ClockThứ Ba, 16/10/2018 14:07

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng xuất phát từ mạng xã hội

Theo thống kê của ngành công an, trong một năm có khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học. Điều đáng nói, ngành giáo dục không nắm được dữ liệu về bạo lực học đường.

Lập đường dây nóng nhận phản ánh vi phạm đạo đức nhà giáoKỹ năng sống bắt đầu từ sự trải nghiệm“Nét đẹp văn hóa học đường”Nhiều nghiên cứu về nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viênNhiều trẻ em trên thế giới đối mặt với nỗi sợ hãi từ bạo lực học đường

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng

Bạo lực học đường hiện đang là vấn đề nóng, trở thành mối quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. Bạo lực học đường không còn xảy ra giữa học sinh với học sinh mà nó còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh, giữa nhà trường với phụ huynh.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, bạo lực học đường thời nào cũng có, nhưng hiện nay, với sự xuất hiện của mạng xã hội và thông tin truyền thông đã khiến cho bạo lực học đường ngày càng gia tăng. “Việc học sinh lên các trang mạng xã hội vào bình luận, tranh cãi nhau… dẫn đến hành vi bạo lực”, ông Nguyễn Tấn Lộc, Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP Hồ Chí Minh) cho biết.

 Tham gia mạng xã hội dễ khiến học sinh gia tăng bạo lực trong học đường. Ảnh minh hoạ

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2, chia sẻ: "Ở lứa tuổi học sinh, nhất là ở giai đoạn học sinh THCS có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, theo kinh nghiệm, những em có xu hướng bạo lực thường là những em thiếu sự chăm sóc của gia đình, sống trong môi trường xã hội không được tốt, chẳng hạn như từ nhỏ các em đã thấy bạo lực từ cha mẹ, người xung quanh, cha mẹ bỏ nhau…".

Ông Nguyễn Tấn Lộc còn chỉ ra rằng, việc thầy cô giáo chỉ tập trung vào giảng dạy, ít có thời gian quan tâm đến giáo dục, uốn nắn học sinh trên lớp, những xung đột nhỏ không được thầy cô giáo quan tâm giải quyết kịp thời thì cũng chính là nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường. “Giáo viên nói nặng nề trong những tiết giảng, liên tục làm cho học sinh cảm thấy khó chịu khi đi học cũng là những hành vi của bạo lực học đường”, ông Lộc cho biết thêm.

Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường còn xuất phát từ việc phát triển tâm sinh lý của trẻ, như trẻ muốn được mọi người chú ý theo cách gây bạo hành cho người khác; quá trình giáo dục tại gia đình theo kiểu trẻ không phải chịu trách nhiệm việc mình làm, trẻ nghĩ mình phải dùng quyền lực để có được điều mình muốn vì đó là cách nhanh nhất. Nguyên nhân nữa là trẻ có thể bắt chước từ cuộc sống thực, phim ảnh hoặc chính trẻ là người bị bạo hành trong gia đình.

Cần có sự phối hợp của cả “ba nhà”

Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đã có nhiều hội thảo bàn về bạo lực học đường và nguyên nhân nêu ra thì rõ, nhưng giải pháp cơ bản vẫn là giải pháp chung, chưa giải quyết và cũng chưa hạn chế được tình trạng bạo lực học đường. Qua khảo sát của cơ quan công an từ năm 2011 đến 2018 thì thấy rằng, hàng năm số vụ việc bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng, phức tạp hơn.

Theo ông Bá, sau hơn một năm triển khai nghị định, quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng chống bạo lực học đường, các cơ sở giáo dục đều có kế hoạch triển khai, nhưng hầu hết còn bê nguyên xi nội dung văn bản của Bộ, không đáp ứng được yêu cầu kế hoạch.

Đặc biệt, qua khảo sát thực tế, ngành giáo dục không nắm chắc được dữ liệu bạo lực học đường. Trong năm học qua, báo của ngành giáo dục cả nước gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, bạo lực học đường xảy ra khoảng vài trăm vụ, mỗi Sở chỉ xảy ra khoảng 2 đến 3 vụ. Tuy nhiên, khi ngành công an vào cuộc phối hợp với ngành giáo dục, rà soát số liệu tổng hợp lại chênh nhau rất lớn, với hơn 2.000 vụ/năm, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra ngay trong trường học.

Từ thực tế này, ông Bá đề nghị, các trường, sở phải chủ động hơn trong nắm tình hình, dữ liệu bạo lực học đường; phải chủ động rà soát tình hình của nhà trường, từ đó đề xuất với chính quyền địa phương các cấp để giải quyết.

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn ngừa bạo lực học đường, cần phải mạnh dạn đưa ra các giải pháp một cách đồng bộ, có sự chung tay của cả một hệ thống gồm gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đó, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, dù nhà trường có nhiều biện pháp phòng chống bạo lực học đường nhưng nếu không chú ý trong việc phối hợp cả ba môi trường là nhà trường, gia đình và xã hội thì cũng khó thực hiện. Đặc biệt, ở trong môi trường trường học, thầy cô phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức để các em nhìn vào đó noi theo.

“Bằng bất cứ giá nào, giáo viên cũng không được dùng bạo lực với học sinh. Nếu học sinh có những vi phạm lớn thì phải có biện pháp giáo dục và phối hợp giáo dục. Chính tình cảm, tình thương của thầy cô giáo sẽ giáo dục cho các em để các em không có vấn đề bạo lực trong nhà trường”, bà Cúc cho hay.

Bên cạnh đó, bà Cúc đề xuất thêm: “Biện pháp căn cơ nhất trong việc phòng chống bạo lực học đường chính là tăng cường giáo dục đạo đức học sinh. Đừng sai lầm trong việc muốn học sinh giỏi là phải tăng cường truyền đạt kiến thức cho các em. Kiến thức là mênh mông và các em không học lúc này thì có thể học lúc khác, nhưng đạo đức của con người là phải được dạy từ nhỏ”.

Ông Nguyễn Tấn Lộc cũng cho hay, để phòng ngừa bạo lực học đường và tạo môi trường trường học thân thiện, trường TPH Hùng Vương đã tăng cường tuyên truyền giáo dục nhận thức về bạo lực học đường cho giáo viên, cán bộ công nhân viên và học sinh.

Ngoài ra, nhà trường cũng tuyên truyền, giáo dục pháp luật để các em nhận thức được việc làm nào trái pháp luật và việc làm nào theo pháp luật; xây dựng văn hóa trong nhà trường, giáo viên, học sinh tuân thủ quy tắc trong nhà trường; cách ứng xử giữa học sinh với giáo viên, giữa giáo viên với lãnh đạo nhà trường… Xây dựng cảnh quang trong nhà trường xanh sạch đẹp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bá, muốn giải quyết hiệu quả bạo lực học đường, phải giải quyết nhóm đối tượng từ gốc ở các nhà trường. Trên cơ sở này, nhà trường phải phân nhỏ 2 nhóm, gồm nhóm có nguy cơ gây ra bạo lực và nhóm có nguy cơ bị bạo lực để giải quyết tận gốc.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

TIN MỚI

Return to top