ClockThứ Sáu, 29/07/2016 14:08
VỢ CHỒNG ÔNG VĂN VINH (XÃ QUẢNG THÁI) NỢ HÀNG TỶ ĐỒNG:

Bao giờ người dân đòi được tiền?

TTH - Tuy bản án của Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Quảng Điền đã có hiệu lực từ năm 2014, nhưng đến nay, những người cho vợ chồng ông Văn Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thái (Quảng Điền) vay hàng tỷ đồng vẫn chưa đòi lại được tiền của mình. Sự việc kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.

PV Báo Thừa Thiên Huế (bên phải) làm việc với Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Quảng Điền xung quanh vụ việc 

Theo đơn phản ảnh của bạn đọc gửi đến Báo Thừa Thiên Huế, từ năm 2010, lợi dụng lòng tin và chức vụ, ông Văn Vinh cùng vợ là bà Nguyễn Thị Phương trú tại thôn Trung Kiều, xã Quảng Thái đã vay của nhiều người để kinh doanh thức ăn gia súc, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Vợ chồng ông Vinh không chỉ vay tiền của người dân trong xã, mà còn vay của một số người ở TP. Huế, Đà Nẵng. Cụ thể, vợ chồng ông Huỳnh Nở, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) hơn 2 tỷ đồng và 3 cây vàng; bà Văn Thị Một, thôn Đông Hồ, xã Quảng Thái (Quảng Điền) hơn 1,3 tỷ đồng; bà Lê Thị Hường, 82 Thạch Hãn (TP. Huế) hơn 2 tỷ đồng… Vậy nhưng, vợ chồng ông Vinh không trả tiền như đã hứa.

Do thất hẹn, người dân đã làm đơn “cầu cứu” cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Qua thu thập chứng cứ có liên quan, TAND huyện Quảng Điền đã đưa vụ việc ra xét xử theo đúng trình tự pháp luật, buộc vợ chồng ông Vinh phải trả số tiền mình đã vay của các hộ dân. Như trường hợp bà Văn Thị Một, TAND huyện Quảng Điền yêu cầu phía bị đơn (vợ chồng ông Vinh) thanh toán số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Phía bị đơn cũng đã công nhận còn nợ của bà Một số tiền trên và đồng ý trả nợ. Tuy nhiên, lấy lý do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn vì kinh doanh buôn bán thua lỗ, vợ chồng ông Vinh xin hẹn thêm thời gian khi nào bán được nhà và trang trại rú cát ở xã Quảng Lợi sẽ trả. 

Đến nay, bà Một và những hộ có liên quan đều khẳng định: Chưa nhận được tiền từ việc thi hành án của cơ quan chức năng. Ông Vinh và vợ tiếp tục chây ỳ, không chịu trả tiền như đã hứa trước các phiên xét xử tại TAND huyện Quảng Điền. Bà Văn Thị Một bức xúc: “Chúng tôi đã làm đơn gửi cơ quan chức năng sớm kê biên tài sản của vợ chồng ông Vinh và khẩn trương thi hành án, nhưng rất chậm”.

Ông Lê Hùng Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Quảng Điền cho biết: “Vụ việc kéo dài trong nhiều năm, việc thi hành án gặp nhiều khó khăn. Hiện 1 ngôi nhà, 1 trang trại của vợ chồng ông Vinh đã được bán, với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng. Trong đó, nhà 700 triệu đồng, trang trại khoảng 600 triệu đồng. Mới đây, chúng tôi cũng đã kê biên, đang trong quá trình lập thủ tục đấu giá chiếc xe máy của ông Vinh trị giá khoảng 19 triệu đồng”.

Cũng theo ông Cường: “Số tiền này không đáng là bao so với việc ông Vinh vay của các hộ dân. Số tiền kê biên, đấu giá tài sản một phần lớn được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền thu do vợ chồng ông Vinh nợ. Đầu tháng 7/2016, chúng tôi trích 30% lương hàng tháng của ông Vinh để đảm bảo việc thi hành án. Số tiền thi hành án được bao nhiêu chúng tôi chi trả cho người dân theo tỷ lệ. Người dân tiếp tục phát hiện ông Vinh còn có những loại tài sản giá trị nào nữa cứ báo với chúng tôi để giải quyết”.

Ông Hồ Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền cho biết: Trước vụ việc có liên quan đến ông Vinh, huyện đã tiến hành xử lý. Ông Vinh đã bị cách chức Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thái, nay chỉ làm nhân viên văn phòng của UBND xã. Vụ án đã được TAND huyện xử nhiều lần vì liên quan đến nhiều người. Đây là bài học lớn cần phải rút kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, bao giờ người dân đòi được tiền vẫn đang là câu hỏi cần sự tích cực hơn nữa của cơ quan chức năng. 

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Gắn kết giữa người dân và chính quyền

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thực sự tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp... góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Gắn kết giữa người dân và chính quyền
Return to top