ClockChủ Nhật, 01/11/2015 10:47

Bạo hành học sinh: Giáo viên thiếu lòng nhân ái!

TTH.VN - Đó là nhận định của nhiều nhà tâm lý, nhà giáo dục về tình trạng giáo viên bạo hành học sinh liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. 


Học sinh rất cần sự nâng niu, chăm sóc của người lớn

Giáo viên thiếu kĩ năng, chưa được rèn đạo đức

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Ths Lê Minh Công cho rằng, hiện nay giáo viên được giáo dục nhiều về kĩ năng sư phạm hoặc về chuyên môn nhưng giá trị đạo đức nghề nghiệp không được nói nhiều. Hay nói cách khác, giá trị đạo đức của người giáo viên hiện nay không được tôn vinh nhiều như trước đây.

Bên cạnh đó, giáo viên chỉ dạy bài vở là chủ yếu, không được đào tạo và huấn luyện về các kĩ năng xã hội nhiều nên không có phương án, kĩ năng ứng phó với tình huống khủng hoảng của học sinh khi xảy ra.

Còn đối với học sinh, hiện nay các em không được chú trọng giáo dục về các giá trị nhân cách cũng như đạo đức. Các em chỉ được đào tạo chủ yếu về kiến thức, các bài học trong sách vở nên không được huấn luyện nhiều về kĩ năng sống tích cực trong các trường hợp.

Về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, những vụ bạo lực học đường được phát hiện rất nhiều trong thời gian vừa qua, một phần có thể do bức xúc tâm lý bên trong của mỗi giáo viên.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do hai điều: Thứ nhất giáo viên không có kĩ năng để ứng xử với những tình huống sư phạm. Năng lực thiếu, chưa được đào tạo đến nơi đến chốn. Ví dụ, sự việc cô giáo mầm non trói, bịt mồm đánh trẻ vì khóc ở Đồng Hới, Quảng Bình vừa qua.

Trong trường hợp này, cô giáo không biết nên xử trí thế nào, không biết giải thích hoặc chuyển hướng tâm lý để thay đổi sự chú ý của trẻ ra sao nên đã dẫn đến tình trạng sử dụng bạo lực trong khi đứa trẻ ấy mới hơn 14 tháng.

Thứ hai, về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên chưa được rèn đến nơi đến chốn. “Theo tôi được biết, ở nước ngoài, có 3 ngành nghề được rèn giũa rất kĩ: Ngành Y, Sư phạm và ngành Luật.

Cả 3 ngành này, ở nước ngoài được đào tạo đạo đức nghề nghiệp rất ghê gớm. Nhưng chúng ta khâu này bị coi thường”, ông Lâm nói.

 

Giáo viên bạo lực học sinh, lỗ hổng lớn của ngành giáo dục?

Tình thương với học sinh chưa đủ lớn

Sau những vụ bạo hành học sinh, đặc biệt là học sinh mầm non ở tại nhiều thành phố trong thời gian vừa qua, nhiều người đặt câu hỏi, giáo dục mầm non là lĩnh vực giáo dục đặc thù. Thế nhưng, vì sao nhiều vụ bạo hành mất nhân tính lại xảy ra tập trung ở đối tượng này?

Ths Công cho rằng, giáo viên dễ bạo hành trẻ mầm non, đơn giản vì đứa trẻ đó quá bé, chưa biết phản kháng. Thứ hai, nghề giáo viên mầm non có những đặc thù, những nguyên nhân khiến họ dễ stress như phải chăm lo, ăn uống, vệ sinh… cho các cháu.

Một điều quan trọng theo Ths Công, một khi bố mẹ hoặc giáo viên đã phải sử dụng vũ lực, nghĩa là đã bất lực với đứa trẻ đó.Và vì sao họ bất lực? đấy là khi người đó không có phương pháp, không giáo dục được lòng nhân ái cho học trò.

Và điều này cũng chứng tỏ, ngay cả bản thân người bạo hành cũng không có tình cảm và lòng nhân ái với đứa trẻ đó thì khó mà làm giáo dục được.

