ClockChủ Nhật, 26/03/2017 09:47

Bàng bạc chất blues trong nhạc Trịnh

TTH - Không rõ tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn từ bao giờ, chỉ biết rằng thế hệ chúng tôi và kế sau hầu như ai cũng thích nhạc của ông. Và, rất lạ lùng, nhạc Trịnh Công Sơn có thể hát bắt đầu từ bất kỳ một câu nào trong bài, rồi hát lại từ đầu, hát từ điệp khúc đều được chấp nhận.

Trịnh Công Sơn. Ảnh: Internet

Lạ lùng nhạc Trịnh

Nhạc Trịnh Công Sơn hát vào lúc nào cũng được, hát vang, hát nho nhỏ, hát vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và cả nửa đêm đều cảm thấy ấm áp, gần gũi. Hát vào mùa đông (Ngụ ngôn mùa đông), mùa hạ (Hạ trắng), mùa xuân (Góp lá mùa xuân), mùa thu (Nhìn những mùa thu đi) đều tạo cảm xúc. Hát nhạc Trịnh vào thời khắc sum họp, phút giây chia tay, lúc đám cưới, khi đám tang đều phù hợp theo từng ngữ cảnh... Điều đặc biệt là nhạc của ông đưa người nghe đến với những nỗi niềm chung. Nhạc của Trịnh còn hát được bên vỉa hè, hay trên sân khấu, ở nhà chùa, nhà thờ, trong khung cảnh gia đình, hay những nơi công cộng đông người và có khi, chỉ hát cho chính mình nghe. Nhạc Trịnh Công Sơn còn được những gã thất tình hát lên để vơi đi nỗi đau (Tình buồn làm cơn say), cũng như được những người đang hạnh phúc trong tình yêu cất lên thánh thót (Tình reo vui trong nắng).

Tất cả không gian, thời gian, bất kỳ địa điểm nào... đều có thể là nơi để người hát nhạc Trịnh thể hiện mà không bị một ngăn ngại nào, dù có dàn nhạc hiện đại, hay chỉ hát "mộc" với cây guitare, thậm chí không cần một nhạc cụ nào đều tạo nên cảm xúc cho người nghe.

Rất lạ lùng là nhạc Trịnh Công Sơn có thể hát bắt đầu từ bất kỳ một câu nào trong bài, rồi hát lại từ đầu, hát từ điệp khúc đều được chấp nhận. Ngoài ra, một số linh mục còn sử dụng nhạc Trịnh trong các bài giảng ở nhà thờ, các tu sĩ Phật giáo cũng sử dụng ca từ nhạc Trịnh để làm ví dụ trong bài giảng kinh Phật... Âm nhạc Trịnh Công Sơn còn cất lên để tiễn đưa những phận người về với đất hay để đón chào những hài nhi ra đời ...

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không cố định vào một không gian, thời gian nào, càng không đứng về một phía nào, không dành riêng người giàu hay người nghèo, càng không nghiêng về một tôn giáo nào,... đó chính là tâm vô trú, tâm từ bi của người nghệ sĩ được thể hiện qua âm nhạc . Một điều có thể lý giải cho chất phiêu lãng, tự do của nhạc Trịnh và phù hợp với nhiều không gian, thời gian, nhiều đối tượng là do ca từ của Trịnh tràn ngập chất thơ, gợi đến âm hưởng tôn giáo và bàng bạc tính triết lý, hiện sinh, nhân bản.

Còn nhớ một đêm hè năm 1985, tôi lang thang uống trà trên sân ga Huế với người anh bà con. Hai anh em ngồi cùng bàn với nhóm thanh niên tầm trên dưới ba mươi tuổi, họ thay phiên nhau hát nhạc Trịnh, với những ca từ lãng mạn, hình ảnh thân thương và những âm sắc trầm bổng rất trữ tình, nào là: tình yêu như trái phá con tim mù lòa,... tình ngỡ đã quên đi,... hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi,... Tôi nghe tiếng đệm guitare hơi bị lạc, nên đề nghị lên dây giúp họ rồi đệm cho họ hát nhạc Trịnh say mê và rất có hồn.

