ClockThứ Tư, 04/09/2019 09:46

Bạc

TTH - Về hưu chưa được mấy tuần thì nhận thiệp mời đám cưới của một đồng nghiệp. Đang buồn vì chưa quen với nhịp sống thay đổi, lại đã chính thức là “tỉ phú thời gian” nên anh không chút băn khoăn, rủ vợ đúng giờ là thắng bộ trực chỉ “hôn trường” ngay.

Rất nhiều bạn bè đồng nghiệp cùng có mặt tại tiệc cưới. Cũng chào hỏi, cụng ly ồn ào vui vẻ. Anh nhìn quanh, cách anh một bàn là bàn của cánh thanh niên. Toàn là những cô cậu được nhận vào cơ quan công tác cách đây vài năm. Anh không phải là sếp siếc gì ghê gớm, chỉ là cán bộ lâu năm, kinh nghiệm nghiệp vụ thuộc hàng tinh thông. Các cô cậu này bước chân vào cơ quan hôm trước hôm sau đã đánh hơi sấn vào “chú chú cháu cháu” làm quen để mong được bày vẽ. Anh rộng lòng, có chi bày hết. Chúng đều như con cháu, lại chỉ tốt cho việc công, hẹp hòi làm gì? Những cuộc giao lưu tiệc tùng, anh ớn nhất là “đối tượng” này. Hết đứa này đến đứa khác tranh nhau đến chào, đến chúc, “nhiệt tình”, “thân thương” đến mức không thể nào từ chối. Sức ông già đọ với thanh niên sao nổi, vậy là có hôm, anh phải… bò mới  về được tới nhà. Hôm nay lại… chạm mặt “đối tượng” rồi, anh bụng bảo dạ, lo không biết nên “ứng chiến” hay tìm kế hoãn binh…

Nhưng rồi… Đã không có điều gì xảy ra hết. Lũ nhóc lần lượt bưng ly đi chào, đi cụng, nhưng toàn đến chỗ các sếp đương chức. Ngang qua bàn anh, chủng lảng đi, vờ như không thấy. Một đứa, hai đứa… có thể do quá đông, chúng không nhìn thấy thật. Nhưng ba, bốn rồi năm… tất cả đều lướt qua. Từ chỗ đang lo “đối phó” anh chuyển sang hụt hẫng. Không phải là sếp, nên anh không hề và không thể la mắng, phê bình chúng lúc đang còn làm việc; không có quyền ban hành nội quy, quy chế gì khiến cho chúng cảm thấy bị o ép, ức chế. Càng không có cửa để “ngửa tay” khi nhận chúng vào. Thỉnh thoảng đi chơi với nhau thì đều chơi theo “kiểu tây”, nghĩa là chia đều nhau mà góp, không bao giờ anh lấy cái thế của người đi trước để ngồi “lơ đễnh xỉa răng” khi thanh toán. Công việc thì bí cái gì đến hỏi chưa bao giờ anh chối từ một đứa nào cả. Cách đây mới mấy tuần còn chú chú cháu cháu ngọt lịm, bây giờ… Sao lại thế?!! Anh ngẫm ngợi mà không thể lý giải. Nhấc ly bia trước mặt, anh ngửa cổ làm một hơi. Sao mà thấy nhạt thếch.

Chị vợ ngồi bên dường như dọc được cảm xúc của anh, nhẹ nhàng an ủi: “Đừng buồn chi, nhọc! Đời thường bạc mà. Vui mà sống, chồng à!”. Ừ, suy cho cùng thì có gì đâu mà buồn. Không đến chào thì càng đỡ mệt. Sống chân tình thì sẽ gặp chân tình, sống bạc bẽo thì rồi sẽ gặp bạc bẽo. Cuộc đời sẽ rất sòng phẳng. Anh quay sang nhìn vợ, mỉm cười. Vợ anh nháy mắt, nâng ly. Anh lại ngửa cổ làm một hơi. Thấy nhẹ tênh, khoan khoái trong lòng…

Hàn Yên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gia đình 4 đời làm nghề gương tráng bạc và vẽ tranh gương

Bên cạnh tranh làng Sình được vẽ trên chất liệu giấy, tranh trên gương (kính) cũng là một trong dòng tranh dân gian nổi tiếng của Huế. Tuy xuất hiện khá muộn, khoảng cuối thể kỷ XIX đầu thể kỷ XX, nhưng tranh gương đã ghi dấu ấn trong đời sống nghệ thuật và tín ngưỡng của người Huế.

Gia đình 4 đời làm nghề gương tráng bạc và vẽ tranh gương
Đòi nợ kiểu… ba trợn

Cả buổi sáng công việc căng thẳng. Cơm trưa xong, tôi ngả lưng tranh thủ chợp mắt chút để lấy lại năng lượng chiều còn “cày cuốc”.

Đòi nợ kiểu… ba trợn
Nên sửa

Tấm biển báo khá đẹp và trang trọng dựng đầu kiệt 175 Phan Bội Châu (phường Trường An- TP. Huế) chỉ lối vào Lăng mộ tổ nghề Kim hoàn - Di tích Quốc gia. Nhưng ngay dưới chân cột biển báo là… rác (ảnh).

Nên sửa
Không chấn chỉnh sẽ thành bãi tập kết rác

Buổi sáng đi thể dục, tôi vẫn thường qua con đường chạy men sau lưng Tổ đình Từ Hiếu, rẽ ngang trước mặt lăng Chiêu Nghi, đổ về đường Thanh Hải nối ra Điện Biên Phủ. Đường tuy chưa có tên, nhưng rất rộng và được đổ bê tông ngon lành. Lưu lượng giao thông không cao, nhưng lại là tuyến đường mà hàng ngày dân guide vẫn thường chọn để dẫn các đoàn khách du lịch nước ngoài khám phá Huế bằng xe máy.

Không chấn chỉnh sẽ thành bãi tập kết rác
Return to top