ClockThứ Năm, 04/10/2012 05:27

Bậc thang rối rắm

TTH - Lâu nay chuyện thanh toán tiền điện nước, tôi hay qua loa. Đến tháng, nghe bác thu tiền gõ cửa thì chạy ra, nhận cái hoá đơn, liếc nhìn giá tổng hợp ở phía dưới, rồi cứ thế mà trả tiền. Nghĩ cũng chẳng có cách nào hơn. Xài điện phải trả tiền. Giá cả đã có quy định rõ. Tiền bạc có hoá đơn chứng từ hẳn hoi.

Hôm rồi, lục tìm trong mới giấy tờ hỗn độn, cũng có phần rãnh rỗi và tò mò, tôi đọc kỹ mấy cái hoá đơn tiền điện những tháng gần đây, gọi là chỉ để cho biết. Giá cả là điều đáng lo. Ví như gia đình tôi có 4 người trong tháng 7 vừa qua, xài điện tiết kiệm cũng tốn đến gần 450 ngàn đồng. Thế nhưng, từ nấu ăn, quạt mát, rồi tắm giặt, xem tivi, vào internet…mà số tiền chi ra bằng khoảng 2 cái giấy mời “cơm bụi cấp cao”, nghĩ lại cũng thấy chấp nhận được. Rắm rối là chỉ có chưa đến 450 ngàn đồng với khoảng trên 250 chữ (kWh) kia mà ngoài 10% thuế suất giá trị gia tăng, còn lại có đến 8 bậc giá khác nhau (hơi bị nhiều so với quy định), tiền tính lại toàn cả số lẻ. Kẻ có học như tôi mà chỉ nhìn thôi cũng đã thấy rối cả mắt.

Còn nhớ, theo cách tính tiền điện kiểu bậc thang lần đầu được áp dụng năm 2005, ngành điện khi đó từng nhấn mạnh, đây là giải pháp hợp lý đảm bảo quyền lợi cho hộ tiêu thụ điện ít và hộ nào dùng nhiều điện sẽ phải trả mức giá càng cao. Còn nhiều nguyên nhân nữa, nhưng suy cho cùng, cái lý do chung được hiểu là lượng điện năng còn thiếu và gặp khó khăn nên sử dụng phải tiết kiệm và phải có cơ chế ưu tiên trong phân phối. Ở đây là ưu tiên cho những đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống, ít có nhu cầu sử dụng và có ý thức tiết kiệm điện. Cách tính tiền điện theo bậc thang do thế cũng na na kiểu bán hàng thời bao cấp với đủ loại giá trong, giá ngoài gây bao phiền toái và cũng không ít những chuyện tiêu cực nhưng đầy thông cảm vào thời buổi khó khăn của một thời đã qua của đất nước.

Oái ăm thay là hiệu quả mang lại đã không như ý muốn. Khi nhìn lại 6 năm áp dụng giá bán điện theo bậc thang, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi đã cho rằng: “Tính ra không giải quyết được gì vì cuối cùng EVN vẫn thiếu vốn. Dù tính đến 7 bậc thang nhưng giá điện bình quân lại không vượt quá 1.000 đồng một kWh, không có lãi, không đủ vốn tái đầu tư”. Còn với người tiêu dùng thì chuyện cũng đã rõ ràng. Trở lại với cái hoá đơn tiền điện của tôi, giá 450 ngàn đồng một tháng cũng được xem là hợp lý nhưng chắc rằng, nó sẽ rõ ràng, dễ dàng hơn nếu không có cái thang đến 8 mức giá khác nhau kia. Cũng chính là lời của ông Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, trên thế giới cũng chẳng ai tính giá điện theo bậc thang, đây hoàn toàn là “sáng tạo” của riêng Việt Nam ta.

Bà con vùng cao phía Bắc gặp khó khăn có sáng kiến làm ruộng bậc thang đưa nước tưới lên cao và giữ nước cho ruộng lúa, ruộng ngô. Ruộng bậc thang có tác dụng cụ thể, nhìn rõ ràng và đẹp mắt đến nỗi mới đây đã trở thành di sản quốc gia. Nó khác xa với cách tính tiền điện theo giá cũng theo bậc thang nhưng rườm rà và rối rắm, khó khăn cho người sử dụng, đặc biệt đối với những người ít học. Thiết nghĩ, giao dịch kinh doanh quý nhất vẫn là sự đơn giản và nắm bắt thuận lợi. Sáng tạo giá điện bậc thang dễ gây hiểu lầm và trộm nghĩ, ai dám khẳng định sẽ không có những tiêu cực hay nhích nhắc này nọ ở đây khi chỉ cần chênh lệch một “chữ điện” là giá tiền đã có sự thay đổi.

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top