ClockThứ Ba, 30/08/2016 09:38

Bác sĩ bệnh viện công ồ ạt nghỉ việc: Tiền chưa phải là lý do chính

Trước thực trạng nhiều bác sĩ bỏ công sang tư, bỏ quê về phố, nhiều tỉnh đã có các chính sách thu hút nhân lực “đắt tiền”. Tuy nhiên, tiền chưa phải là lý do chính.

Xu thế tất yếu?

Nhận định về tình hình bác sĩ công ồ ạt bỏ việc, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T. Ư) cho biết, bác sĩ ra đi không phải vì thu nhập cao mà là “muốn có thu nhập cao một cách chân chính”.

Theo bác sĩ Cấp, bác sĩ ở bệnh viện (BV) công không phải không có cơ hội thu nhập cao. Họ có nhiều cách để tăng thu nhập cho mình như làm thêm giờ, mổ thêm ca, ăn tiền hoa hồng, nhận phong bì… “Nhưng đó là những thu nhập không chính thức, không công khai. Còn các BV tư trả công theo năng lực, các bác sĩ giỏi có thu nhập cao một cách chân chính” – bác sĩ Cấp cho biết.

Bệnh viện Đa khoa Lào Cai đang có hiện tượng bác sĩ “bỏ quê về phố”. Ảnh chụp tại BV Lào Cai. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng nhận định, việc bác sĩ chuyển công tác để tìm cơ hội có thu nhập cao hơn cùng là xu hướng của nhiều ngành nghề khác, không có gì cá biệt.

Theo ông Quang, các bác sĩ BV công, nhất là tuyến T. Ư chịu rất nhiều áp lực khi bệnh nhân quá đông, điều kiện cơ sở vật chất còn cũ kỹ, chật chội, người bệnh đòi hỏi ngày càng cao, dễ xảy ra sai sót. Còn bác sĩ BV huyện lại vắng bệnh nhân, không có điều kiện nâng cao tay nghề, thu nhập thấp… “Nếu họ tìm được nơi làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn thì việc ra đi là tất yếu. Một bác sĩ muốn khám chữa bệnh được phải học hành 9-10 năm nhưng lại lĩnh lương theo hệ số “cơ bản” như người học 4 năm thì không tương xứng. Do đó, các BV công cần có cơ chế để giữ chân các bác sĩ giỏi” .

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, một bác sĩ học đại học hết 6 năm, để hành nghề được lại tiếp tục học 4-6 năm nữa. Chi phí đào tạo, chi phí “tuổi xuân” là rất lớn. Còn để hành nghề tốt, các bác sĩ phải thường xuyên cập nhật thông tin, bỏ tiền theo học các lớp ở nước ngoài. Chỉ riêng tiền mua tạp chí y học quốc tế để cập nhật kỹ thuật mới hàng tháng cũng mất 200-250USD (4-5 triệu đồng). Vậy mà lương lại chỉ được tính theo hệ số cơ bản, 5-7 triệu đồng/tháng là rất bất hợp lý.

“Làn sóng” bác sĩ ở BV công bỏ việc không còn mới mẻ. Tháng 5.2016, 3 Trưởng khoa của BV Đa khoa khu vực Cái Nước tỉnh Cà Mau xin nghỉ việc vì lý do “thu nhập thấp”. Tại BV Đa khoa tỉnh Cà Mau cũng có 10 bác sĩ xin nghỉ trong năm 2015. Theo thống kê của Sở Y tế Đăk Lăk, trong vòng 3 năm gần đây, có tới 48 bác sĩ ở BV công xin nghỉ việc, đa số là bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ. Tại tỉnh Bạc Liêu đã có 14 bác sĩ bỏ BV công về BV tư làm việc.

Bác sĩ… 100 triệu đồng

Trong khi nhiều ngành nghề, sinh viên ra trường thất nghiệp, thì ngành y lại được ưu ái nhiều hơn cả. Đơn cử như nghị quyết mới nhất nhằm thu hút nhân lực ngành y của tỉnh Lào Cai đã mạnh dạn chi tới 240 triệu đồng cho một tiến sĩ y khoa nếu vị đó về tỉnh công tác, thạc sĩ sẽ được hưởng 180 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa 1 là 120 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa 2 là 150 triệu đồng, bác sĩ có bằng khá giỏi là 100 triệu đồng, học lực trung bình cũng lĩnh 60 triệu đồng. Nếu các bác sĩ này chấp nhận về huyện công tác thì được lĩnh 120 triệu đồng, về tới xã là 140 triệu đồng. Khoản tiền này sẽ được cấp 1 lần.

Tuy nhiên, ông Phạm An Hùng – Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, chế độ đãi ngộ cao nhưng cũng không chắc đã thu hút được bác sĩ. Hiện BV Lào Cai mới có 150 bác sĩ và đang thiếu tới 30 bác sĩ. Dự tính đến năm 2020, khi BV mở rộng nâng số giường từ 600 lên 1.000 phải cần tới 150 bác sĩ nữa. “Đây là con số quá khó thực hiện” - ông Hùng cho biết.

Từ đầu năm đến nay, BV Lào Cai đã xuất hiện tình trạng một số bác sĩ sau khi được cử về Hà Nội học nâng cao tay nghề đã “một đi không trở lại”. Các bác sĩ này sẵn sàng chi trả tới 300 triệu đồng để “đền bù” tiền ăn học, trách nhiệm cho BV để về BV T.Ư. Một vị tiến sĩ duy nhất của BV sau khi được BV VIMEC (BV tư) bồi dưỡng cũng đã ngấp nghé ra đi, BV Lào Cai đã phải dùng mọi cách thuyết phục, động viên để giữ người. Tuy nhiên, ông Hùng vẫn thấy “thấp thỏm” sợ mất người bất cứ lúc nào.

Trước sự đe doạ mất nhân lực, hiện BV Lào Cai đã phải mời cả luật sư đến để tư vấn về chính sách, chế độ, yêu cầu các bác sĩ ký cam đoan trước khi cử cán bộ đi học.

Về thực trạng nhiều bác sĩ công bỏ việc sang tư, ông Huỳnh Quốc Việt – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau lại cho rằng, việc dịch chuyển bác sĩ này là bình thường. “Hiện tỷ lệ bác sĩ ở Cà Mau là 9/10.000 dân, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước, 54% trạm y tế cũng đã có bác sĩ. Chúng tôi đang có kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 11-12 bác sĩ/10.000 dân” – ông Việt cho biết.

Theo ông Việt, bác sĩ đã muốn đi dù có các chính sách ưu tiên, khuyến khích cũng khó giữ. Các bác sĩ được đưa đi đào tạo tay nghề có cam kết phải phục vụ BV trong một thời gian nhất định, hết thời gian họ đi cũng không giữ được, thậm chí không ít người bồi hoàn phí đào tạo để ra đi. “Chúng tôi luôn có các chính sách đào tạo, tuyển dụng, bác sĩ này đi có bác sĩ khác về” – ông Việt khẳng định.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

TIN MỚI

Return to top