ClockThứ Sáu, 24/02/2017 06:01

Bằng cả tấm lòng

TTH - “10 năm làm chi hội trưởng phụ nữ, chị chưa bao giờ xem đó là công việc “vác tù và”, ngược lại luôn dốc sức cống hiến bằng tất cả tấm lòng. Chị là một trong 5 cá nhân tiêu biểu của tỉnh được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong năm 2016”. Đó là lời nhận xét của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Thủy về chị Lê Chị Tằm, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Hạ, xã Dương Hòa.

Về Dương Hòa tìm gặp chị Tằm, khi chị đang lên kế hoạch tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa các hội viên trong thôn nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Người phụ nữ ấy có vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tự tin, trẻ hơn so với tuổi 47 của mình.

Chị Tằm (phải) cùng hội viên làm hàng rào xanh

Nói về quá trình đến với hội, chị Tằm nhớ lại: “Năm 2006, khi được hội viên tin tưởng bầu làm chi hội trưởng, ngoài sự năng động, nhiệt tình, tôi không có chút kiến thức nào về công tác hội. Phong trào phụ nữ thôn Hạ lúc đó cũng rất mờ nhạt, tỷ lệ tập hợp hội viên chỉ đạt khoảng 50%. Mỗi lần tổ chức sinh hoạt phải đi “năn nỉ” từng người. Nhiều lần rất nản nhưng nếu bỏ cuộc thì có lỗi với sự tín nhiệm của hội viên và xấu hổ với bản thân nên tôi quyết tâm vực dậy phong trào”.

Ban ngày, chị Tằm là một nông dân thực thụ, cặm cụi sản xuất chăn nuôi, chăm lo cuộc sống gia đình. Đêm về, cơm nước xong, mọi người nghỉ ngơi cũng là lúc chị bắt đầu công việc của người cán bộ hội. Chị rảo bước khắp thôn, gõ cửa từng nhà, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để có cách vận động, tập hợp cho hiệu quả. Nhiều lúc tranh thủ chị em đi làm đồng về, chị lại “rỉ tai” truyền đạt những cái hay, cái lợi khi vào hội như: được chia sẻ khó khăn, được nâng cao kiến thức về xã hội, được vay vốn làm ăn... Đối với những hội viên đau ốm, chị Tằm lặn lội đến thăm hỏi. Thời gian rảnh rỗi, chị chịu khó đọc thêm tài liệu sách báo để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác hội.

Theo chị Tằm, vận động chị em đi sinh hoạt đã khó nhưng để chị em tập trung lắng nghe các nội dung sinh hoạt càng khó hơn. Để thu hút hội viên, chị đã đổi mới hình thức sinh hoạt bằng cách cụ thể hóa các phong trào hội bằng những câu chuyện, những tình huống sát sườn để hội viên cùng nhau thảo luận, tìm giải pháp trong cách nuôi dạy con, xử lý tình huống khi xảy ra xung đột giữa vợ chồng, giữa mẹ chồng nàng dâu hay cách sử dụng vốn vay hiệu quả.... Xen kẽ giữa buổi sinh hoạt là những tiết mục văn nghệ sôi nổi. Với hình thức sinh hoạt này, chị Tằm đã tạo cho hội viên cảm giác đang nghe chuyện của mình, đang nói về những tình huống họ gặp phải chứ không phải là những nội dung khô khan trong nghị quyết. “Từ khi sinh hoạt hội theo hình thức mới, chị em ai cũng mong đến kỳ sinh hoạt để có cơ hội giao lưu, học hỏi và xả stress sau những ngày tất bật với việc đồng áng”, chị Nguyễn Thị Nguyệt, một hội viên tâm sự. 

Đối với các hội viên khó khăn về kinh tế, chị Tằm tìm cách gỡ khó cùng họ thông qua giới thiệu vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, qua Quỹ Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, giúp nhau ngày công, con giống...Những gia đình không may rơi vào hoàn cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” chị Tằm thường xuyên qua lại tỉ tê cả chồng lẫn vợ để giảng hòa. Mấy năm gần đây đời sống của chị em được nâng lên, chị Tằm mạnh dạn đứng ra tổ chức những chuyến tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, giúp chị em có cơ hội giao lưu và mở rộng hiểu biết.

Bằng lời nói giản dị, mộc mạc, hành động luôn vì cái chung, chị Tằm đã tạo được niềm tin trong lòng hội viên, số phụ nữ tham gia sinh hoạt hội ngày càng đông, đạt tỷ lệ trên 80%. “Nếu trước đây mỗi lần tổ chức sinh hoạt phải đi vận động từng người thì nay chỉ cần gửi giấy mời là các chị chủ động tham gia”, chị Tằm tự tin. Đó cũng là điều dễ hiểu khi các phong trào: “5 không, 3 sạch”, “Tiết kiệm tự nguyện tại chỗ”, “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, làm hàng rào xanh xây dựng nông thôn mới... tại Chi hội phụ nữ thôn Hạ luôn dẫn đầu trong toàn xã. Hiện nay, chi hội đã tiết kiệm được trên 100 triệu đồng vốn vay từ “Quỹ tiết kiệm tự nguyện tại chỗ”, xây dựng được 40 hàng rào xanh, nhiều hội viên tiên phong hiến đất làm đường, giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo...

Chị Tằm nhiều lần được Tỉnh hội, Thị hội và UBND xã Dương Hòa tặng bằng khen, giấy khen trong các phong trào. Riêng năm 2016, chị được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen.

TUẤN KHOA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế

Những người tôi đã gặp có những hoàn cảnh, công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là sống vì cộng đồng, không tiếc sức, tiếc của riêng góp phần mở đường giao thông, làm thay đổi diện mạo đời sống ở địa phương.

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế
Những tấm lòng thơm thảo

Họ vừa là thầy, cô giáo vừa là người bà, người cô, người mẹ, người cha, người anh, người chị có tấm lòng thơm thảo đối với các trẻ em nghèo, khó khăn, khuyết tật trong cuộc sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Những tấm lòng thơm thảo
Những tấm lòng hiến tặng hiện vật

Có vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh dù tuổi đã cao, sức yếu, hay những bà mẹ ở tận các xã vùng cao A Lưới đã tìm về Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế để hiến tặng những kỷ vật là hành trang quý giá đời mình, được gìn giữ qua những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ.

Những tấm lòng hiến tặng hiện vật
Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang

Xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, yêu thương, hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hoàng Kim Sơn miệt mài đem yêu thương đến cho biết bao cảnh đời cơ cực. Bước chân thầy Sơn đã đến nhiều làng, nhiều bản để giúp đỡ, sẻ chia… đã trở nên gần gũi, xúc động đối với học sinh và bà con nghèo.

Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang
Tấm lòng nhân ái của những thầy thuốc tương lai

Đội Tình nguyện Vì bệnh nhân là một trong nhiều câu lạc bộ, đội nhóm sinh viên trực thuộc Đoàn Trường đại học Y Dược - Đại học Huế thành lập năm 2015 để giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn. Những hoạt động ý nghĩa như: Phát cháo tình nguyện, Đông ấm yêu thương, Trung thu cho em, Tết Thiếu nhi, Cùng em tới trường… đã góp phần nuôi dưỡng, phát triển tấm lòng nhân ái trong các bạn sinh viên trường và góp phần mang lại niềm vui cho những bệnh nhân nghèo.

Tấm lòng nhân ái của những thầy thuốc tương lai
Return to top