực miền núi, cần có giải pháp mạnh về đầu tư, hình thành nhân tố “đầu tàu” của từng vùng, từng khu vực và tăng cường sự liên kết.

Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng đang phát triển mạnh ở các huyện miền núi của tỉnh

Khai thác tiềm năng

Trong những năm gần đây, khu vực miền núi của tỉnh và các vùng phụ cận được Nhà nước ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Nổi bật là hệ thống giao thông, như đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới; đường La Sơn – Nam Đông; khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, Hồng Vân (A Lưới); nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49A, các tuyến đường 74, 71 nối A Lưới với các huyện Nam Đông, Phong Điền. Các công trình thủy điện A Lưới có công suất gần 170MW, thủy điện Thượng Lộ (Nam Đông) với tổng mức đầu tư 163 tỷ đồng; nhà máy sản xuất tinh lọc caolin, cơ sở sản xuất công nghiệp -TTCN... đã tác động không nhỏ đến việc thu hút và sử dụng nguồn nhân lực các huyện miền núi này, tạo bước phát triển khá toàn diện, “đánh thức” được các lợi thế vốn có.

Bí thư Huyện uỷ A Lưới - ông Hồ Xuân Trăng, cho biết: Nhờ sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, A Lưới đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - TTCN, du lịch, dịch vụ. Trong 5 năm (2010 – 2015), A Lưới có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 13%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 6.000 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 117 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch tăng từ 11 đến hơn 17%. Các thành phần kinh tế tư nhân chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất của huyện.

Công trình thủy điện A Lưới góp phần thúc đẩy công nghiệp điện

Nhờ có cơ chế, chính sách phù hợp, ngành dịch vụ công nghiệp -TTCN, du lịch, thương mại ở A Lưới đang tăng mạnh về số lượng và chất lượng. Một số khu vực thuộc các xã A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thượng, Phú Vinh nằm trong địa bàn mở rộng đô thị A Lưới cũng được chú trọng đầu tư, tác động tích cực trong việc phát triển của A Lưới, tạo cơ sở tiền đề khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đối với huyện Nam Đông, những năm qua cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm lĩnh vực nông nghiệp. Đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 25,7%, dịch vụ chiếm 30,9% trong GRDP của huyện. Ông Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện ủy Nam Đông cho biết: Với lợi thế và các chính sách cho miền núi, huyện xác định cơ cấu kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 từng bước chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp, TTCN - nông nghiệp để phát huy tốt tiềm năng của địa phương.

Cùng các chính sách đặc thù cho miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt (huyện A Lưới) đến năm 2030, với diện tích hơn 10.000 ha, bao gồm các xã A Đớt, Hương Lâm và một phần của xã A Roàng. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm thương mại - dịch vụ - du lịch - công nghiệp - đô thị và nông, lâm nghiệp. Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng; đồng thời, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch vùng phía Tây của tỉnh, với vai trò là một trong các đầu mối giao thương quan trọng của vùng núi trên tuyến hành lang Đông – Tây của Tiểu vùng sông Mê Kông.

Ba mũi đột phá

Quá trình khai thác tiềm năng của khu vực này trong những năm qua, cho thấy miền núi của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực miền núi, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

A Lưới, Nam Đông… có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia, có nhiều lễ hội truyền thống, văn hóa và có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan đặc trưng nguyên sơ, chưa được khai thác. Nếu được phát huy thì sự tác động của du lịch, thương mại sẽ kích cầu, thúc đẩy nền kinh tế đa dạng, nhiều thành phần ở khu vực miền núi phát triển, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo ngày càng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ở khu vực miền núi của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện các địa phương vẫn chưa có sự gắn kết giữa các vùng, trên cơ sở đó hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp để phát huy lợi thế của từng vùng và hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý đa dạng về ngành nghề và trình độ phát triển, tạo không gian cùng phát triển thống nhất theo quy hoạch.

Theo Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Xuân Bình, trước hết, các cấp, các ngành hữu quan hoàn thiện quy hoạch vùng để làm cơ sở thống nhất quản lý phát triển quy mô toàn bộ nền kinh tế vùng và liên vùng. Sớm xây dựng và thể chế hóa, cơ chế điều phối liên kết vùng và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương trong vùng để phát huy lợi thế và hợp tác phát triển. Bí thư Huyện ủy A Lưới Hồ Xuân Trăng cho rằng: “Riêng A Lưới, cần đầu tư hình thành một khu kinh tế thương mại du lịch tổng hợp, để trở thành cầu nối các vùng kinh tế nội địa như Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc… với tiểu vùng quốc tế nối với nước bạn Lào thông qua khu kinh tế cửa khẩu”.

Đối với toàn vùng miền núi của tỉnh, cần huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển tạo ba mũi đột phá kinh tế cơ bản trong điều kiện mới. Đó là, tập trung phát triển công nghiệp có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, chế biến nông lâm sản, thực phẩm gắn với các sản phẩm địa phương; hình thành và phát triển lĩnh vực thương mại cửa khẩu, mở rộng dịch vụ du lịch đa dạng cho khu vực miền núi.

Trong quan hệ với Lào, A Lưới có 2 cặp cửa khẩu (A Đớt – Tà Vàng và Hồng Vân – Cô Tài). Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt khi đi vào hoạt động, sẽ tạo động lực phát triển mới đối với A Lưới và các vùng phụ cận, thông qua phát triển quan hệ thương mại nhiều hình thức với nước bạn Lào, cũng như kết nối A Lưới với các địa phương trong tỉnh. Đây là cơ hội để đưa các sản phẩm có thế mạnh vùng núi ra nước ngoài, mà trước hết sang thị trường Lào và các nước tiểu vùng sông Mê Kông,

Bài, ảnh: Quốc Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện

Với những chủ trương, giải pháp cụ thể và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, nhiệm vụ huấn luyện năm 2024 được lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh thực hiện thắng lợi với nhiều thành tích nổi bật.

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện
Return to top