ClockThứ Năm, 08/09/2016 14:25

Báo động tình trạng bệnh không lây nhiễm vì lối sống

Uống quá nhiều rượu bia, ăn quá mặn, ít hoạt động thể lực, ăn ít rau… là những thói quen nguy hại của người Việt. Đây là số liệu trong Điều tra quốc gia nguy cơ bệnh không lây nhiễm đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế công bố ngày 8/9

Những con số điều tra cho thấy, nếu người dân Việt không thay đổi lối sống thì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh KLN

Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (gọi tắt là điều tra STEPS) do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới WHO điều tra năm 2015. Tổng số người được điều tra là gần 3.900 người, đại diện quốc gia cho quần thể từ 18-69 tuổi. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có điều tra quy mô về vấn đề này. 

Kết quả cho thấy, sức khoẻ của người dân Việt đang có những dấu hiệu đáng lo ngại. Trong khi đó, người Việt lại đang có những thói quen xấu cho sức khoẻ. 

Cụ thể, 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua và có xu hướng tăng theo thời gian, trong đó 44,2% nam giới và 1,22% nữ giới uống ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có uống ít nhất 1 lần từ 6 đơn vị cồn trở lên) và 45% điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu. Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm – chuyên gia WHO, 1 đơn vị cồn tương đương với 1 lon bia hoặc 1 chén 30ml rượu. 

Người dân Việt cũng ăn thiếu rau nghiêm trọng với 57,2% dân số ăn thiếu rau, trái cây (400gam/ngày) so với khuyến cáo của WHO (800 gam/ngày), tỷ lệ nam giới cao hơn nữ giới lên đến 63% (nữ 51,4). Người Việt cũng ăn lượng muối nhiều gấp đôi (9,4 gam/ngày) so với khuyến cáo của WHO (5 gam/ngày). 

Có đến 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực. Các thói quen này là nguy cơ dẫn đến bệnh thừa cân béo phì, tăng đường huyết, tăng huyết áp và cholessterol. Theo STEPS, 15,6% dân số Việt đang thừa cân béo phì, 18,9% tăng huyết áp (nam 23%, nữ 14,9%); 3,6% dân số có rối loạn đường huyết lúc đói và tỷ lệ tăng đường huyết là 4,1%; 30,2% có tăng cholesterol máu. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam có điều tra quy mô về bệnh không lây nhiễm (KLN). Những con số điều tra cho thấy, nếu người dân Việt không thay đổi lối sống thì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh KLN như: ung thư, tiểu đường, tim mạch và các bệnh mãn tính đường hô hấp. “Năm 2012, các bệnh KLN chiếm 73% các ca tử vong ở Việt Nam và 66% tổng chi phí y tế. Chi phí cho bệnh KLN cao gấp 40-50 lần bệnh lây nhiễm do phải dùng các kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền, dễ biến chứng và phải điều trị trong thời gian kéo dài” - Thứ trưởng Long nhấn mạnh. 

Trước đó, Bộ Y tế cũng công bố Điều tra sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 cho thấy, 45,3% nam giới sử dụng thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong nhà cũng rất cao: ở nhà là 59,9%, ở nơi làm việc 42,6%, ở trường học 16,1% và trên các phương tiện giao thông 19,4%, ở nhà hàng trên 80%. Đây cũng là nguyên nhân gây nhiều bệnh KLN.

Theo Dân Việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết giá dịch vụ khám chữa bệnh: Người bệnh mừng, bệnh viện lo

Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh, nhằm siết chặt các điều kiện và viện phí của dịch vụ này, tránh mỗi nơi một giá. Người bệnh mừng còn các bệnh viện (BV) lo ngại, “giá trần” sẽ khiến bệnh viện không thể đáp ứng được nhu cầu cao của bệnh nhân.

Siết giá dịch vụ khám chữa bệnh Người bệnh mừng, bệnh viện lo

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top