Sau này nhạc Trịnh càng gần gũi với tôi hơn qua những băng đĩa, có một thời bạn bè tôi thường hát xuyên đêm khi mà sương mù bắt đầu phủ dụ những con đường cho đến lúc những chú gà cất tiếng gáy. Nhạc Trịnh đã song hành cùng cuộc sống của nhiều thế hệ chúng tôi, như những bài ca dao được người mẹ hát ru cho những hài nhi bên vành nôi thuở đầu đời.

Thân phận con người, chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình

Bob Dylan, một nhạc sĩ lừng danh của nước Mỹ, người được John Schafer, giáo sư văn chương ở Mỹ (đã có mặt tại Việt Nam vào năm 1968) sánh cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hai người nhạc sĩ tài danh đó được xem như Trăng và Nguyệt. Năm 2016, nhạc sĩ Bob Dylan được vinh danh bởi giải Nobel văn chương với những ca khúc đầy chất thơ và nhân văn của ông. Và ở đất nước của chúng ta, vào cái thời chiến tranh đau thương mà dân tộc phải gánh chịu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tạo ra một dòng nhạc được xem là có ảnh hưởng lớn trong thời đại, với ca từ đầy chất thi ca và nhân bản, kết nối hòa bình và ngợi ca tình yêu (Ca khúc da vàng).

Tôi cảm nghiệm, nhạc Trịnh tựa như một loại nhạc blues của dân Việt, một loại Jazz của nhiều thế hệ Việt Nam đã sống và lớn lên giữa chiến tranh. Chất blues tiềm ẩn trong nhiều bản nhạc Trịnh Công Sơn bởi sự tự do, phóng khoáng và sâu lắng. Nhiều ca sĩ nhận thấy điều này và đã thể hiện nhạc Trịnh theo phong cách blues Jazz rất thành công. Những bản nhạc của Trịnh Công Sơn tiềm ẩn chất nhạc Jazz: “Dấu chân địa đàng”, “Lời buồn thánh”, “Phúc âm buồn” ... đều có thể hát theo phong cách Jazz tràn đầy cảm xúc.

Nếu nhạc blues nói về thân phận của người da đen thì nhạc Trịnh Công Sơn đầy ắp thân phận con người, không phân biệt màu da. Trịnh Công Sơn làm thơ trước rồi viết nhạc sau và trong nhạc blues, ca từ cũng rất thơ và phong cách biểu diễn nhạc blues với cây guitare hoặc banjo thậm chí không cần nhạc cụ thì với nhạc Trịnh điều này càng thấy rõ. Chỉ một vài yếu tố trên đã cho thấy chất blues bàng bạc khắp nơi trong các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

LÊ HUỲNH LÂM

 

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, vào dịp kỷ niệm ngày mất cố nhạc sĩ 1/4 năm nay sẽ ra mắt “Nhóm Nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn” (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) tại tư gia của nhạc sĩ (47C Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn
Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”

Chiều 17/3, tại Công viên 3/2, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đêm nhạc không thu phí “Nhớ Trịnh Công Sơn”.

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”
Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn

Thế là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thỏa nỗi ước mong trở về với Huế quê hương, khởi đầu là bức tượng được dựng trong công viên ở ngã ba sông Hương và sông hộ thành Đông Ba...

Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn
Dự kiến đặt tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào tháng 11

Pho tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được một doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh tặng UBND TP. Huế hiện đã được đưa về tại trụ sở Trung tâm Công viên cây xanh Huế. Tuy nhiên do đang gặp một số vướng mắc liên quan đến việc người dân lấn chiếm công viên Trịnh Công Sơn – nơi đặt bức tượng, cũng như trở ngại thời tiết nên chưa thể tiến hành việc đặt tượng.

Dự kiến đặt tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào tháng 11

TIN MỚI

Return to top