ClockChủ Nhật, 30/12/2012 00:09

Ban mai

TTH - Có dịp ngắm Huế từ đỉnh Ngự Bình vào tinh sương, sẽ thấy thành phố này như bước ra từ huyền thoại. Sương giăng tứ bề, khói sương tám hướng, và mây đùn lên giữa non núi ngàn cây như một sự khởi đầu bãng lãng trong cái nhìn mơ mộng nào đó. Cảm giác như những bức tranh thủy mặc đang được tạo hóa vẽ nên sống động ngay trước mắt. Những ráng vàng của ban mai chưa kịp đến, cũng như những màn sương khói lúc ấy chưa vội đi, chúng ở lại để Huế đẹp một cách lụa là. Ở lại để làm nên một Huế tinh sương lạ lùng. Giữa trùng khơi là khói sương như những giải yếm của thiếu nữ ấy, trập trùng núi, trập trùng cây hiện ra như những vĩ nhân và mỹ nữ. Gần như có một giai điệu tinh sương đã trình tấu giữa không gian ấy, với vũ điệu của những bước chân khói sương chầm chậm mà luân chuyển không ngờ. Như thâm trầm văn hóa Huế vậy, im lặng, không nói nhiều mà có sức sống mãnh liệt khôn cùng.

Ngay trên đỉnh Ngự buổi sớm ấy, dưới một gốc thông vô thường nào đó, thời khắc để chiêm nghiệm có thể chỉ dài như một cọng cỏ, như một hơi thở, nhưng cũng có thể dài như một ánh nhìn xuyên không gian, vắt qua núi non. Ban mai là khoảng khắc mà ngay cả ánh sáng cũng trong vắt. Ban mai do vậy từ xưa là biểu tượng của trong sạch, và cả của hứa hẹn.

Khi những ánh bình minh vừa dọi đến, thành phố Huế đã thức dậy trước đó và giờ là những nhịp thở đời sống đang bắt đầu vọng cho một ngày mới. Những bước chân đi thể dục buổi sáng là những hình ảnh rộn ràng nhất của thành phố lúc này. Những bước chân đó rộn rã khắp nơi, trong Đại nội, bên bờ sông Hương, dọc các sông An Cựu, Đông Ba, Như Ý. Những bước chân thực chứng cho biểu đồ sức khỏe của thành phố. Những bước chân đi qua những cây cầu, leo lên những đỉnh dốc, chinh phục chính mình. Những bước chân khuất trong sương, vang trong hẽm sâu hay rộn trên đường rộng. Những bước chân có thể dẫm lên cỏ, ướt đẫm sương, những bước chân ướt át cho niềm tin về sức mạnh bản thân. Những bước chân của niềm vui sống.

Kẻ sành điệu đứng từ núi Ngự buổi sáng như nghe trong hồn mình tiếng vọng hàng rong bốn phương đổ về đi như trẩy hội: Bún bò giò heo gánh đi từ lăng Vạn Vạn dưới miệt An Cựu phía nam Huế. Những gánh bún bò giò heo đã bắt đầu đỏ lửa từ phiên gà gáy canh ba, truyền lửa từ hàng bao thế hệ thức dậy tinh mơ như thế. Cũng đã bao thế hệ làm nên những cơm hến gánh từ Cồn Hến - Vỹ Dạ phía đông Huế; xôi bắp từ Kim Long phía bắc Huế; đậu hũ, chè cháo từ Nam Giao phía tây Huế... để giờ hàng ngàn bước chân quang gánh giữa tinh sương Huế đổ về.

Những bước chân của các thế hệ bình dị, mưu sinh một cách lương thiện nên cũng từ đó làm nên thiện nhân, làm nên văn hóa. Văn hóa, có gì xa xôi đâu, trước hết là đẹp cho đời, và để làm đẹp cho đời là phải tự mình làm đẹp mình. Như các mệ ở Huế ngày xưa, đi bán hàng rong cũng mặc áo dài, là cái cách nghĩ sống vì cuộc đời.

Có mối liên hệ tưởng như lỏng lẻo và té ra lại vô cùng gắn bó giữa những ban mai với tà áo dài của mệ bán hàng rong xứ Huế xưa. Các mệ giờ không còn nữa, như giọt ban mai tinh khiết, rồi cũng tan đi dưới nắng trời. Cuộc sống của con người cũng vậy rồi cũng sẽ có ngày kết thúc. Tà áo dài của mệ nhắc nhở rằng biết vậy nên khi còn sống trên cuộc đời này ta hãy học cách làm đẹp cho cuộc đời cũng như những giọt sương mai, như tà áo mệ... 

Hạ Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top