“Phải thừa nhận có nhiều giáo viên mầm non rất tốt nhưng những người đánh học sinh, đa phần là tuổi đời còn trẻ hoặc là bảo mẫu không được đào tạo đến nơi đến chốn, những người chỉ học qua loa để lấy tấm chứng chỉ tạm thời …

Đối với những giáo viên được đào tạo giá trị đạo đức nhà giáo một cách bài bản tại trường, tôi nghĩ ít khi họ đánh trẻ con hoặc có hành động phản sư phạm như vậy”, Ths Công khẳng định.

Còn theo TS Tùng Lâm, ngoài việc không có năng lực sư phạm, một phần nguyên nhân dẫn đến bạo hành là do tình thương của giáo viên với học sinh chưa đủ lớn.

Ông phân tích, ở một số trường hợp giáo viên không có năng lực sư phạm nhưng lại rất thương học sinh. Khi trò khóc, cô không biết làm sao nên cùng khóc luôn với trò.

Như vậy, mặc dù giáo viên đó thiếu năng lực nhưng tình thương của họ đủ lớn và họ không nỡ hành hạ các cháu. Trong khi đó, những người không có đủ tình thương và lòng kiên trì, họ sẵn sàng ra tay khi có bức xúc.

Lỗ hổng lớn của giáo dục

Trao đổi với chúng tôi, TPGS. TS Phan Trọng Ngọ (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư Phạm) cho rằng, việc phát hiện kịp thời các trường hợp bạo hành học sinh trong những ngày qua là rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng đây chỉ là một số trường hợp cá biệt, không phải vấn nạn bởi vẫn còn rất nhiều giáo viên tốt, tâm huyết.

Mặc dù vậy, nhìn nhận về việc giáo viên bạo hành hoặc đánh chửi học sinh, ông Ngọ cũng khẳng định, đấy là hoàn toàn sai và phản giáo dục cho dù học sinh có phạm lỗi như thế nào.

Cùng với ý kiến này, TS Tùng Lâm chia sẻ, Bộ GD&ĐT nên rà soát lại việc đào tạo giáo viên mầm non hiện nay để tránh tình trạng các em không có bằng cấp hoặc thi không đỗ vào đâu thì vào mầm non.

Với công tác đào tạo giáo viên mầm non phải chính quy, không được đào tạo ngang tắt bởi một khi đã hoạt động trong lĩnh vực này, giáo viên cần có lương tâm nghề nghiệp bởi một khi đứa trẻ nào đó bị bạo hành.

Về phía học sinh, Ths Công cho rằng, ở trường nào cũng có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng đa phần, các trường đều đào tạo “văn” đầu tiên chứ không phải dạy “lễ”. Đây là lỗ hổng lớn trong giáo dục hiện nay.

Khi không có các giá trị đạo đức tốt thì ở lứa tuổi nào cũng thế, giai đoạn nào cũng thế, các em có thể sẽ dễ dàng tấn công người khác.

“Vì thế như tôi nói, học sinh không chỉ học kiến thức mà còn phải được quan tâm, đào tạo về các kĩ năng sống tích cực, được quan tâm giáo dục nhân cách để bắt kịp với thay đổi trong cuộc sống”, Ths Công cho biết.

Về mức độ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh khi đã bị bạo hành sẽ như thế nào, Ths Công chia sẻ, bất cứ hình thức bạo hành nào cũng ảnh hưởng đến cảm xúc hành vi nhất thời hoặc lâu dài cuả đứa trẻ.

Nếu bạo hành với mức độ nặng, tần suất lặp lại nhiều lần, chắc chắn đứa trẻ đó rất ảnh hưởng về mặt tinh thần.Nhẹ thì sợ hãi, sợ đi học nhưng nặng thì dễ rơi vào trầm cảm hoặc ấn tượng sâu sắc vì những trận đòn roi cả sau khi đứa trẻ đó đã lớn lên.

Quốc Huy (Theo Dân trí)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Return to top