ClockThứ Ba, 11/06/2013 11:24

Bám sát đề để làm tốt bài thi đại học môn Văn

TTH - Để làm tốt bài thi đại học môn Văn, thí sinh cần lưu ý những điểm gì? Thạc sĩ Phan Thị Huyền Trang, Tổ trưởng Tổ văn, Trường THPT Nguyễn Huệ đã đưa ra những lời khuyên.

Một đề thi đại học môn văn theo hướng ra đề hiện nay có cấu trúc hai phần: Phần chung gồm câu 1 (tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm); câu 2 (vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn khoảng 600 từ). Phần riêng là phần vận dụng kiến thức đọc - hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học.

Muốn làm bài thi tốt, thí sinh cần lưu ý những điểm sau:
 
Đầu tiên, cần nắm vững từng thời kỳ văn học với những tác giả, tác phẩm tiêu biểu; nắm vững về tiểu sử, phong cách sáng tác, các tác phẩm quan trọng, nghệ thuật sáng tác của các tác giả văn học tiêu biểu; học thuộc lòng tất cả các bài thơ, các đoạn văn tiêu biểu và nắm được nội dung, nghệ thuật chính trong từng tác phẩm... Đây là hệ thống kiến thức cơ bản, là “xương sườn” giúp thí sinh triển khai ý khi làm bài. Các em có thể vẽ sơ đồ hệ thống theo thể loại thơ hoặc văn xuôi; theo tác giả hoặc tác phẩm... để dễ học, dễ liên hệ, so sánh...
 
Đối với câu 1 - câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức: về tác giả văn học Việt Nam, thí sinh cần ghi nhớ những nét chính về sự nghiệp sáng tác, quan điểm sáng tác và phong cách nghệ thuật của các tác giả...; về tác phẩm, các em phải nhớ hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, giá trị tư tưởng nghệ thuật, dẫn chứng, chi tiết, nhân vật, chủ đề... Thí sinh cần viết ngắn gọn, súc tích, trình bày trực tiếp và rõ ràng nội dung mà đề thi yêu cầu. Tuy nhiên, các em không nên viết theo kiểu gạch ý mà nên viết có hình thức ba phần: mở bài, thân bài và kết bài, vì giáo viên chấm sẽ không đánh giá cao cách làm bài theo kiểu gạch ý.
 
Đối với câu 2: thí sinh cần nắm chắc kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội với hai dạng đề: về tư tưởng đạo lý (giới thiệu vấn đề, giải thích khái niệm, bàn luận: lý do - biểu hiện - ý nghĩa, thái độ đối lập: nâng cao đánh giá, bài học nhận thức và hành động); về một hiện tượng xã hội (giới thiệu vấn đề, giải thích khái niệm, phân tích thực trạng - hậu quả, tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục, bài học nhận thức và hành động cho bản thân). Các em cần lấy dẫn chứng phong phú từ thực tế đời sống, biết liên hệ và rút ra được những suy nghĩ của chính bản thân về vấn đề được đề cập. Bài làm sâu sắc, có chính kiến và am hiểu về cuộc sống bao giờ cũng được đánh giá cao.
 
Đối với câu 3: Thí sinh cần nắm chắc kiến thức tổng hợp về văn học, kỹ năng làm bài nghị luận văn học. Ở phần này, đề thi thường kiểm tra kiến thức của học sinh qua 3 kỹ năng cơ bản: kỹ năng đọc hiểu tác phẩm; kỹ năng phân tích tác phẩm; kỹ năng khái quát tổng hợp. Đề thi thường tập trung so sánh sự tương đồng - khác biệt giữa hai đoạn thơ, hai đoạn văn, nhân vật - nhân vật, chi tiết nghệ thuật thể hiện quan niệm nghệ thuật, tư tưởng của tác giả, chủ đề... của tác phẩm; hay phân tích tác phẩm, một yếu tố trong tác phẩm để làm rõ cho một ý kiến, một quan niệm... bàn về văn học. Vì vậy, các em cần nắm vững nội dung trọng tâm của từng tác phẩm, liên hệ so sánh để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt với các tác phẩm cùng thể loại, hiểu rõ giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật trong từng chi tiết tiêu biểu..., có kiến thức cơ bản về lý luận văn học, biết cách lý giải, phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề. Thí sinh nên lập dàn ý sơ lược các luận điểm chính để tránh sót ý khi làm bài. Bài làm có hình thức đẹp, rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, cảm xúc, nắm chắc kiến thức... sẽ được người chấm đánh giá cao.
 
Những lỗi mà thí sinh thường mắc phải khi làm bài thi đại học môn Văn là gì?      
         
Giáo viên chấm sẽ có cảm tình hơn với bài viết sạch, đẹp. Giáo viên chấm sẽ không thích bài viết mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, diễn đạt lủng củng, và đặc biệt nhất là sai kiến thức. Câu 5 điểm đòi hỏi các em phải bám sát đề ra và trình bày theo đúng hệ thống luận điểm chính. Đa số học sinh thường mắc lỗi là phân tích tràn lan mà không bám sát vào đề ra.
 
Với môn văn, các em không những lấy tư liệu từ sách văn học, sách tham khảo mà còn từ cuộc sống, gia đình, bạn bè mình. Chẳng hạn, trong bài làm có thể lấy những dẫn chứng từ những tấm gương sáng trong đời sống đưa vào. Sau khi đưa dẫn chứng, để làm rõ cho phân tích của mình, thí sinh khi rút ra những bài học cho bản thân thì phải là những bài học mang tính đúng đắn và thông điệp riêng chứ không hô hào chung.
 
Từ năm 2008 đến năm 2012, hầu như đề thi nằm trong kiến thức lớp cả lớp 11 và 12 nên các em phải nắm vững kiến thức cả hai năm để làm bài cho tốt.
Ngọc Hà (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

Ngày 3/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh đến từ nhiều địa phương.

Tuyển sinh Đại học 2024 Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

TIN MỚI

Return to top